• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thực trạng, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu kiện về thực hiện chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học ở tỉnh Thái Bình

Những năm qua, công tác chính sách đối với người người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) ở tỉnh Thái Bình được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được cơ quan chức năng các cấp chủ động triển khai thực hiện; song do nhiều nguyên nhân nên vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí trở lên phức tạp, do một bộ phận cựu chiến binh khiếu kiện kéo dài . Ngày 30/8/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với công dân thuộc diện phải ngừng trợ cấp chế độ người HĐKC và con đẻ của họ b ị nhiễm CĐHH trên địa bàn, với sự tham gia của đại diện một số ban, bộ, ngành ở  Trung ương. Hội nghị đạt được kết quả tích cực, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng khiếu kiện tập trung đông người đã kéo dài nhiều năm qua. Tạp chí Da cam Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm bài viết với chủ đề “Thực trạng, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu kiện về thực hiện chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh Thái Bình" để bạn đọc tham khảo , nhìn nhận một cách hệ thống, toàn diện hơn về vấn đề này.

 

Bài 1

Tình hình thực hiện chế độ chính sách người hoạt động kháng chiến

 và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học ở Thái Bình

 

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với quyết tâm “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, từ năm 1965 đến 1975, nhân dân tỉnh Thái Bình đã gửi ra tiền tuyến hơn một triệu tấn lương thựctrên 50 vạn người con ưu tú vào chiến trường miền Nam. Đến nay, tỉnh Thái Bình có 59.668 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có 19.548 người được hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH (có 37 gia đình có 4 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và 192 gia đình có 3 NNCĐDC).

Đáng chú ý là, từ năm 2006, thực hiện Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều người nhiễm CĐHH ở Thái Bình được chuyển từ chế độ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công với cách mạng. Tỉnh gần 12 nghìn người được xét duyệt về bệnh tật theo Thông tư số 07/2006/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) “Hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng danh mục dị dạng, dị tật theo Hướng dẫn số 06/HD-SYT ngày 8/3/2007 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình Quy định danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến nhiễm CĐHH trong chiến tranh.

Từ năm 2014, Bộ LĐTBXH đã tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Thái Bình. Ngày 2/5/2015, Bộ LĐTBXH đã Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr. Tiếp đó năm 2017, Bộ tiếp tục thanh tra công tác thực hiện chính sách người có công ở tỉnh Thái Bình và ngày 29/11/2017, Thanh tra Bộ LĐTBXH Kết luận số 482/KL-TTr Về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình. Tại các Kết luận thanh tra này, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị tỉnh Thái Bình phải rà soát đối tượng hưởng chính sách người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn từ năm 2000 đến 2009, trên cơ sở áp dụng các văn bản quy định chính sách tại thời điểm lập hồ sơ.

Theo đó, tỉnh Thái Bình đã thành lập các Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát, thực chứng, làm cơ sở để giải quyết, bảo đảm “đúng người, đúng chế độ” đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Các đối tượng hưởng chế độ chính sách lập hồ sơ từ năm 2000 đến 2004 thì căn cứ vào Quyết định 26/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với đối tượng lập hồ sơ từ năm 2006 đến 2009, căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH và Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế (ban hành quy định 17 loại bệnh, tật liên quan đến người HĐKC bị nhiễm CĐHH). Đây là công việc phức tạp, vì liên quan đến nhiều văn bản pháp quy trong giai đoạn lập hồ sơ; các văn bản đó lại có sự thay đổi trong thời gian ngắn; nhất là việc chuyển một bộ phận từ hưởng chính sách bảo trợ xã hội sang chính sách ưu đãi người có công; hơn nữa đối tượng kiểm tra, rà soát là những người có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tuổi cao, bệnh tật nhiều, sức khỏe mỗi ngày một yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn,...

Với phương châm: “làm nghiêm túc, đúng với các văn bản pháp lý, quy định của cấp trên, nhất là kết luận thanh tra của Bộ LĐTBXH”, qua rà soát, thực chứng, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã ra quyết định dừng cấp chế độ chính sách đối với 3.964 trường hợp (tính đến năm 2022). Trong đó, có 119 trường hợp người HĐKC không đủ hồ sơ giấy tờ chứng minh hoạt động trong vùng bị phơi nhiễm CĐHH (3%); 519 trường hợp con đẻ của người HĐKC bị ngừng cấp chế độ do không bị dị dạng, dị tật như hồ sơ (13%); 3.326 trường hợp người HĐKC bị ngừng cấp chế độ do qua thực chứng con đẻ không bị mắc dị dạng, dị tật (84%). Như vậy, số người bị ngừng cấp chế độ chủ yếu do thực chứng con đẻ không bị mắc dị dạng, dị tật theo quy định. Hồ sơ của những người bị dừng cấp chế độ phần lớn được xác lập trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2009, bị cắt trong khoảng thời gian 2018 đến 2021

Sau khi bị ngừng cấp chế độ, đa số đã chấp hành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, còn không ít trường hợp chưa nhất trí với quyết định của Sở LĐTBXH, có đơn kiến nghị, khiếu nại. Mặc dù được cơ quan chức năng gặp gỡ, giải thích nhưng nhiều người vẫn tập trung khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Một số trường hợp đã có “thâm niên” hàng chục lần lên Sở LĐTBXH, trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Thái Bình, lên Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ và Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam để khiếu kiện; họ mang theo cả băng rôn, biểu ngữ; cá biệt một số người có thái độ ứng xử, có hành động và lời lẽ không đúng mực. Chưa dừng lại ở đó, một số người còn kiện Sở LĐTBXH tỉnh ra Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và Tòa án nhân dân cấp cao. Với quan điểm dân chủ, tôn trọng quyền lợi của công dân, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã thụ lý hồ sơ, đưa ra xét xử 54 đơn đủ điều kiện, kết quả xét xử đã bác đơn khởi kiện. Sau phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, có 43 người kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao. Đến nay, Tòa án cáp cao đã xét xử 11 vụ, phán quyết bác đơn kháng cáo.                                  

Những năm qua, Tạp chí Da cam Việt Nam nhận được nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo của cựu chiến binh tỉnh Thái Bình. Một số trường hợp đã nhiều lần có đơn thư khiếu kiện như: ông Phạm Văn Đấu ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương; ông Bùi Khánh Hoàn ở xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải; ông Nguyễn Nguyên Hồng ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương; ông Trần Tiến Năng ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà; ông Đoàn Ngọc Thu ở xã Minh Tân, huyện Kiến Xương; ông Vũ Văn Quát ở xã Thuần Thành, huyện Thái Thụy; ông Đỗ Hải Súy ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải; ông Vũ Minh Tâm ở thị trấn Tiền Hải; ông Hoàng Văn Tiếp ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư; ông Đặng Văn Sửuxã Tân Tiến, huyện Hưng Hà; ông Lê Văn Ca ở thị trấn Tiền Hải

Một buổi làm việc giữa cơ quan Trung ương Hội, Tạp chí Da cam Việt Nam với một số cựu chiến binh tỉnh Thái Bình

Theo đại diện của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình, đa số các cựu chiến binh này bị ngừng cấp chế độ do qua thực chứng không đủ điều kiện như quy định; bản thân không bị bệnh tật thuộc danh mục 17 loại bệnh tật theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ y tế; con không bị dị dạng, dị tật; hoặc bản thân không vô sinh; một số không đủ hồ sơ chứng minh được đơn vị, thời gian, địa điểm HĐKC kháng chiến ở vùng địch phun rải CĐHH như quy định. 

Vậy đâu là nguyên nhân để tình trạng khiếu kiện diễn ra? Qua làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình và nhiều lần gặp gỡ cựu chiến binh bị ngừng cấp chế độ, đi khiếu kiện, chúng tôi đã có câu trả lời tương đối đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến cựu chiến binh ở tỉnh Thái Bình khiếu kiện kéo dài.

Mạnh Dũng

(Số tiếp theo: Nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở Thái Bình)

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác