• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thực trạng, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu kiện về thực hiện chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học ở tỉnh Thái Bình

(Tiếp theo)

Bài 2

Nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài

Một số cựu chiến binh khi tiếp xúc với chúng tôi đã bức xúc nói: tôi đã hoạt động, chiến đấu dưới những trận “mưa” CĐHH do địch phun rải, xông pha nơi bom cày, đạn xới đầy gian khổ ác liệt, góp phần mình vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nay đã mấy chục năm tuổi đảng; đang là người có công, được hưởng chế độ, bỗng dưng bị ngừng cấp chế độ, mang tiếng là “lừa dân, dối Đảng” - đau lắm, oan lắm!. Mặt khác, khi làm việc với UBND tỉnh và lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình, chúng tôi cũng được lý giải cặn kẽ về quy trình, về các loại văn bản áp dụng và khẳng định tỉnh đã làm đúng, thậm chí rất nhân văn! Vậy trong số 3.964 người bị ngừng cấp chế độ thì bao nhiêu người bị cắt chế độ là đúng? bao nhiêu người bị oan sai? Và còn bao nhiêu người chưa đủ điệu kiện nhưng vẫn đang hưởng chế độ, là “nạn nhân da cam giả”? Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Qua trực tiếp tiếp xúc với nhiều người đi khiếu kiệnlàm việc với cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, đồng thời nghiên cứu, rà soát lại hồ sơ, đơn khiếu kiện của một số cựu chiến binh, với quan điểm “khách quan, toàn diện”, tiếp cận thông tin từ nhiều phía, chúng tôi thấy một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài là:

1. Xuất phát từ việc tỉnh Thái Bình chậm tổ chức thực hiện Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế.

Về nguyên tắc, sau khi Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” và Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tếBan hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin (trong đó quy định 17 loại bệnh, tật có liên quan đến người HĐKC bị nhiễm CĐHH) có hiệu lực, thì các nghị định, quyết định trước đó không còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong khi tất cả các tỉnh trong cả nước đều thực hiện Pháp lệnh 26, Nghị định 54, Quyết định 09, thì ngày 8/3/2007, Sở Y tế tỉnh Thái Bình vẫn ban hành Hướng dẫn số 06/HD-SYT Quy định danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến nhiễm CĐHH trong chiến tranh - Trong đó quy định 125 loại bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Đồng thời, tổ chức xét duyệt hồ sơ, giám định sức khỏe, ra quyết định cho nhiều trường hợp được hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH theo Hướng dẫn 06. Với các quy định “rộng rãi” như vậy đã tạo điều kiện cho trên 12 nghìn người được hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH.

Trước tình hình “bùng nổ” về số NNCĐDC ở tỉnh Thái Bình, Bộ LĐTBXH đã tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở Thái Bình; sau thanh tra đã có các kết luận số 44/KL-TTr (năm 2015) và số 482/KL-TTr (năm 2017). Các kết luận đó nêu rõ: Hướng dẫn số 06/HD-SYT của Sở Y tế Thái Bình là không đủ căn cứ pháp lý để quyết định công dân được hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH theo quy định; đồng thời, yêu cầu tỉnh Thái Bình phải rà soát lại đối tượng hưởng chế độ này trên địa bàn từ năm 2000 đến năm 2009.

Thực hiện các kết luận thanh tra của Bộ Y tế, từ năm 2018, tỉnh Thái Bình tăng cường rà soát, thực chứng người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn từ năm 2000 đến 2009, lấy các văn bản quy định chính sách trong giai đoạn lập hồ sơ, như: Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT để làm căn cứ. Nghĩa là không lấy Hướng dẫn số 06/HD-SYT của sở Y tế Thái Bình (quy định 125 loại bệnh, tật) làm căn cứ, mà lấy Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế (quy định 17 loại bệnh, tật) làm căn cứ. Quyết tâm “sửa sai” này đã dẫn đến hàng nghìn công dân trước đây được xác định đủ điều kiện hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH bị dừng cấp chế độ. Do đó, nhiều công dân đi khiếu kiện với lý do “những năm trước kết luận tôi đủ điều kiện được hưởng chế độ, nay lại kết luận không được hưởng?”. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây khiếu kiện kéo dài.

Về trường hợp người HĐKC sinh con dị dạng, dị tậtngười con đó đã chết, nhưng không còn lưu trữ được hồ sơ y tế theo quy định. Ngày 25/6/2020, Bộ LĐTBXH đã có Công văn số 2319/LĐTBXH-TTr trả lời về việc thực hiện Kết luận thanh tra, trong đó nêu rõ: ý kiến đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc bổ sung hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH sinh con dị dạng, dị tật đã chết là không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

2. Những “nạn nhân da cam giả” gây bức xúc trong xã hội

Về Thái Bình chúng tôi được nghe câu: “Da cam thì ít, da quýt thì nhiều” để nói về sự bức xúc của nhiều người khi tình trạngnạn nhân da cam giả” vẫn còn không ít ở các địa phương. Một số cựu chiến binh khi làm việc với chúng tôi đã khẳng định: sẵn sàng cung cấp và chỉ thẳng tên tuổi của những trường hợp chắc chắn là “nạn nhân da cam giả”. Một số đơn gửi đến Tòa soạn Tạp chí đã tố cáo ông T ở huyện Tiền Hải sau khi xuất ngũ là cán bộ ở huyện nhiều năm, có con đẻ khai “dị tật, dị dạng” nhưng đang là cán bộ ở huyện. Ông D ở xã Liên Hiệp có đi bộ đội, nhưng chỉ đóng quân ở miền Bắc vẫn được hưởng chế độ; Ông T nhập ngũ tháng 6/1976 nằm ngoài thời gian quy định; ông N đảo ngũ; ông H ở Quỳnh Phụ, ông T ở Kiến Xương, ông Đ, bà Y, ông C xã Hồng An, huyện Hưng Hàkhai man lý lịch vẫn được hưởng chế độ. Ông Trần Hữu Năng cũng khẳng định ở xã Hồng An “nạn nhân da cam giả” còn nhiều. 

Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr ngày 2/4/2015 của Thanh tra Bộ LĐTBXH tại tỉnh Thái Bình cũng cho thấy nhiều trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn vẫn được hưởng chế độ: qua kiểm tra 217 hồ sơ phát hiện 69 hồ sơ không đảm bảo quy định hoặc cần kiểm tra, xác minh, trong đó 12 trường hợp hồ sơ khai con bị vẩy nến, mẩn ngứa, nám da sắc tố, nhưng thanh tra, xác minh thì các đối tượng đều khỏe mạnh, bình thường. Có 17 trường hợp khai con bị gai sống chẻ đôi, nhưng kết quả xác minh các đối tượng vẫn bình thường; 11 trường hợp ghi con bị dị dạng, dị tật, qua xác minh hiện vẫn đang đi học hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, 3 trường hợp con đang xuất khẩu lao động tại nước ngoài... Có trường hợp trong một xã tới 66 công dân kê khai bị gai sống chẻ đôi, khi nghe tin chuẩn bị thanh tra thực chứng, tất cả lại chuyển sang cùng một lý do là “con bị chết. Có nơi nhiều trường hợp cùng kê khai “Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính”, thực tế người bị mắc bệnh này rất khó định lượng về mức độ “thần kinh” nên không ít người đã lợi dụng để kê khai, trục lợi...

Một số người do nhận thức còn hạn chế, chưa thấy được hậu quả việc làm sai trái của mình, bị “cò mồi” lôi kéo với lời dụ dỗ, rằng: có đường dây “chạy” chỉ bỏ ra một vài chục triệu đồng sẽ được hưởng chế độ suốt đời, nên đã khai man để trục lợi. Tình trạngnạn nhân da cam giả” và những trường hợp không đảm bảo về giấy tờ chứng minh hoặc không có đủ điều kiện về bệnh tật vẫn được hưởng chế độ chưa được giải quyết triệt để cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua.

3. Có hay không những “oan saitrong việc dừng, cắt chế độ?

Trong năm 2023, lãnh đạo Tạp chí Da cam Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với công dân bị cắt chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Họ cho rằng: mình bị cắt chế độ oan? Một số cho rằng bản thân đã được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh xác nhận bệnh tật, được Sở LĐTBXH tỉnh quyết định công nhận đủ điều kiện hưởng chế độ, vậy tại sao khi thanh tra, thực chứng thì lại bị cắt chế độ với lý do: con đẻ không bị dị dạng, dị tật. Vậy trong số 3.964 người bị dừng, cắt chế độ ở Thái Bình hiện nay có bao nhiêu trường hợp bị oan?

Lãnh đạo Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Tạp chí Da cam Việt Nam làm việc với đại diện Sở LĐTBXH và Tỉnh hội Thái Bình (năm 2023).

4. Sự tiêu cực của một số cán bộ trong các cơ quan chức năng

Theo số liệu của Công an tỉnh Thái bình, từ năm 2010 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 20 vụ, với 49 bị can liên quan đến hoạt động “chạy” chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh; trong đó có nhiều vụ liên quan đến chạy chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH. Điển hình là, tháng 12/2019, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ” liên quan đến một số cán bộ cố tình làm sai lệch kết quả giám định y khoa và hồ sơ trong thực hiện chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH. Trong đường dây “chạy” chế độ này đã có 11 người bị khởi tố; trong đó chủ yếu là cán bộ ngành Y tế LĐTBXH cấp huyện, xã được giao nhiệm vụ giám định y khoa, xét duyệt hồ sơ, kết quả. Theo chức trách, Hội đồng xét duyệt cấp xã, phường có trách nhiệm lập hồ sơ ban đầu; thành viên là những người ở gần hoặc cùng sống, sinh hoạt với đối tượng, nhưng nhiều cán bộ đã “không” phát hiện được sai phạm hoặc do nể nang, dễ dàng bỏ qua những nội dung mà các đối tượng khai man. Thực tế có không ít trường hợp “nạn nhân da cam giả” là người nhà cán bộ xã, phường. Trong khi đó, một số cán bộ ngành LĐTBXH cấp trên cũng thiếu trách nhiệm, không hoàn thành tốt chức năng kiểm tra, thẩm định tính xác thực của hồ sơ. Họ chỉ dựa trên các tài liệu, giấy tờ, hồ sơ do cấp dưới và đối tượng cung cấp rồi trình cấp có thẩm quyền ký phê chuẩn, để "lọt" hồ sơ giả mạo, khai man, dẫn đến việc cấp có thẩm quyền ra quyết định sai đối tượng.

Bên cạnh đó, một số cán bộ cũng chưa làm hết trách nhiệm; nhất là tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều trường hợp, mặc dù đã có kết luận thanh tra: hồ sơ không đảm bảo giấy tờ chứng minh” hoặc “không đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định”, nhưng cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm, để họ tiếp tục hưởng chế độ đã gây bất bình trong nhân dân. Trong đơn tố cáo của ông Trần Tiến Năng ở thôn Nam Tiến, xã Hồng An, huyện Hưng Hà nêu: chỉ riêng thôn Đồng Trang, xã Hồng An đã có 16 người là NNCĐDC (theo danh sách nhận quà Tết năm 2016). Trong đơn khiếu nại của ông Đỗ Hải Súy ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải đã nêu: từ khi bị ngừng cắt chế độ (6/2021) đến nay tôi chưa hề nhận được thông báo dừng cấp chế độ của cơ quan chức năng... Có hay không hiện tượng cán bộ giải quyết công việc theo kiểu “quyền tôi”?... những vấn đề đó cũng gây bức xúc đối với công dân.

Mạnh Dũng

 

 (Số tiếp theo: Hội nghị tiếp xúc với công dân thuộc diện phải ngừng trợ cấp chế độ)

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác