• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bà Trần Tố Nga – Biểu tượng sáng ngời của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở Phiên điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với 14 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học (CĐHH) cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ của bà Trần Tố Nga từ nhiều năm qua. Bà Trần Tố Nga đã trở thành biểu tượng sáng ngời của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam.

Kỳ I

Hành trình đã qua

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, năm 1954 bà theo gia đình tập kết ra miền Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở lại miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Trong thời gian làm phóng viên ở mặt trận, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ phun rải, từ đó sức khỏe của bà bị giảm sút nghiêm trọng; lượng độc tố dioxin trong người bà cao hơn nhiều so với người bình thường. Người con thứ nhất của bà đã chết khi được 17 tháng tuổi, người con thứ hai bị bệnh huyết tán. Năm 1993, bà Trần Tố Nga sang Pháp sinh sống, trở thành công dân Pháp, nhưng vẫn mang cả quốc tịch Việt Nam.

Tháng 5/2009, bà đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế trong vụ kiện của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Sau vụ kiện đó, được sự đồng hành giúp đỡ của luật sư William Bourdon, các cộng sự và nhà văn André Bouny - Chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, bà quyết định đứng nguyên đơn để kiện các công ty hoá chất đã sản xuất, cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Với quyết tâm đòi công lý cho NNCĐDC Việt nam, bà khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị khởi kiện, như: khám sức khỏe, dịch thuật tài liệu và công chứng quốc tế, v.v.. Mọi việc diễn ra thuận lợi, vì bà Trần Tố Nga là người duy nhất có đủ 3 điều kiện để đại diện cho NNCĐDC Việt Nam khởi kiện: 1) là công dân Pháp; 2) đang sống tại Pháp, nước có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế để bảo vệ công dân của mình; 3) bà là NNCĐDC.

Vụ kiện của bà là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt; bởi lẽ: đây là lần đầu tiên nguyên đơn là một NNCĐDC đứng ra kiện các công ty đã sản xuất, cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và được tòa xét xử - Cuộc chiến của một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé với những công ty hóa chất “khổng lồ” của Mỹ, như: Dow Chemical, Montaso Ltd, Phamacia Corporation, Hercules Incorporated...

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vì các tập đoàn hóa chất Mỹ không dễ dàng thừa nhận hậu quả gây ra sau nhiều năm kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc (1975). Tòa án đòi hỏi phải có bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa các sản phẩm diệt cỏ chứa dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng với các bệnh lý được phát hiện trên cơ thể NNCĐDC. Mặt khác, các công ty hóa chất Mỹ biện lý rằng: họ chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ, nhưng Chính phủ và quân đội Mỹ lại có quyền miễn trừ tư pháp (theo quy định của luật pháp Mỹ).

Thực chất, các tập đoàn hóa chất Mỹ đã không tuân thủ theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ (cung cấp thuốc diệt cỏ có nồng độ dioxin dưới ngưỡng cho phép), mà họ lại cung cấp các hóa chất diệt cỏ có nồng độ dioxin cao hơn nhiều lần ngưỡng an toàn. Các công ty sản xuất hóa chất biết rõ điều đó, nhưng họ cố tình làm như vậy vì lý do lợi nhuận. Trong một cuộc hội nghị quốc tế tổ chức năm 1965, đại diện các hãng hóa chất đã thừa nhận rằng họ biết trong hóa chất diệt cỏ có chất độc dioxin (dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (1 phần nghìn tỷ gam) có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người, vài chục nanogam (phần tỷ gam) có thể lập tức gây chết người; đặc biệt chất độc dioxin có thể di truyền xuyên thế hệ).

Bà Trần Tố Nga tặng quà cho NNCĐDC huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

 Trong cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin. Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. Theo thống kê, 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải, trong đó 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần. Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó trên 3 triệu người là NNCĐDC. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Tháng 5/2013, Tòa Đại hình ở Evry (Pháp) đã chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất diệt cỏ chứa dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 4/2014, Tòa Evry mở phiên xét xử đầu tiên.

Từ năm 2014 đến năm 2020, đã có 19 phiên tòa thủ tục. Ngày 13/6/2014, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện. Ngày 09/4/2015, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã gửi thư ngỏ đến Tòa Đại hình Evry đề nghị xét xử đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Hội cũng kêu gọi các tổ chức thành viên và toàn xã hội tích cực tổ chức các hoạt động ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Theo đó, các tổ chức thành viên của Hội đã phát động và có trên 400.000 chữ ký ủng hộ vụ kiện; đồng thời quyên góp ủng hộ vụ kiện được hàng trăm triệu đồng.

Hành trình đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC, bà Trần Tố Nga phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trở ngại do phía các công ty hóa chất Mỹ gây ra, họ cố tình chối bỏ trách nhiệm; thêm nữa là những khó khăn do tuổi cao, sức yếu vì những căn bệnh do chất độc da cam/dioxin gây ra,… Mặc dù vậy, bà  Trần Tố Nga vẫn quyết chí, không nản lòng, bà tâm sự: “Nản sao được khi trước mắt tôi luôn hiện ra hình ảnh các NNCĐDC với ánh mắt hy vọng, trông đợi của họ”.

Ngày 29/6/2020, Tòa Đại hình Evry ra thông báo về vụ kiện của bà Trần Tố Nga và yêu cầu kết thúc các phiên thủ tục vào ngày 28/9/2020 để ngày 12/10/2020 tiến hành phiên tranh tụng. Tuy nhiên, vì lý do đại dịch Covid-19, nên phiên tòa đã được chuyển sang ngày 25/01/2021. Tại Pháp, đã thành lập Ủy ban Ủng hộ vụ kiện và đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Trước phiên xét xử, gần 200 thị trưởng, nghị sĩ, nhân sĩ nổi tiếng của Pháp đã ký tên ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga.

Từ 09.00 giờ ngày 25/01/2021, Tòa Đại hình Evry bắt đầu tổ chức phiên tranh tụng giữa các luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga và các luật sư của 14 công ty hóa chất Mỹ (còn 14/26 công ty, do 12 công ty đã giải thể hoặc sáp nhập). Tại phiên tòa, khoảng 20 luật sư của 14 công ty hóa chất, như: Dow Chemical, Bayer-Monsanto, Harcros Chemical, Uniroyal Chemical, Thompson Hayward Chemical,… có 4 giờ để tranh luận, bảo vệ quyền lợi các thân chủ; còn 3 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Tố Nga, gồm: William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt chỉ có 1 giờ 30 phút (ba luật sư này đã tình nguyện giúp bà Nga theo đuổi vụ kiện từ năm 2015). Theo thông báo đến ngày 10/5/2021, Tòa sẽ có kết quả trả lời các bên. Vụ kiện đã lan tỏa, tạo được tiếng vang rộng lớn, được nhân dân Pháp và nhân dân thế giới quan tâm ủng hộ.

Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn báo chí 

Tòa án Evry tiến hành xét xử đơn kiện của bà Trần Tố Nga là việc làm đúng đắn. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga không đơn độc, hàng triệu NNCĐDC và người dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới ủng hộ vụ kiện. Truyền thông Pháp đánh giá phiên tranh tụng diễn ra hôm 25/01/2021 tại Tòa Đại hình thành phố Evry là “lịch sử”, nó thúc đẩy quốc tế công nhận về một “tội ác hủy hoại môi trường”. Nhiều tờ báo tại Đức đã nhắc lại thảm họa da cam ở Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh và đòi các công ty hóa chất Mỹ trong vụ kiện phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cùng với đó, nhiều tờ báo lớn ở các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo,… cũng đưa tin ủng hộ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện này. Trong buổi tiếp bà Trần Tố Nga, Chủ tịch Hạ viện Luxembourg là Mars Di Bartolomeo đã ca ngợi cuộc đấu tranh của bà Nga là “một cuộc chiến đấu chính nghĩa và dũng cảm”.

Việc Tòa Đại hình Evry xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga là một thắng lợi; các công ty sản xuất, cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam “chịu” ra tòa lại là một thắng lợi tiếp theo. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần chung tay, góp sức cùng bà Trần Tố Nga tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam – “Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt”.

 Đại tá, Ths Nguyễn Mạnh Dũng

(Kỳ II. Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam “Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt”)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...