• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân – nhân tố cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh

  Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam “ ý Đảng – lòng dân ” luôn hòa quyện, thống nhất, trở thành nhân tố cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là mạch nguồn, sức sống của Đảng ta; là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, phủ nhận, chia rẽ, nhằm mục đích cuối cùng là xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở Việt Nam. Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó , Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam đăng chùm bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Dũng để bạn đọc nghiên cứu, tham khảo.  

Bài 1

Sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân

1.    Yếu tố “lòng dân” trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay từ thuở khai sinh, các vua Hùng đã biết đoàn kết, tạo sức mạnh cho đất nước Văn Lang chiến thắng giặc ngoại xâm và cải tạo, chống chọi với thiên tai. Tiếp đó, các triều đại phong kiến Việt Nam đều phát huy, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân; thường xuyên chăm lo đời sống “trăm họ”, chỉnh đốn luật pháp để yên “lòng dân”. Trước nạn xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, triều nhà Trần đã tập hợp, thống nhất được sức mạnh và ý chí của toàn dân; lắng nghe “lòng dân” bằng việc mở Hội nghị Diên Hồng (năm 1284) để bàn mưu, tính kế đánh giặc Nguyên - Mông. Sau chiến thắng quân Minh (năm 1427), Nguyễn Trãi đã tổng kết: vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định “Người đẩy thuyền cũng là dân, người lật thuyền cũng là dân”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”...

Đặc biệt, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy, phát triển lên một tầm cao mới trên cơ sở thống nhất cao độ giữa “ý Đảng” với “lòng dân. Đó là sự thống nhất giữa đường lối, mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc, xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của đại đa số nhân dân là xóa bỏ chế độ thực dân, áp bức, bất công, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Như vậy, lợi ích của Đảng luôn hòa quyện với lợi ích của các tầng lớp nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[1].

2.    Ý Đảng - lòng dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, tư tưởng, hành động của Người có ảnh hưởng to lớn, sâu sắc đến đường lối lãnh đạo của Đảng nói chung và đường lối xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Hồ Chí Minh cho rằng, để đánh bại đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, Đảng phải tập hợp được mọi lực lượng của dân tộc, ý Đảng - lòng dân phải hòa quyện, thống nhất với nhau. Người yêu cầu các cấp phải cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết bằng những ngôn từ thực tế, dễ hiểu, dễ nhớ để quần chúng nhân dân biết và tự giác lựa chọn, đi theo.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” là triết lý chính trị của mọi nhà nước, mọi giai đoạn lịch sử, nhưng trong thời đại Hồ Chí Minh nó đã phát triển lên một tầm cao mới. Theo Hồ Chí Minh, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của cách mạng, là người trực tiếp chịu tác động của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên việc xây dựng đường lối, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Người nhiều lần nhắc nhớ cán bộ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; người lãnh đạo phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng nhân dân, thấu hiểu lòng dân, nguyện vọng của dân, thực sự trọng dân, vì: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[3]. Vì thế, mặc dù công việc bận rộn nhưng Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên dành thời gian để đi cơ sở nắm tình hình, hòa mình vào cuộc sống của quần chúng nhân dân, từ ruộng đồng, mỏ than, nhà máy, xí nghiệp đến nông trường, đơn vị bộ đội... Điều đó giải thích vì sao các phát biểu chỉ đạo của Hồ Chí Minh luôn mang đậm tính thực tiễn, tính nhân văn, đồng cam cộng khổ với khó khăn, vất vả của người lao động. Người nói: làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả. Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng phương thức “nêu gương” của cán bộ, đảng viên; Người yêu cầu trong mọi việc “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và căn dặn: tổ chức đảng phải lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, đó là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cảnh báo về sự nguy hại của nạn tham nhũng làm sói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân dân trong dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Bác đã nhấn mạnh: còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình… Phải kiên quyết quét sách chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân...

Có thể nói, ý Đảng - lòng dân trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa lý luận của học thuyết Mác-Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” với truyền thống, đạo lý của dân tộc; luôn mang đậm tinh thần nhân văn, tính thực tiễn, thể hiện sự thống nhất, hòa quyện giữa đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó, Đảng luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân lao động; phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.    Sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam được Hội nghị Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) thông qua đã xác định: Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[5]. Đường lối đó đã thể hiện nguyện vọng, mơ ước của đại đa số nhân dân Việt Nam. Vì thế, mặc dù phải hoạt động bí mật trong điều kiện đế quốc, thực dân truy lùng gắt gao nhưng Đảng vẫn tập hợp được lực lượng cách mạng, được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.

Những năm cuối của Chiến tranh Thế giới thứ 2, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, xuất hiện những thời cơ mới, Đảng ta đã chủ động tập hợp lực lượng cách mạng thông qua các tổ chức, như: Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc,... Đặc biệt, việc thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) với mục tiêu: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân được sung sướng, tự do,… đã tạo được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, ý Đảng - lòng dân đã thống nhất, hòa quyện; dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân “triệu người như một”, nhất tề vùng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, làm lên cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 “long trời, lở đất”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sức mạnh mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ý Đảng - lòng dân” đã thống nhất, hòa quyện.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đường lối của Đảng là “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, với mục tiêu của cách mạng là: đánh đổ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, người cày có ruộng, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Mục tiêu của cách mạng đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nên được được các tng lớp nhân dân ủng hộ và kiên quyết đi theo Đảng đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ý Đảng - lòng dân đã hòa quyện, kết tinh ở ý chí quyết chiến, quyết thắng “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Theo số liệu tổng kết, để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã ủng hộ: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ, 917 tấn các loại thực phẩm khác,...[6]. Sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn dân là nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ - Một thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã động viên và tập hợp được mọi lực lượng của dân tộc vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Trong đó, sức mạnh của “lòng dân” được biểu hiện nổi bật ở sự đoàn kết chặt chẽ của nhân dân hai miền Nam - Bắc xung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng, cùng chung một ý chí quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Nhân dân miền Bắc là hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” dồn hết sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhân dân miền Nam dù phải chịu ách kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn vẫn một lòng một dạ hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang theo đường lối của Đảng “tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tiến công địch bằng hai mũi giáp công, trên ba vùng chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy”... Nhờ vậy, cách mạng đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, nhất quán và xuyên suốt. Trong đó, yếu tố “lòng dân” được xác định là then chốt, là sức mạnh nội sinh, bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4.    Sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân trong công cuộc đổi mới đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (14–20/12/1976), Đảng ta đã đề ra đường lối chung là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng... Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tích cực khắc phục hậu quả nặng nề của đất nước sau 30 năm chiến tranh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi đồng bào Tây Nguyên

Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới đất nước. Công cuộc đổi mới đã thể hiện rõ sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn kinh tế đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng, tăng trưởng vượt bậc, từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh và độc lập, chủ quyền được giữ vững,... Trong đó, Chương trình Quốc gia về “xoá đói, giảm nghèo” đã giúp hàng chục triệu người thoát nghèo. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước chỉ còn 2,93%. Việt Nam đã sớm hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về “xóa đói giảm nghèo”.

Trong điều kiện hậu quả chiến tranh còn ảnh hưởng dai dẳng, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hằng năm Đảng, Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ đồng để giúp đỡ các đối tượng chính sách, những hộ nghèo, khó khăn, bệnh tật không để ai bị bỏ lại phía sau. Mặt khác, mỗi công dân đã thể hiện rõ trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước, chung sức, đồng lòng cùng Đảng. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, chúng ta mới thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, từ sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân và sự ưu việt của chế độ XHCN. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa “Đảng với dân, dân với Đảng” lại càng bền chặt, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc càng được phát huy và tỏa sáng.

Đảng ta đã khẳng định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”[7].

Đại tá, Ths Nguyễn Mạnh Dũng

[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, Tập 10, trang 2

[2] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, Tập 6, tr. 171

[3] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2022, Tập 8, Tr. 276

[4] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, Tập 1, tr.284

[5] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.1998, Tập 1, tr.2

[6] - Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Tập 3, tr.934

[7] - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H. 1996, tr. 73

 

(Bài tiếp theo: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...