Nắng đầu mùa tròn đầy khung trời phố Vọng. Bà Dương Thị Ngân phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) chầm chậm rót chén chè Thái nóng giòn mời khách, cất giọng nói nhanh, sôi nổi:
- Nói thế nào cho cậu hiểu nhỉ? Đại thể là mùa chỉnh huấn Đông Xuân 1953, 1954 quyết liệt lắm. Thủ trưởng Trần Lâm nhắc đi nhắc lại là phải chuyển biến từ tâm can, tư tưởng, từ phòng ngự, cầm cự sang tổng tấn công. Anh Nhất đi họp ở Nha Thông tin về vỗ vai tôi nói là tâm sự vợ chồng mà giọng như họp chi bộ. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật là anh ấy làm phóng viên đặc biệt tại chiến dịch Trần Đình. Tôi chả hiểu Trần Đình là chiến dịch gì, nhưng nghĩ đến hồi năm 1950, anh đi chiến dịch Biên giới ròng rã mấy tháng trời, vợ con ở nhà quá vất vả mà ái ngại. Tôi đang sụt sịt thì cu con Việt Bắc nhảy vào giữa hai bố mẹ cười khanh khách.
“Trần Đình” là mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Ngọc” là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian đầu chiến dịch này, bí mật được giữ gìn tuyệt đối.
Để tuyên truyền kịp thời chiến dịch, động viên chiến sĩ, đồng bào lập công, Tổng cục Chính trị Quân dội Nhân dân Việt Nam quyết định thành lập bộ phận Báo chí tiền phương, báo Quân đội Nhân dân được xuất bản tại mặt trận.
Ông Nguyễn Văn Nhất - phóng viên giỏi của Đài Tiếng nói Việt Nam được cử làm phóng viên đặc biệt tại mặt trận. Ông kể: Khi tôi đến địa điểm tập kết đã thấy anh Hoàng Xuân Tùy, phụ trách công tác Tuyên huấn toàn mặt trận trực tiếp chỉ đạo tổ Báo chí tiền phương cùng với các anh Hoàng Thế Dũng, Trần Cư, Nguyễn Khắc Tiếp, Phú Bằng, Nguyễn Trần Thiết và họa sỹ Nguyễn Bích của báo Quân dội Nhân dân. Chúng tôi gọi là cánh “báo lính”. Cánh “báo dân” có Nguyễn Văn Nhất ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thái Duy, Chính Yên ở báo Cứu Quốc, Trần Đỉnh ở báo Nhân dân. Mừng nhất là tôi gặp lại anh Hoàng Tuấn vừa chuyển sang Việt Nam Thông tấn xã. Bộ phận báo chí tiền phương được trang bị một tổ điện đài, hàng ngày thu thập tin tức trong nước và thế giới cung cấp cho Bộ Chỉ huy mặt trận, đồng thời cung cấp nguồn tin cho báo và đài phát thanh, Việt Nam Thông tấn xã. Nhờ có tổ điện đài mà anh Hoàng Xuân Tùy, anh Hoàng Tuấn và tôi hàng ngày liên lạc thường xuyên với Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã.
Có những đoạn đường ra mặt trận, đi qua một lần, không dám quay lại, ấy thế mà các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong thì ngày đêm trằn mình lăn lộn với mưa nắng, với bom đạn địch, bảo đảm cho xe, pháo hành quân lên phía trước.
Sau cơn mưa, đoạn đường Tuần Giáo – Điện Biên lầy thụt. Những khẩu lựu pháo 105 ly bó chặt lá ngụy trang nằm chình ình như những chú voi phủ phục trên bãi cỏ tranh. Chẳng biết miền đất này tên là gì, có tự thuở nào, anh em công binh và pháo thủ cứ gọi theo thực tế là “Bãi Tranh”. Tôi cũng ghi vội vào sổ tay là “Bãi Tranh, nơi xuất phát của những chú voi xanh”. Mỗi chú voi nặng chừng hai tấn. Cả đại đội chia đều, nắm chặt hai dây chão bằng xơ dừa to bằng cổ tay, dài vài chục mét. Một đầu dây buộc vào càng pháo, còn đầu kia là người kéo.
Cả đại đội răm rắp theo lệnh của chỉ huy. “Hai ba nào!”, tiếng hô vừa dứt là tất cả mọi người bấm chân xuống đất, kéo mạnh, đều đặn, không chùng, không giật cục. Những bàn chân tím ngắt vì lạnh, vì ngâm lâu trong bùn, những đôi tay xây xát, rướm máu miệt mài kéo pháo suốt đêm, mỗi đêm đi được hơn cây số. Tang tảng sáng là ngụy trang pháo tại chỗ bằng cây xanh để che mắt máy bay trinh sát của địch. Tối lại kéo tiếp.
Kéo pháo qua đỉnh dốc mới thật gian nan. Trên đỉnh dốc, chiến sĩ công binh phải dùng tời để kéo pháo vượt dốc tới 35 đến 40 độ. Hai dây tời buộc chặt vào càng pháo, mỗi đầu tời có 4 tay đòn. Chỉ huy vừa dứt lệnh thì hàng chục người quay đều cả 8 tay đòn, hàng chục người khác nắm chắc dây thừng kéo theo thật nhịp phàng, ăn ý. Pháo đã qua bên kia dốc, mọi người nằm vật ra bãi cỏ nhơm nhớp bùn, cho mồ hôi đổ ròng xuống đất lạnh. Thật là hú vía. Nếu ai bắt kéo pháo lại dốc đèo ấy, con đường lầy thụt ấy một lần nữa thì chắc không một ai dám làm. May sao, pháo đã đến nơi tập kết.
Theo lệnh trên, chiều 26/1/1954 sẽ nổ súng mở màn chiến dịch Trần Đình mà pháo binh lãnh vinh dự phát hỏa đầu tiên. Không chỉ pháo thủ mà cả công binh mở đường cũng thấp thỏm chờ đợi giây phút thiêng liêng và trọng đại này cho bõ những ngày kéo pháo vào trận địa. Nhưng rồi, đầu giờ chiều ngày 25/1, có lệnh toàn đại đội tập hợp, chính trị viên đại đội mặt đượm buồn, giọng đanh đọc chậm những dòng chữ xô đẩy nhau trong cuốn sổ tay lấm bùn đất: “Để đảm bảo chắc thắng, ta phải thay đổi cách đánh. Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”, có nghĩa là tiến đánh đến đâu chắc thắng đến đấy. Vì vậy, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh: kéo pháo ra, làm công tác chuẩn bị lại từ đầu. Các đồng chí rõ chưa?".
Ai cũng hô “rõ”, nhưng trong lòng còn ấm ách, chưa thông ngay. Kéo pháo vào đã gian nan vất vả, kéo pháo ra còn gian khổ, nguy hiểm bội phần. Lá ngụy trang đã héo, lộ rõ hai rãnh bánh pháo lăn, máy bay địch ngày đêm dội bom phá, bom sát thương, bom na pan, nhưng các chiến sỹ pháo binh, công binh vẫn quyết tâm bảo vệ pháo với khẩu hiệu “con người còn pháo”, “dù hy sinh quyết không rời pháo”. Tôi viết liền mấy bài “Hoan hô bộ độ pháo binh”, hay “Phục các anh công binh quá” với bút danh là Thân, Lê Yên.
Có lần trên đường hành quân, tôi gặp anh Nguyễn Đình Thi đi cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Anh Thi vẫn đẹp trai, mặc dù da ngăm đen so với dạo ở Hà Nội. Bộ quân phục làm anh rắn khỏe thêm. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Anh Thi vỗ vỗ vào vai tôi: “Ôi, người nhà đài đây rồi". Tôi cười vui: “Đài vẫn diệt phát xít đấy anh ạ".
Nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi cho tôi bài phóng sự viết về bộ đội cùng dân công hỏa tuyến hành quân ra mặt trận để phát trên Đài, trước là phục vụ kịp thời, sau là, anh Thi nhấn mạnh: “cho đỡ nhớ”. Tôi cẩn thận hỏi anh dùng bút danh gì, anh vui vẻ: “Vẫn là Nguyễn Đình Thi". Vậy, giới thiệu anh là nhà văn hay nhà báo, anh cười thật hiền, thật mến rồi nói: “ Không là nhà gì cả, chỉ là mình thôi anh Nhất ạ". Anh khiêm tốn, còn tôi thì hiểu chỉ cần gọi tên anh, ai cũng biết đó là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ thân quen.
Mỗi tin, bài của chúng tôi từ mặt trận được in báo, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nên công việc hàng ngày khá bận rộn. Những phiên liên lạc về Bó Lù, tôi như thấy một lần về thăm nhà, được nghe tiếng nói líu lo của con trai. Còn tiếng nói thân thương của vợ thì tôi đã được nghe hàng ngày qua các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai cũng bảo đi chiến dịch mà như tôi là hạnh phúc nhất, vì được nghe tiếng nói của vợ thường xuyên. Những lúc thời tiết xấu, liên lạc về nhà rất khó khăn, chật vật lắm mới chuyển được một bài phóng sự. Những khi mất điện máy phát, chúng tôi thay nhau quay ragônô, chân mỏi nhừ, nên quy định với nhau là viết tin, bài thật ngắn. Anh em tổ vô tuyến điện ở mặt trận cũng như ở Đài, Thông tấn xã đều hoan nghênh và coi như là một sáng kiến.
Ở Bó Lù, anh chị em cảm nhận được không khí của chiến dịch Trần Đình qua thông tin của phóng viên Nguyễn Văn Nhất điện về. Có tin là điện báo viên thông báo ngay cho bộ phận biên tập. Những lúc khẩn trương, anh chị em biên tập chờ sẵn, có tin là lấy ngay, đọc thẳng lên sóng.
Trong các cuộc giao ban, Tổng biên tập Trần Lâm nhắc đi nhắc lại là hễ có bài bình luận của Chính Nghĩa từ Bộ chỉ huy tiền phương điện về là phải bố trí lực lượng bảo đảm nhận bài tốt nhất, chắc chắn nhất, phát thanh viên đọc phải rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, không sai một chữ, một dấu phẩy. Về sau mới biết đó là những bài bình luận quan trọng mang ý đồ chỉ đạo toàn quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Trần Đình và Bộ Tổng tham mưu.
Bài viết phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mang bút danh Chính Nghĩa, được Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt, có bài đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết. Một số bài do nhà báo Nguyễn Văn Nhất chấp bút. Trước khi phát sóng, Bộ chỉ huy điện cho các đơn vị trong toàn quân, trên các chiến trường Đông Dương nghe để biết ý đồ chỉ đạo, phối hợp với chiến trường chính. Bút danh “Chính Nghĩa” mỗi lần vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đều thu hút thính giả. Như ông Lê Quý kể lại thì sau này, khi về đến Hà Nội, nhiều thính giả đến 58 Quán Sứ xin gặp nhà báo Chính Nghĩa.
Sức nóng của mặt trận truyền về Bó Lù ngày càng dồn dập. Bộ phận kỹ thuật vô tuyến điện được tăng cường hơn chục người, làm việc suốt ngày đêm. Nhóm chủ lực chuyên liên lạc với bộ phận báo chí, Bộ chỉ huy tiền phương là bận rộn nhất. Nhóm hiệu thính viên nhận thông tin từ Nha thông tin, từ các Đài phát thanh, hãng thông tấn nước ngoài cũng làm việc liên tục. Các hãng thông tấn trên thế giới đưa tin ngày càng nhiều về phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương.
Thời kỳ này giao ban định kỳ giữa Ban Tuyên huấn Trung ương với các cơ quan thông tin báo chí, đài phát thanh tổ chức thường xuyên, lúc thì đồng chí Trường Chinh, khi thì đồng chí Tố Hữu chủ trì nên chỉ đạo tuyên truyền kịp thời, hiệu quả hơn. Tổng Biên tập Trần Lâm, các ông Lê Quý, Trần Sinh không rời chiếc bàn làm việc đơn sơ, khá bề bộn. Các bản tin từ tiền phương điện về được biên tập và duyệt ngay, lập tức dịch ra các thứ ngữ phát vào chương trình gần nhất. Lúc này đài phát ngày ba buổi, bốn giờ chương trình, nhưng phần lớn giành cho tin tức, bình luận nóng sốt từ mặt trận.
Các phát thanh viên Dương Thị Ngân, Vân Yến luôn luôn có mặt ở phòng thu, hễ có tin là đọc thẳng. “Bố già” Nguyễn Cung nhắc đi nhắc lại: “Lúc này mà để máy móc trục trặc, mất sóng là có tội với kháng chiến đấy”. Bếp trưởng Nguyễn Văn Kế chạy ngược, chạy xuôi kiếm thêm con gà, quả trứng, nải chuối bồi dưỡng thêm cho anh chị em làm ca đêm. Cả Bó Lù dường như không ngủ, thức cùng mặt trận Trần Đình. Có cái gì đó đang nén chặt không gian, im ắng khoảnh khắc chờ bùng lên một tiếng nổ lớn.
Lần theo những bài viết nóng hổi của phóng viên mặt trận Nguyễn Văn Nhất, lời kể chậm rải của ông Lê Quý, Trần Sinh, đối chiếu với những tư liệu của Đài và hồi tưởng của những người bên kia chiến tuyến, tôi hình dung ra khoảnh khắc dồn nén ấy như thế này:
Bắn thử, chết thật
“Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng ngày 13/3/1954, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13 Đờ-cát điều một đại đội lê dương cùng hai xe tăng từ Mường Thanh đánh vào bàn đạp xung kích của ta. Để thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho đại đội 806 lựu pháo 105 bắn vào Him Lam 20 phát. Trừ hai phát đầu đạn rơi xa vào phía trong, còn 18 phát sau, đạn đều trúng mục tiêu. Thiếu tá Pêgô tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/13 DBLE cùng ba sỹ quan trúng đạn pháo chết trong hầm chỉ huy. Đại đội bộ binh và hai xe tăng địch đi lùng sục hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh”.
Sét đánh
“17 giờ 5 phút ngày 13/3 pháo binh ta tập trung hỏa lực, giáng đòn cấp tập, mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm. Sở chỉ huy của địch bị trúng đạn, đường dây điện thoại bị cắt đứt. Các trận địa pháo địch đặt ở khu trung tâm hoàn toàn tê liệt, 12 khẩu pháo, cối bị đánh hỏng, một kho xăng bốc cháy, 5 máy bay trúng đạn nổ tung, toàn đội bay của địch ở sân bay Mường Thanh phút chốc bị loại khỏi vòng chiến. Cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo, nhiều hầm hào, công sự sụp đổ, sở chỉ huy phân khu Bắc bị đánh tơi tả… Phân khu bắc và cụm cứ điểm Him Lam không còn người chỉ huy trực tiếp…”[1]
Miêu tả của người Pháp
“… Bỗng, có tiếng nổ vang rền như sấm và bầu trời bị xé toạc…mặt đất rung lên, đất bụi rơi lả tả. Tiếng nổ làm vách hầm rung chuyển, tiếng động giống như tiếng con tàu vỡ đôi và chìm xuống đáy biển sâu. Ánh sáng tắt ngấm… Có phải chiếc máy nổ tung hay cả bầu trời sụp đổ với ngàn vạn ngôi sao đè trên nóc hầm chỉ huy làm mọi người nín thở? Chắc chắn chưa phải tất cả các vì sao đã rơi xuống; bởi vì họ còn trông thấy mấy vì sao lấp lánh trong đêm đen bỗng mở ra trước mắt họ, qua lớp gỗ lát nắp hầm bị bóc trần… Bỗng có tiếng vang lên từ một máy phát… không nghe rõ cái gì, ngoại trừ một tiếng “chết”… Phía sân bay, ngọn lửa bỗng chốc vút cao, soi sáng đáy lòng chảo, trông như cái miệng núi lửa. Đột ngột, kho chứa xăng và napan nổ tung, tia lửa bắn lên như vòi phun nước…”[2]
Người lính bên kia sống sót kể lại:
“Trận pháo kích dữ dội đến nỗi người ta tưởng như ngày tận thế đã đến và tưởng chừng như cứ điểm Bêatơrixơ (Him Lam) đã bay đi thành những làn bụi. Quanh tôi đất đá bị cày tung lên, đây đó đầy những người bị thương và nằm chết la liệt. Tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh lấy ở đâu ra nhiều pháo đến thế, họ đưa pháo bằng cách nào lên tận lưng chừng các mỏm núi cao này.”[3]
Đêm 13/3, cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài Tiếng nói Việt Nam đóng ở Bó Lù, bên hồ Ba Bể, Bắc Cạn nhận được dòng tin nóng hổi của phái viên đặc biệt Nguyễn Văn Nhất từ mặt trận điện về báo tin quân ta bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ. Bản tin ngắn gọn, nhưng anh chị em thức suốt đêm để biên tập và bàn luận, để chờ đợi trong háo hức chiến thắng.
6 giờ sáng ngày 14/3/1954, bài hát Diệt phát xít báo hiệu chương trình phát thanh đầu ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam vừa dứt, phát thanh viên Dương Thị Ngân long trọng thông báo: “Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước nghe tin: 5 giờ chiều ngày hôm qua, đại pháo của ta đã giáng đòn sấm sét xuống quân địch ở Him Lam và Mường Thanh, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ”
Những ngày sau đó, các bản tin thời sự nóng lên với những tin chiến sự từ mặt trận. Các trận đánh của bộ đội ta vào Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo được phóng viên mặt trận phản ánh khá nhanh. Vì không có máy ghi âm để thu tiếng động từ chiến trường nên các phóng viên miêu tả khá tỷ mỷ như tiếng đại pháo nổ “ùng oàng” hay tiếng máy bay địch bị cao xạ pháo của ta bắn rát, phải lượn lờ trên cao như “xay lúa.”
Chiến thắng Bản Kéo, tiếp sau chiến thắng Him Lam, Độc Lập đã kết thúc đợt một chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phóng viên Nguyễn Văn Nhất phản ánh: “Trong năm ngày từ 13 đến 17/3/1954, quân ta chiến đấu kiên cường đã đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng Bắc và Đông Bắc, tiêu diệt hoàn toàn phân khu bắc và một bộ phận của phân khu trung tâm, tiêu diệt hai tiểu đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất của địch, làm tan rã một tiểu đoàn khác, mở thông đường xuống vùng lòng chảo, mở cửa vào khu trung tâm. Chiến thắng đợt một của chúng ta đã làm cho quân địch ở đây bị bất ngờ lớn. Thứ nhất là lần đầu tiên bộ đội ta đã thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh với pháo mặt đất, pháo cao xạ mà kẻ địch đã đánh giá thấp và không ngờ tới. Thứ hai là quân ta đã dám đánh và đánh sập những cụm cứ điểm được xây dựng kiên cố trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch trên chiến trường Đông Dương. Đó là điều mà kẻ địch lại càng không ngờ tới, đâm ra hoang mang, lo sợ…”.
Sau này chúng ta được biết thêm: Không khí hoảng loạn lan nhanh trong cả chỉ huy và binh lính địch. Trung tá Kenlơ, tham mưu trưởng của tập đoàn cứ điểm bị cách chức vì dao động. Trung tá chỉ huy pháo binh Pirốt đã tự sát bằng lựu đạn ngay trong hầm chỉ huy vì tinh thần bị khủng hoảng ghê gớm. Ví quá lo sợ, cả tiểu đoàn dù số 5 từ chối, không chịu tiến quân đến bản Nà Phai làm cho viên chỉ huy Bôtenla “điên tiết” dọa sẽ chuyển toàn tiểu đoàn xuống làm “culy”.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ trong con mắt người Pháp” tác giả Jules Roy viết: Bây giờ người ta mới hiểu “điều gì đã khiến bộ tư lệnh (Pháp) để trống các đỉnh cao. Người ta đã muốn dụ địch (Việt Minh) tới đó, vì tin chắc là nếu địch dám đóng quân ở đó, ta (Pháp) sẽ tiêu diệt chúng dưới mưa bom bão đạn. Trong suy nghĩ của tướng Cônhi và đại tá Catstơri, đó là mồ chôn tập thể mà ta dành cho quân Việt nào dám tới đó. Thế mà ngược với dự kiến, quân Việt đã đến, đã chui xuống lòng đất và bây giờ, không chắc có thể diệt chúng được. Trong một ngày ta phải xài hết đạn trong kho để tống chúng đi. Cũng niềm tin mù quáng ấy vào sức mạnh vạn năng của Pháp đã tạo ra những khoảng trống lớn giữa Him Lam, Độc Lập và khu đề kháng trung tâm. Thế là địch đã leo vào đó, như một dòng thác không ai cản nổi. Sự khinh địch đã dẫn bộ tư lệnh đến chỗ chọn những quan niệm siêu hình thay vì óc phán đoán thực tế thông thường.”[4]
Thất bại của địch trong đợt tấn công mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ là hết sức nặng nề, nó chứng tỏ cách phòng ngự trận địa kiểu tập đoàn cứ điểm - một biện pháp chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công lớn của bộ đội chủ lực của ta ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh đã tỏ ra không có hiệu quả. Vì thế, cả ở Pari, Sài gòn, Hà Nội, từ Thủ tướng Pháp Lanien đến Nava, Cônhi đều mất lòng tin ban đầu và chuyển sang thái độ bi quan sâu sắc. Tại sở chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ, tướng Cônhi đã phát biểu với các sỹ quan phụ tá và các nhà báo rằng: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là một cái bẫy đối với Việt Minh nữa mà đã là một cái bẫy đối với chúng ta rồi.”[5]
Những cơn mưa tháng tư tiếp nối nhau trút nước xuống Điện Biên, chiến hào thành những con đường lầy lội. Lại thêm một cái bẫy nữa do “ông trời” giăng ra mà trong đó hàng vạn lính Pháp phải chui lủi, lóp ngóp với bùn đất và bệnh tật, làm thể lực bị suy kiệt, tinh thần chiến đấu đã bạc nhược lại càng sa sút nặng nề.
Trước tình thế tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể bị tiêu diệt, chính phủ Pháp đã chính thức đề nghị Mỹ tiếp sức bằng cuộc hành binh “Vô tua”, nhưng trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ có bất đồng nên kế hoạch đó cuối cùng bị hủy bỏ. Tướng Nava đã âm mưu một cuộc hành quân giải cứu Điện Biên Phủ từ lưu vực sông Nậm Hu (Thượng Lào), nhưng không thành. Cônhi sấp ngửa toan tính, tung ra bốn binh đoàn cơ động đánh thọc sâu vào hậu phương của ta nhằm chia lửa với Điện Biên, nhưng cũng chỉ là âm mưu, hay nói một cách khác là mơ tưởng hão huyền, khi mà không còn lực lượng và phương tiện.
Giữa lúc Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp lúng túng, tiến thoái lưỡng nan thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Hiện nay quân địch đang đối phó lúng túng, nhưng lực lượng của chúng còn mạnh, ưu thế của ta đã tăng lên, nhưng chưa phải là tuyệt đối… Chúng ta cần có một nhận thức đúng đối với tương quan lực lượng giữa địch và ta, giữ vững quyết tâm trong những cuộc chiến đấu gay go sắp tới".
Đại tướng giao nhiệm vụ: “Nhanh chóng tiếp cận bao vây quân địch, đồng thời tiếp tục khống chế sân bay, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tạo điều kiện chuyển sang giai đoạn thứ ba".
Phóng viên Nguyễn Văn Nhất từ mặt trận Điện Biên Phủ điện về cho biết, tuần cuối tháng ba mưa dầm liên tục, chiến hào lỏng bỏng bùn nước, cả quân ta và quân địch suốt ngày ngâm chân trong bùn lầy, giá lạnh, thèm một chiếc áo khô cũng không được. Đến chiều 30/3, tạnh mưa, hoe nắng, nhưng những vạt mây đen còn vần vũ bầu trời. Lợi dụng thời tiết xấu, máy bay địch không hoạt động được, bộ đội ta vận động theo chiến hào, triển khai chiến đấu mà trinh sát địch không hay biết.
Năm giờ rưỡi chiều, đợt tiến công thứ hai bắt đầu: pháo binh ta dồn dập dội lửa xuống hầm chỉ huy của Đờcát cùng các điểm cao C1, D1, E1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Cả dãy đồi phía đông chìm trong lửa đạn. Máy bay địch bị lưới lửa phòng không của ta phủ kín, rát rạt, hốt hoảng thả lương thực, thực phẩm, thuốc men cùng đạn pháo, phần nửa rơi vào trận địa của ta.
“Chiến sỹ ta cũng có thuốc lá thơm để hút, rượu vang đông lạnh để uống.” Tác giả Lê Yên (bút danh của Nguyễn Văn Nhất) viết tiếp: “Vậy là chúng ta có thêm một đội quân tiếp tế mới, ấy là những chiếc tàu bay lặc lè mang hàng từ Hà Nội lên vùng trời Điên Biên, hốt hoảng, vội vàng thả xuống rồi tháo chạy trước làn đạn cao xạ pháo của ta!”. Các biên tập viên Lê Quý, Trần Sinh khi dịch sang chương trình tiếng Pháp, tiếng Bắc Kinh dí dỏm thêm cụm từ “cảm ơn”.
Trong chiến tranh, nhất là thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Pháp thường xuyên nghe chương trình phát thanh Tiếng Việt và tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở Hà Nội chúng lập ra một bộ phận chuyên theo dõi, ghi chép, thống kê nội dung các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam để báo cáo lên Bộ chỉ huy. Trong cuốn “Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp” Jules Roy viết: “Trong buổi phát thanh mà quân Việt phát gần như mỗi chiều, họ nhắc đi nhắc lại: “Cám ơn về đạn pháo 105. Chúng tôi sẽ trả lại các anh, nhưng có cả ngòi nổ”. Cùng với xe tải Môlôtôva và CMR, với dân công, bè mảng, ngựa thồ và xe đạp Pôjô, bây giờ có thêm cả máy bay. Khi những chiếc Dakota đầu tiên bay đến vào buổi sáng, quân Việt cười và reo lên: “Dân công trên trời…”
Phóng viên Nguyễn Văn Nhất còn cho biết thêm là trong công sự, chiến hào của ta không chỉ nhặt được súng đạn, thuốc lá thơm, vang đông lạnh, mà còn có cả sao cấp tướng của ĐờCát.
Jules Roy kể lại: “Người ta lục hết các thùng hàng rơi vào bên trong các cứ điểm. Không có gì. Theo bà ĐờCát, ngôi sao đã được một lính dù nhảy xuống đêm hôm ấy mang đến cho chồng bà. Theo Castơri, người ta làm ngôi sao tại chỗ trong một xưởng cơ khí của quân lê dương. Tuy nhiên đài phát thanh Việt Minh loan tin ngôi sao cùng mấy chai Cô Nhắc và mấy hộp huân chương Bắc đẩu bội tinh, huy chương quân công và mề đay đều đã rơi sang phòng tuyến của họ. Người ta đã chúc mừng nhau bằng vang đông lạnh".
Những ngày cuối tháng tư, người ta nói nhiều đến hội nghị Giơnevơ. Các ông Lê Quý, Trần Sinh cùng nhiều biên tập viên đối ngoại khác tìm mọi cách sưu tầm, tập hợp tư liệu trong hoàn cảnh thiếu thốn sách báo. Câu chuyện của ông Lê Quý bắt đầu từ cuộc trả lời phỏng vấn của Hồ Chủ tịch với phóng viên báo EchPrecxen (Thụy Điển).
Nhà báo hỏi: “Cuộc thảo luận ở Quốc hội Pháp đã chứng tỏ rằng một số lớn người chính trị Pháp muốn dàn xếp một cách hòa bình vấn đề xung đột ở Việt Nam bằng cách thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam. Ý nguyện ấy càng rộng khắp trong nhân dân Pháp. Thế thì Cụ và quý Chính phủ hoan nghênh ý nguyện ấy hay không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nếu Chính phủ Pháp rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó".
… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam.
Hỏi: Nếu một nước trung lập đứng ra dàn xếp để những đại biểu của tư lệnh đối phương được gặp Cụ, thì Cụ có nhận không? Nước Thụy Điển có thể đứng ra làm việc ấy hay không?
Trả lời: Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp.”[6]
Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tiếng vang lớn trên thế giới. Báo chí, thông tấn, phát thanh nhiều nước trên thế giới đã đăng, phát lại nội dung bài phỏng vấn đầy nhân nghĩa và thiện chí hòa bình của Bác. Trong khi nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ thì giới hiếu chiến trong bộ máy cầm quyền của Pháp, Mỹ hết sức lúng túng, bị động đối phó, mà thủ thuật đầu tiên là thông qua báo chí, nhất là phát thanh để xuyên tạc nội dung tuyên bố của Hồ Chủ tịch. Vì vậy Đài Tiếng nói Việt Nam đã liên tục phát lại bài phỏng vấn và bình luận, phân tích ý nghĩa thực tiễn của nó.
Ngày 25/1/1954, Hội nghị tứ cường khai mạc tại Berlin với sự tham gia của ngoại trưởng bốn nước là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp bàn biện pháp làm giảm tình hình căng thẳng trên thế giới, trong đó có vấn đề Đông Dương. Ngày 18/2/1954, tại hội nghị này đã phát đi bản thông báo cuối cùng chấp nhận triệu tập hội nghị quốc tế, có đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tham dự tại Giơnevơ từ ngày 26/4/1954 để bàn giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Quyết định trên đây đã được dư luận thế giới hoan nghênh. Bản thông báo mới phát đi hai ngày thì thủ tướng Ấn Độ Neru ra lời kêu gọi ngừng bắn ở Đông Dương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận vấn đề Đông Dương tại hội nghị Giơnevơ. Sau đó ba ngày, ngoại trưởng Indonesia lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của thủ tướng Ấn Độ. Xã luận của tờ Nhân dân nhật báo Trung quốc số ra ngày 22/2 nêu rõ: “Không nghi ngờ chút nào là sự thỏa thuận tại hội nghị Berlin sẽ góp phần làm dịu tình hình trên thế giới. Nhân dân Trung Quốc ủng hộ nghị quyết đó”.
Ngày 26/4/1954, hội nghị quốc tế bàn về vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương đã được triệu tập tại Giơnevơ với sự tham gia của ngoại trưởng các nước Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Cộng hòa Triều Tiên…
Ngày này, cả Điện Biên Phủ ngập chìm trong mưa, chiến hào trở thành bãi lầy. Lúc này, vòng vây của bộ đội ta chung quanh Mường Thanh, Hồng Cúm đã xiết chặt lại, tất cả sẵn sàng cho một cuộc tiến công mới. Quân Pháp càng ngày lún sâu vào tình trạng bị thít chặt, vũ khí, lương thực cạn dần, tinh thần quân sỹ sa sút.
Trong phần Biên niên sự kiện (Điện Biên Phủ) Jules Roy viết: “Thứ 2 ngày 26/4 – Khai mạc hội nghị Giơnevơ – Một phi công bị bắt làm tù binh” và đã nói là “Tôi không muốn có cuộc chiến tranh này!”. “Tình hình khí tượng rất xấu…khiến cho việc tiếp tế đường không bị giới hạn hoặc đình chỉ hẳn". Những ngày sau Roy viết tiếp: “Bây giờ chỉ có lực lượng từ trên trời là cứu giúp được cho Điện Biên Phủ” và “Bây giờ chỉ còn đếm những ngày hấp hối!”
Ngày 4/5/1954, theo lời mời của chính phủ Liên Xô và Chính phủ Trung Quốc, đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, tới Giơnevơ tham gia hội nghị. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin ngay sự kiện quan trọng này và bình luận: “Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là những chiến công dồn dập trên mặt trận Điện Biên Phủ không chỉ làm nức lòng đồng bào cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mà còn là đòn chí mạng đánh vào ý chí xâm lược, âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ, buộc đối phương phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Giơnevơ. Thắng lợi ban đầu này đã tạo thế mạnh cho đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đại diện của Chính phủ Liên Xô và Trung Quốc tại hội nghị này trong cuộc đấu tranh cũng không kém phần gay go và quyết liệt như ở chiến trường để sớm đưa đến giải pháp hòa bình cho Đông Dương. Thắng lợi quan trọng của quân và dân ta còn làm tăng thêm sự bất đồng, mâu thuẫn giữa nhân dân Pháp và những người thuộc phái chủ hòa với những kẻ hiếu chiến, ngoan cố chủ chiến trong giới cầm quyền Pháp, giữa những người có đầu óc thực tế với những kẻ cuồng chiến trong chính giới Mỹ…”.
Ông Trần Sinh kể lại là khi viết bài bình luận này, anh Lê Quý và các anh khác dùng những cụm từ mạnh như “chúng, chúng nó” hay “Ta giáng cho chúng những đòn đau, thất bại ê chề”, nhưng khi các anh ở lãnh đạo Đài, và các anh ở cấp trên nữa duyệt lại thì sửa “chúng nó” thành “đối phương”, “thất bại ê chề” thành “giáng đòn đích đáng”. Theo ông Trần Lâm thì: “Anh Thận (Trường Chinh), anh Lành (Tố Hữu) nhắc nhở là khi ta đã thắng, trên đà thắng vang dội hơn, tức là ta đang ở trên thế thắng thì tiếng nói càng khiêm nhường, càng mềm dẻo thì tác dụng trong dư luận càng rộng, càng sâu, càng hiệu quả, như cha ông ta thường nói: lạt mềm buộc chặt.”
Những ngày đầu tháng 5, tin chiến thắng dồn dập từ Điện Biên Phủ điện về. Ở Bó Lù hầu như không có đêm. Ông Nguyễn Cung đi đi lại lại trong phòng VTĐ, lắng nghe tiếng manip gõ đều đều, thỉnh thoảng hỏi “có gì mới không?” Ông Trần Lâm thường xuyên có mặt bên bàn biên tập, đọc, viết, ký duyệt các bản tin chiến sự từ mặt trận điện về. Hễ có tin nóng của phóng viên đặc biệt Nguyễn Văn Nhất điện về là anh chị em biên tập xúm quanh bàn làm việc của ông Trần Lâm. Thỉnh thoảng lại rộ lên tràng pháo tay, tiếng hô chiến thắng. Đầu bếp Nguyễn Văn Kế đang cắt tiết gà, nghe tiếng vỗ tay liền buông dao, vỗ theo. Con gà đập cánh xuống đất kêu quang quác, ông Kế nói vui; “Anh em ơi, đêm nay có nồi cháo gà ngon nhé”.
Tổng biên tập Trần Lâm đọc to bản nhật ký phóng viên mặt trận của đặc phái viên Nguyễn Văn Nhất chuyển về: “18 giờ ngày 6/5, bộ đội ta tập trung hỏa lực pháo cối nhất loạt bắn phá dữ dội các cứ điểm của địch. Đặc biệt, quân ta bắn 12 dàn hỏa tiễn 122, mỗi loạt phóng 72 phát làm quân địch hết sức khiếp sợ. Sau trận pháo, hỏa tiễn phủ đầu kéo dài 45 phút đầy kinh hoàng, bộ đội ta nhất loạt tiến công.
Không giấy bút nào có thể tả hết được, chỉ có nghe tiếng nổ kinh hoàng, chỉ có thấy cột khói bốc lên từ đỉnh đồi A1 mới cảm nhận hết sức công phá ghê gớm của quả bộc phá ngàn cân, xới tung hệ thống hầm ngầm cùng đội quân cố thủ ở đó. Jules Roy mô tả: “Bỗng nhiên như một đám bụi nước của một cơn sóng đen khổng lồ đập vào kè chắn, gần như không tiếng động, đất rung lên, bị bốc bởi hàng nghìn kilogam mìn nổ của quân Việt. Đất vọt lên rất cao rồi đổ ụp xuống ầm ầm trên các nóc hầm và trong các đường hào. Cái hố khổng lồ đã mở ra dưới chân những người phòng thủ và chôn vùi họ…”
Sau tiếng nổ long trời lở đất, quân ta từ các hướng theo các đường hào đánh thẳng lên đỉnh đồi, bọn địch còn lại chống trả quyết liệt, kéo dài cho đến 4 giờ sáng ngày hôm sau (7/5) mới kết thúc. Cũng thời gian này, quân ta đồng loạt tiến công tất cả các cứ điểm của địch, thít chặt vòng vây, chỉ cách sở chỉ huy của Đờcát 300 mét. Trong khi các cánh quân của ta chuẩn bị cho đợt tổng công kích thì các cơ quan quân báo cho biết là các máy bay chở vũ khí, đạn dược của địch đã được lệnh quay về Hà Nội. Các máy bay vận tải chở quân dù lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ cũng quay trở lại sân bay Gia Lâm. Ở dưới mặt đất, các đài quan sát phát hiện địch quẳng súng đạn xuống sông Nậm Rốm. Trong khu Mường Thanh có nhiều tiếng nổ lớn. Quân Pháp đang rối loạn.
14 giờ ngày 7/5, quân ta mở đợt tấn công cứ điểm 507, gần cầu Mường Thanh. Quân địch kéo cờ trắng ra hàng. Các cứ điểm khác quân Pháp hoảng loạn tinh thần, chống cự yếu ớt. Chớp thời cơ thuận lợi, quân ta tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ các hướng quân ta xông lên như nước vỡ bờ. Bộ đội ta tiến đến đâu, cờ trắng của địch mọc lên ở đó.
Nhà báo Phát thanh Nguyễn Văn Nhất cười hỷ hả: “Nhiều cờ đầu hàng là cờ trắng thực thụ, được chuẩn bị trước, còn đa phần là miếng vải quần, áo, khăn tay màu trắng mà hàng binh xé vội vàng, buộc trên cành cây, hay nắm chắc trong tay, giơ cao, đầu cúi xuống, mắt đảo quanh, đầy lo sợ… Nhiều tốp địch từ các chiến hào lũ lượt kéo ra nộp vũ khí.”
17h15 phút, một cánh quân của đại đoàn 312 tiến sát sở chỉ huy địch. Phát hiện trên nóc hầm của Đờcát có lá cở trắng đang phất, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lập tức cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ tiến vào Sở chỉ huy địch.
17h30 phút, thiếu tướng Đờcát cùng toàn bộ Bộ tham mưu bị bắt sống.
17h55 phút: Jules Roy viết lại “Một bức điện của Cogny yêu cầu đại tá Lalande ở Hồng Cúm cho biết ý định của ông trong đêm nay. Lalande còn chưa biết là phân khu trung tâm đã thất thủ. Mãi đến 18h30 phút ông mới biết được tin đó nhờ giải mã một bức điện và do đột ngột có nhiều loạt pháo bắn vào các kho đạn, cắt đường điện thoại và bắn cháy trạm phẫu của ông. Sau đó đài Việt Minh phát ngay trên sóng của ông: “Tiếp tục chiến đấu là vô ích. Toàn bộ phận còn lại của tập đoàn cứ điểm đã bị bắt làm tù binh. Hàng đi!”
Ông Lê Quý kể lại: “Chúng tôi được báo trước là phải chuẩn bị sẵn sàng là chỉ trong ngày 7/5, quân ta sẽ tấn công chiếm chỉ huy sở của địch ở Mường Thanh và như vậy là chiến dịch Trần Đình kết thúc hoàn toàn thắng lợi rực rỡ. Mới có lệnh là chuẩn bị, việc chưa xảy ra mà anh chị em nhảy lên reo hò, mừng khôn tả rồi phân công nhau phụ trách từng công việc. Buổi phát thanh tiếng Việt thì gấp rút chuẩn bị chương trình phát thanh đặc biệt kéo dài, các chương trình phát thanh tiếng nước ngoài thì sẵn sàng biên dịch tin tức, đọc ngay. Bộ biên tập chỉ thị là dù bất cứ giờ nào, dù đang phát các buổi phát thanh chuyên mục cũng phải dừng lại để ưu tiên cho tin chiến thắng, sau đó là bình luận và chương trình ca nhạc chào mừng. Còn tổ ca nhạc thì khẩn trương ôn lại những bài hát về Điện Biên Phủ, tập ngay những bài hát mới, sẵn sàng, có lệnh là đứng trước máy, hát thẳng lên làn sóng.
Khoảng 6h chiều ngày 7/5/1954, khi buổi phát thanh chiều thường lệ của Đài được một lúc thì anh Nhất, từ Bộ Tổng tham mưu chiến dịch báo cho chúng tôi tin mà mọi người đang mong chờ là lúc 17h30 phút, quân ta đã chiếm được chỉ huy sở của địch ở khu trung tâm Mường Thanh, cắm lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng trên hầm chỉ huy của địch. Toàn bộ binh lính và tướng tá Pháp đã ra hàng. Ta đã bắt sống Đờcát, tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Anh chị em đang reo hò vui sướng và chuẩn bị lên phòng bá âm đọc thẳng tin này thì anh Nhất điện về dặn là: Theo ý kiến của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đài khoan phát tin này, chờ thêm ít nữa để kiểm tra và xác minh thêm một số chi tiết cho chính xác. Sau này được biết là Đại tướng Tổng tư lệnh cho xác minh lại tướng Pháp đầu hàng có đúng là Đờcát hay không.
Lệnh quân sự thì chúng tôi chấp hành ngay, nhưng vẫn hồi hộp trông chờ và băn khoăn không biết bản tin có sửa đổi gì không. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi phân công nhau làm một số việc: Cử một tổ biên tập, có cả người phụ trách duyệt tin, xuống ngồi làm việc ngay bên cạnh các thính hiệu viên. Nhận tin đến đâu thì sửa, duyệt ngay đến đó. Trong suốt thời gian thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt, chúng tôi bố trí một số anh em chia nhau đứng cách quãng từ nhà nhận tin đến tận phòng bá âm để khi nhận được tin mới, biên tập duyệt xong là chuyền tay nhau đưa đến phát thanh viên ngồi sẵn trong phòng bá âm đọc ngay.
Trong khi đó, anh chị em ở Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến điện ra cho biết, toàn cơ quan đang tập trung đón chờ tin thắng lợi.
Chúng tôi chờ đợi một tiếng sau thì nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu cho phép đài phát tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ vào bản tin đêm. Chúng tôi chia nhau làm ngay bản tin chiến thắng đặc biệt, ngắn gọn mà rất khí thế, xen kẽ là những bài hát bừng bừng khí thế chiến thắng.
Vào khoảng 1h sáng ngày 8/5, chúng tôi nhận được tin giờ chót là quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn ổ đề kháng của địch ở khu Hồng Cúm. Tại đây, trừ một số lính địch luồn rừng, chạy trốn sang Thượng Lào, còn hầu như toàn bộ địch ở đây, gần hai nghìn tên đã bị ta bắt sống, kể cả tên đại tá chỉ huy Lalande. Thế là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta tiêu diệt. Chúng tôi thức trắng đêm cùng nhau chuẩn bị cho bản tin chiến thắng lịch sử.
Ngày 8/5/1954, Đài Tiếng nói Việt Nam long trọng công bố Thông báo đặc biệt của Bộ Tổng tư lệnh Quân dội Nhân dân Việt Nam: “Đúng 22 giờ ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã thu được toàn thắng!”
Ông Trần Lâm, bà Vân Yến, Dương Thị Ngân nhớ lại lá lúc ấy, cả trời đất, mặt hồ và con người ở Bó Lù như hòa vào một, tất cả mọi người ùa về, vây quanh phòng thu thanh nghe từng chữ, từng lời bản thông báo đặc biệt.
“Bộ Tổng tư lệnh chính thức công bố tin chiến thắng vĩ đại của quân ta. Sau 5 tháng bao vây và gần 2 tháng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Nhân dân anh dũng của chúng ta đã tiêu diệt 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ của địch, tổng cộng trên dưới 1 vạn 5 nghìn tên, phá hủy và bắn rơi 57 máy bay địch, thu được một thắng lợi vĩ đại xưa nay chưa từng có trong lịch sử kháng chiến của quân dân ta.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày nay đã toàn thắng, thực hiện được quyết tâm của Trung ương, Chính phủ và Hồ Chủ tịch.
Bộ Tổng tư lệnh nêu cao công trạng của bộ đội, dân công, nhân dân ta trong chiến dịch lịch sử này và kêu gọi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, các anh chị em dân công trong khi vui mừng, phấn khởi, phải tiếp tục và tích cực tiến hành nhiệm vụ của mình để củng cố thắng lợi to lớn của chúng ta.”
Nói như bếp trưởng Kế là nghe đi nghe lại “cho đã”. Ông Nguyễn Cung vỗ thật mạnh vào vai anh điện báo viên trẻ tuổi: “Vậy là anh em ta cũng thắng to rồi. Suốt cả chiến dịch không có sơ suất kỹ thuật nào đáng kể. Phải ăn mừng thật to mới được".
Trong lúc đó, các ông Lê Quý, Trần Sinh và các biên tập viên, biên dịch tiếng nước ngoài bận túi bụi, lo dịch, đọc sao cho kịp chương trình, bảo đảm chính xác, thể hiện được khí thế của người chiến thắng. Ông Trọng máy nổ đi đi lại lại, hai mắt không rời cỗ máy đang chạy đều đều, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ông Kế. Ông bếp trưởng kiêm xăng dầu giơ hai rồi ba ngón tay lên trời, ý nói chất đốt còn những vài ba tháng nữa, cứ yên tâm mà phát điện, miễn là phát thanh được liên tục.
Trong khi ở Bó Lù, một bản nhỏ, hẻo lánh bên hồ Ba Bể, những người làm phát thanh Việt Nam tưng bừng, hân hoan trong vũ điệu chiến thắng thì ở Pari, thủ đô nước Pháp “ông Joseph Laniel, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng bước lên diễn đàn Quốc hội để thông báo tin Điện Biên Phủ với một giọng mà ông cố gắng giữ trầm tĩnh. Tất cả các nghị sỹ đều đứng lên, trừ các hàng ghế Cộng sản. Nỗi kinh hoàng bại trận đột ngột đè nặng lên thành phố… Số đặc biệt của báo France – Soir đề tít thật lớn chạy suốt tám cột báo: “Điện Biên Phủ đã thất thủ.”… Trên toàn thế giới, Waterloo trước đây không gây tiếng vang bằng… Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của Phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền Cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn hãy còn vang vọng”[7].
Buổi chiều hôm ấy tại Washington, Tổng thống Aixenhao triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ để thông báo sự kiện Điện Biên Phủ thất thủ.
Cùng ngày, báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp viết: “Điện Biên Phủ, trung tâm trận chiến đấu lớn nhất. Sự thất thủ của pháo đài đã tỏ rõ tham vọng điên rồ của những kế hoạch xâm lược vào thời đại mà các dân tộc đã nắm chắc trong tay cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập… Không một sức mạnh nào và không một ai có thể bắt được cả một dân tộc đã vùng lên phải quỳ gối trở lại”.
Niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ gần gụi và sâu đậm nhất với mẹ con bà Dương Thị Ngân là phóng viên mật trận, đặc phái viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại chiến dịch Trần Đình trở về Bó Lù. Nguyễn Văn Nhất xiết chặt tay Lê Quý, giọng phấn chấn: “Gánh nặng bây giờ lại đặt lên vai anh rồi. Chúng ta phải đấu tranh cho bằng được hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phát thanh đối ngoại bây giờ bận không kém đối nội đâu đấy".
Ông Trần Lâm bật cười sảng khoái, giọng chắc nịch: “Nói cho đúng, cho công bằng là trước mắt có hai nhiệm vụ quan trọng đang đè nặng lên vai của chúng ta là tiếp tục chiến đấu, tiêu diệt sinh lực địch và ủng hộ đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Giơnevơ, đồng thời đập tan mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của địch".
Nguồn: VOV
Bình luận