• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Thực trạng, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm giải quyết khiếu kiện về thực hiện chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học ở tỉnh Thái Bình

(Tiếp theo và hết)

Bài 4

Bài học kinh nghiệm

Qua nhiều năm giải quyết tình trạng khiếu kiện về thực hiện chế độ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đặc biệt là Hội nghị tiếp xúc, đối thoại ngày 30/8/2023 tại Thái Bình, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản là:

1. “Mời Trung ương về địa phương” tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu kiện.

Thực tiễn nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo việc phối hợp các ban, ngành trong tỉnh tổ chức đối thoại và đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện chưa chấm dứt. Trước tình hình đó, ngày 30/8/2023Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với công dân thuộc diện phải ngừng trợ cấp người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn. Điều đặc biệt ở thành phần tham dự Hội nghị là: đã “Mời Trung ương về địa phương”. Hội nghị đã thành công về nhiều mặt; thành phần, địa điểm, nội dung, hình thức tổ chức đã đáp ứng nguyện vọng của người khiếu kiện là được gặp trực tiếp lãnh đạo cao nhất của tỉnh và một số bộ, ngành Trung ương liên quan; những ý kiến thắc mắc của người khiếu kiện đã cơ bản được trả lời thỏa mãn; Hội nghị giải quyết vấn đề theo hướng: tổ chức, cá nhân nào sai thì phải sửa. Đây cách làm hay – một bài học sâu sắc trong quá trình giải quyết khiếu kiện.

Bài học từ quá trình giải quyết khiếu kiện ở Thái Bình còn cho thấy, cần tổ chức phân loại đối tượng, địa bàn, nội dung khiếu kiện,... Cơ quan chức năng khi nhận được đơn tố cáo phải căn cứ vào chức năng, thẩm quyền để phân cấp giải quyết; có thể tổ chức hội nghị hoặc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người có đơn thư khiếu kiệnthực hiện niêm yết công khai kết quả thanh tra tại cơ sở, địa bàn dân cư (15 ngày, như hiện nay đang làm).

2. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong thực hiện chế độ và giải quyết khiếu kiện.

Bài học từ Thái Bình cũng cho thấy, để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách và giải quyết khiếu kiện của công dân thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế, thời gian đầu, việc tổ chức Hội đồng thẩm định để giải quyết chế độ chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH ở Thái Bình còn đơn giản, thậm chí là bị coi nhẹ. Qua đơn thư của các cựu chiến binh cho thấy, có biên bản làm việc của Tổ công tác giám định ở cơ sở trong thời gian từ năm 2005 đến 2010 chỉ có 4/14 người tham gia (thường chỉ có đại diện của Sở LĐTBXH, phòng LĐTBXH, Chủ tịch xã và nhân viên phụ trách lĩnh vực LĐTBXH của xã, còn nhiều cơ quan, đoàn thể khác có thành phần quy định nhưng không tham gia, hoặc không được mời tham gia, như: Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Hội Cựu chiến binh, Hội NNCĐDC/dioxin...

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Thái Bình đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binhHội NNCĐDC/dioxin và các tổ chức, đoàn thể trong việc giải quyết khiếu kiện của công dân. Ngành LĐTBXH cũng chủ động xây dựng kế hoạch, làm trung tâm phối hợp, hiệp đồng để giải quyết các vấn đề liên quan.

3. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp khai man hồ sơ, bệnh tật để trục lợi chế độ chính sách của Nhà nước.

Qua tiếp xúc trực tiếp với những người khiếu kiện và hàng trăm đơn gửi đến Trung ương Hội và Tạp chí Da cam Việt Nam cho thấy tình trạng khai man hồ sơ, bệnh tật để trục lợi chế độ chính sách của Nhà nước “nạn nhân da cam giả” là một trong những vấn đề gây bức xúc rất nhiều trong nhân dân, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Thực tế, ở những địa bàn không có hiện tượng “nạn nhân da cam giả” thì gần như không có khiếu kiện; ngược lại ở địa phương có nhiều “nạn nhân da cam giả” thì khiếu kiện càng nhiều. Vì vậy, để giải quyết “tận gốc” tình trạng khiếu kiện thì cần tập trung trước hết vào việc rà soát để loại bỏ những trường hợp làm giả hồ sơ, bệnh tật để trục lợi chế độ chính sách. Quá trình thực hiện cần lắng nghe phản ánh của nhân dân, nhất là các cựu chiến binh; qua đó thanh tra, xử lý các trường hợp bị tố giác là “nạn nhân da cam giả” theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”Quá trình xử lý kết quả lấy các điều kiện, tiêu chuẩn quy định trong Nghị định 131/2021/NĐ-CP và Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT để làm cơ sở.

4Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với công tác chính sách.

Đối tượng khiếu kiện đa phần là những cựu chiến binh đã trải qua chiến đấu gian khổ, ác liệt trong chiến tranh, một số là là thương binh, nhiều người có 40 - 50 năm tuổi đảng, nay tuổi cao, sức yếu... Vì thế, về phương pháp phải mềm dẻo, cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác chính sách với kiên trì tuyên truyền, giáo dục, động viên; lấy đối thoại, tuyên truyền làm chủ đạo. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền trọng điểm gắn với các hoạt động Ngày Vì NNCĐDC ở Việt Nam (10/8)kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và Tết Nguyên đán... Có thể tổ chức thành các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng. Đối với tổ chức đảng, tập trung giáo dục đảng viên thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng và quy định những điều đảng viên không được làm. Hội Cựu chiến binh, giáo dục, động viên cựu chiến binh phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, chấp hành pháp luật, không cực đoan tham gia khiếu kiện, tụ tập đông người,...

Nội dung tuyên truyền cần chú trọng phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công; phổ biến các quy định, điều kiện cụ thể được hưởng chế độ người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH; các quy trình, thủ tục để xét duyệt chế độ,... Mặt khác, phổ biến cho nhân dân nói chung và các đối tượng bị dừng cắt chế độ nói riêng hiểu rõ lý do có nhiều trường hợp trước đây được hưởng chế độ, nhưng hiện nay không được là do vận dụng chính sách, sự thay đổi về chính sách,… bảo đảm danh dự cho người bị dừng cắt chế độ (không phải do họ “dối Đảng, lừa dân”).

5. Giải quyết tồn đọng, tiếp tục rà soát hồ sơ, giám định y khoa, khôi phục cho những trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ.

Những năm gần đây, trên cơ sở người HĐKC bổ sung hồ sơ kháng chiến, giám định bệnh tật, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khôi phục chế độ cho hơn 400 người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH - Đây là sự cố gắng rất lớn của cán bộ, nhân viên ngành LĐTBXH tỉnh. Tuy nhiên, như kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong Hội nghị tiếp xúc, đối thoại: các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát đối với các trường hợp đủ điều kiện theo phương châm: thực hiện nghiêm, kịp thời, bảo đảm không để người HĐKC phải chịu thiệt thòi; bảo đảm công bằng trên trên cơ sở đúng pháp luậtViệc tổ chức rà soát, giám định y khoa, kết luận, quyết định... phải căn cứ các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hànhbảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

6. Phát huy vai trò của Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong giải quyết khiếu kiện; đồng thời đẩy mạnh chăm lo, giúp đỡ NNCĐDC.

Với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NNCĐDC và chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân, nếu được phát huy tốt, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp sẽ góp phần tích cực giải quyết khiếu kiện. Thực tế ở Thái Bình có giai đoạn vai trò, vị trí của Hội chưa được phát huy, sự phối hợp giữa Sở LĐTBXH với Hội NNCĐDC/dioxin chưa chặt chẽ.

Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thái Bình không ít lần trao đổi với tác giả: tôi đã nhiều lần mặc quân phục, ngực đeo đầy Huân, Huy chương, trực tiếp gặp các cựu chiến binh đang tụ tập đông người khiếu kiện để tuyên truyền, giải thích, giải tán đám đông. Mọi người nghe tôi, trước hết bởi tôi là đồng đội của họ, đã nhiều năm xông pha chiến đấu nơi chiến trường ác liệt; hơn nữa tôi là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Đại tá, AHLLVT Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thái Bình tặng quà tại Thái Bình (tháng 3/2023)

NNCĐDC hầu hết là những người nghèo khó, bệnh tật, chịu nhiều đau khổ, mất mát, rất cần được bảo vệ, giúp đỡNhững năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân Thái Bình đã đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, từ các nguồn, tỉnh Thái Bình đã tặng quà, hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC trị giá 13,4 tỷ đồng, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân. Chăm lo cho NNCĐDC để họ có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng, vừa là trách nhiệm, vừa là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đồng thời cũng là giải pháp góp phần giữ ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

*

Công tác chính sách đối với người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH là vấn đề quan trọng, phức tạp, nhất là trong điều kiện chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm. Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với công dân thuộc diện phải ngừng trợ cấp người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH tại thành phố Thái Bình với sự tham gia của lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương như một điểm đột phá, đã đạt kết quả tốt đẹp.

Bài học kinh nghiệm từ công tác giải quyết khiếu kiện ở tỉnh Thái Bình có ý nghĩa thiết thực; các địa phương trong cả nước có thể tham khảo, nghiên cứu để vận dụng phù hợp với tình hình ở địa phương mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Mạnh Dũng

 

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5):  Đồng hành vì công lý, cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5): Đồng hành vì công lý, cùng nạn ...

    Ngày 25/04/2024, tại Cuộc họp báo về Phiên điều trần ngày 07/05 của Tòa phúc thẩm Paris xét xử vụ kiện của  bà Trần Tố Nga , công dân Pháp, gốc Việt là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin kiện 14 công ty hóa chất đã sản xuất chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa các luật sư Pháp khẳng định ...