Chúng tôi đã đến nhà anh Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1948 và chị Nguyễn Thị Hoàng, sinh năm 1955 (Vợ anh Thanh), ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhiều lần. Phải nói rằng, đó là một gia đình khá đặc biệt, bởi vợ chồng anh sinh được 4 người con thì cả 4 đều bị bệnh tâm thần nặng, có nhiều triệu chứng, hành vi biểu hiện như những người bị điên, bởi vậy, căn nhà của gia đình anh chẳng khác gì một “Nhà thương điên”.
Anh Thanh buồn rầu than thở: “Lúc nhỏ thì còn giữ được, giờ chúng lớn rồi (đứa đầu 41 tuổi, đứa út 35 tuổi), giữ không nỗi, suốt ngày vợ chồng tôi cứ phải đi xin lỗi hàng xóm hoài, làm cha, làm mẹ mà cứ phải xuống nước năn nỉ con, vì chúng cãi vã, đánh lộn nhau tối ngày, thậm chí những lúc lên cơn, cả hai vợ chồng tôi còn bị chúng đánh túi bụi”. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Thanh vạch cho chúng tôi xem một vết rách trên đầu đã thành sẹo, còn trên mặt chị Hoàng, nhiều vết cào cấu của con hằn ngang, hằn dọc.
Anh Thanh nhập ngũ năm 1967, sau giải phóng, phục viên, nên không có chế độ trợ cấp hàng tháng, vì vậy, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, không ruộng đất, nhà cửa, sống cuộc đời làm thuê, làm mướn, cả gia đình anh đùm túm nhau trong một căn chòi nhỏ trên một gò đất nằm choi loi giữa đồng. Nhìn vào căn chòi của gia đình anh Thanh mà chúng tôi ứa nước mắt, không có một thứ tài sản nào đáng giá, ngoài mấy chiếc giường tre ọp ẹp, mấy cái mùng mền rách tướp, mấy bộ quần áo nhàu nát treo khắp nơi. Cả 6 con người khi ra, vô phải cúi đầu chui vào một không gian chật hẹp, thấp tè, nóc chòi chỉ cao hơn đầu người chừng một gang tay, còn diện tích thì rộng khoảng hơn 20 m2. Sống giữa một đồng lúa mênh mông, nhưng gia đình anh Thanh vẫn nhiều bữa phải ăn cháo thay cơm; giọng anh Thanh chợt nấc lên: “Hai vợ chồng tôi hiện nay sức tàn lực kiệt, sợ không còn nuôi nổi 4 đứa con mà giờ đây chúng chỉ biết ăn với phá, con cái như vầy, hai vợ chồng tôi không thể làm ăn gì được, nên cuộc sống cùng cực lắm chú ơi”.
Đang ghi chép, tôi bỗng giật mình vì những tiếng ré lên từ trong căn chòi, cô con gái thứ ba Nguyễn Thị Bích Triều, sinh năm 1982, đang ẩu đả với cậu út Nguyễn Văn Mến, sinh năm 1984, theo phản xạ nghề nghiệp, tôi vừa lấy máy ảnh ra tính ghi lại những hình ảnh này để minh họa, anh Thanh vội ngăn lại nhưng không còn kịp, từ trong căn chòi, cô con gái nhào ra chỉ tay vào mặt tôi, văng một tràng tục tỉu: “…! Mày chụp hình, tao đập bể máy ...! Chụp …chụp cái con ...! Có tiền cho tao mười ngàn mua gạo …!”. Tôi bị một phen hú vía, hoảng hồn, vội xuống nước năn nỉ, đồng thời móc ví lấy cho hai đứa mấy chục ngàn đồng mới yên chuyện. Anh Thanh cho biết, trước đó cũng có một phóng viên truyền hình đang quay, suýt chút nữa bị chúng đập bể máy.
Trong một gia đình 6 người, mà có đến 5 người là nạn nhân chất độc da cam (chị Hoàng trước đây tham gia dân công cũng bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng không được hưởng chế độ nạn nhân) thì không có nỗi đau khổ nào bằng. Cuộc sống của gia đình anh Thanh suốt bao nhiêu năm qua là những tháng ngày đầy đắng cay, đau thương, khổ cực. Hai vợ chồng suốt ngày chỉ lo chăm sóc, canh giữ 4 đứa con nên không còn thời gian để đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Vậy nên, cuộc sống của gia đình anh luôn rơi vào tình trạng khó khăn, túng quẫn, bữa đói, bữa no.
Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Thanh, năm 2004, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã vận động xây cho gia đình anh một căn nhà tình thương trị giá 10 triệu đồng, theo thời gian, căn nhà hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, mái dột, tường bong, nền lún sụt.
Hy vọng, qua bài phản ánh này, các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội hãy chung tay, góp sức giúp đỡ cho gia đình anh Thanh giảm bớt khó khăn để có cuộc sống tốt hơn.
Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Ấp Bắc, số 289 Tết Mậu Thân, phường 4, thành phố Mỹ Tho hoặc Văn phòng Hội NNCĐDC/Dioxin số 6 đường Giồng Dứa, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang./.
Đậu Viết Hương
Bình luận