• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Làm tốt lời dạy của Bác Hồ về chăm sóc người có công với cách mạng, NNCĐDC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những người có công với nước. Theo Người: “khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, gia đình ta bị đe dọa; của cải, nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc ta bị lâm nguy, khi đó, những người chiến sỹ (là con em của nhân dân) đã xung phong đi trước để chiến đấu với quân thù, giữ gìn đất nước chúng ta.. Họ đã hy sinh cả tính mạng họ để giữ tính mạng của nhân dân; họ đã quyết liều chết chống kẻ thù cho Tổ quốc và đồng bào sống; họ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho nhân dân…”.

Ngày 2/11/1945, Bác Hồ đến Nhà hát Lớn Hà Nội làm lễ cầu siêu cho các chiến sỹ hy sinh ở miền Nam. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng các liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ ngày 12/11/1945. Theo Người, cần phải có ngày Thương binh - Liệt sỹ để tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm. Chia sẻ nỗi đau với thân nhân liệt sỹ, ngày 7/11/1946 Bác Hồ ra thông báo việc nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của Người và ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.
Trong ngày Thương binh toàn quốc tổ chức lần đầu ở Việt Bắc (27/7/1947), Bác Hồ đã gửi thư nêu rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Nhân ngày này, Bác đã tặng chiếc áo lụa, 1 tháng lương của Người, tiền 1 bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng.
Tháng 5/1968, khi đọc lại bản thảo Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “… Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ” (HCM, toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, trang 372).
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng một lượng khổng lồ các loại bom đạn tàn phá, gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ sinh lực và nguồn sinh sống của quân và dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và là người đặt nền móng giải quyết vấn đề da cam. Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ R.Nichxon (ngày 25/8/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, đến nay vẫn kéo dài ở miền Nam Việt Nam. Mỹ vẫn đẩy mạnh các cuộc hành quân càn quét, tăng cường các cuộc đánh phá bằng máy bay B52 và chất độc hóa học, càng gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam…”. 
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành kéo dài trong 10 năm (1961-1971), chúng sử dụng trên 20 loại chất độc, 61% trong đó là chất da cam, chứa dioxin (loại chất độc nhất) xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, gây hậu quả hết sức thảm khốc đối với môi trường và sức khỏe con người. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là NNCĐDC; đặc biệt, CĐDC di chứng qua nhiều thế hệ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; 6000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. NNCĐDC trực tiếp hầu hết bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, hoặc vô sinh, hoặc có con cháu dị dạng, dị tật, bị giảm khả năng lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của họ còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, các nạn nhân là dân thường không khả năng sản xuất, không có nguồn thu. 
Thực hiện tâm nguyện của Người, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tình cảm tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo, ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị mắc các bệnh liên quan đến chất độc da cam/dioxin, như: Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/2/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng từng bước được hoàn thiện, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho nạn nhân và gia đình họ. 
Với nỗ lực khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người và chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Hiện toàn quốc có gần 400.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng trong đó có NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục nghìn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt…
Hằng năm, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân xây, sửa nhà ở, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”; “Tháng hành động Vì NNCĐDC”. Đó vừa là đạo lý tốt đẹp, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam. 
Do vậy, trước hết cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đến cấp Hội các địa phương, đến NNCĐDC. Tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ NNCĐDC và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. 
Thứ hai, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học; ban hành quy định bộ tiêu chí xác định NNCĐDC và tiêu chí xác định bệnh/tật do chất độc da cam/dioxin; ban hành quy trình xem xét, giám định người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hiện còn nhiều người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chính sách, vì nhiều lý do khác nhau (không còn hồ sơ, giấy tờ…); thế hệ cháu của người hoạt động kháng chiến bị di nhiễm chất độc hóa học cũng chưa được hưởng chế độ trợ cấp (hiện mới có chế độ bảo trợ xã hội đối với các cháu đủ điều kiện); những người hoạt động sau 30/4/1975 tại các khu vực đang còn tồn lưu chất độc hóa học cao bị phơi nhiễm… và những người chăm sóc nuôi dưỡng 2 nạn nhân trở lên cần được xem xét giải quyết chế độ. Các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ cần tham mưu đề xuất việc nghiên cứu rà soát, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ trong các chỉ thị, quyết định (Chỉ thị 43, Chỉ thị 14 của Ban Bí thư và Quyết định 651 của Thủ tướng Chính phủ); bổ sung chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ ở các điểm nóng còn tồn lưu chất độc hóa học nồng độ cao, sau thời điểm 30/4/1975.
Thứ ba, đề nghị Ban Dân vận Trung ương tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43 đánh giá đúng thực chất những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ những khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, NNCĐDC; trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 43, Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư.
Các cấp hội đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC; đồng thời củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức hội các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn
      Trưởng ban Tổ chức- Chính sách, TW Hội

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...