• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Chồng đôn hậu, vợ trung hậu đảm đang

BÀI DỰ THI: Chồng đôn hậu, vợ trung hậu đảm đang

Vào buổi chiều mùa thu tháng 9 khi cơn bão số 5 vừa đi qua, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Minh San và vợ anh, chị Đặng Thị Loan, ấn tượng đầu tiên của anh chị đối với chúng tôi đó là tiếng cười rạng rỡ, là tình yêu thương của anh chị giành cho nhau, nhất là chị Loan, người vợ “Trung hậu, đảm đang”, một người mẹ “vượt lên chính mình” để nuôi chồng, chăm con trong gần 40 năm qua.

Với không khí vui vẻ, chân thành, chúng tôi gợi ý về đời tư của chị, chị rụt dè, chậm dãi không muốn nói về mình, thật may mắn cho chúng tôi đã được anh Lê Minh San chồng chị động viên khuyến khích, chị bắt đầu nói về đời mình, chị sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái, chị là …. trong gia đình ở một đồng quê nghèo thuần nông có truyền thống cách mạng thuộc xã An Thái, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay là huyện An Lão, thành phố Hải Phòng), quê chị giáp với xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, đây là một vùng quê mà ở đó hội tụ đầy đủ truyền thống của người phụ nữ Việt Nam“công dung, ngôn hạnh” được truyền từ đời này qua đời khác “gái Trà phương công chúa” thời nhà Mạc Đăng Dung vùng đất “Cổ Trai”, nay là quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

Những năm cuối của thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60, mặc dù kinh tế của người dân cả nước nói chung, người dân Hải Phòng nói riêng còn vô cùng khó khăn, nhất là ở các vùng quê nông thôn, lúc đó phong trào học tập được đẩy lên một tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu xây dựng miền Bắc XHCN, là hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, chị được bố mẹ cho đi học hết cấp 2 phổ thông. Khi những cây phượng vĩ bắt đầu nở rộ những chùm hoa rực đỏ “biểu tượng của thành phố cảng” thân yêu, khi mà những tiếng chim Quyên gọi bầy báo hiệu của mùa Hè đã đến, cũng là lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất đối với miền Bắc XHCN, Hải Phòng là khu vực trọng điểm đánh phá ác liệt bằng không quân của Mỹ, niềm ao ước của một thời con gái phải tạm dừng tại đây, chị không theo học cấp 3 mà lại cùng các bạn đồng niên, đồng khóa tham gia phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu tại Đội trực chiến Phòng không của xã nhà.

Với dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam, cùng với những thất bại không thể cứu vãn ở chiến trường miền Nam, đế quốc mỹ điên cuồng tiến hành đánh phá ác liệt miền Bắc lần thứ 2, mà điển hình là trận tập kích đường không lần thứ 2 bằng B52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác của miền Bắc Việt Nam, với mưu đồ “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, cả nước sục sôi khí thế quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày ấy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, để có sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, theo chỉ đạo của thành phố, các tổ chức Đoàn thanh niên, thiếu niên tiền phong tổ chức kết nghĩa, việc kết nghĩa không chỉ trong xã mà còn lan rộng kết nghĩa với các địa phương khác trong huyện, trong đó có kết nghĩa giữa Liên chi đoàn thanh niên xã Bắc Hà, thị xã Kiến An với Liên chi đoàn thanh niên xã An Thái, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Đang chầm chậm trở về với ký ức thời thanh xuân, chị ngừng lời nhìn về phía người chồng yêu quý của mình, vừa tủm tỉm cười, vừa nhẹ nhàng nói “thật là duyên số của vợ chồng chúng tôi”, tại buổi lễ kết nghĩa giữa hai Liên chi đoàn hôm ấy, chàng trai trẻ Lê Minh San đã có cảm tình với cô gái trẻ xinh đẹp chính là Đặng Thị Loan.

Tình cảm của anh chị cứ lớn dần cùng với sự trưởng thành theo năm tháng của mỗi người, song cuộc đời không phải lúc nào cũng là hoa đẹp; tháng 3/1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ kính yêu “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nộ lệ…”, chàng trai trẻ Lê Minh Sang, sinh năm 1947 ở thôn Đẩu Phượng, xã Bắc Hà, thị xã Kiến An đang học cấp 3 phổ thông lại xếp nghiên bút chia tay mái trường thân yêu, chia tay Thầy cô, bạn học mà mình yêu quý cùng với những kỷ niệm vui, buồn của thời học trò mà mãi mãi không bao giờ quên.

Sau những tháng ngày huấn luyện gian khổ tại Tiểu đoàn 340, Trung đoàn 242, Sư đoàn 350, Quân khu 3, tháng 9/1967, Lê Minh San lên đường vào Nam chiến đấu ở chiến trường Khu 5 (Quảng Nam, Đà Nẵng), đây là chiến trường vô cùng ác liệt, là nơi đọ sức giữa quân giải phóng miền Nam và quân đội viễn chinh Mỹ, nhất là địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, đây là địa bàn “dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và thắng Mỹ”.

Cứ điểm đồi Mun Luốk đổ nát sau cuộc tấn công của quân Giải phóng

Chiến tranh ác liệt, gửi được lá thư về hậu phương cũng gặp vô vàn khó khăn, chủ yếu là nhờ đồng chí, đồng đội ra Bắc, nhiều khi bị thất lạc, hoặc nhiều ngày mới tới được người nhận, nhưng đôi trai tài, gái sắc chỉ với một lần gặp gỡ nhân buổi kết nghĩa giữa hai Liên chi đoàn xã Bắc Hà - Kiến An và xã An Thái - An Lão, thành phố Hải Phòng đã để lại tình cảm sâu nặng và dấu ấn giữa hai người.

Đất nước thống nhất nhưng mãi đến năm 1976 anh bộ đội giải phóng quân Lê Minh San mới được về thăm gia đình sau gần 9 năm chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Trong niềm vui đất nước được thống nhất, mọi nhà được xum họp, nhưng đối với anh có một nỗi buồn mất mát mà không gì bù đắp được, mẹ của anh, người mẹ rất đỗi yêu thương, người mẹ mà cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra hạt thóc, củ khoai nuôi các con ăn học, khôn lớn trưởng thành không còn nữa do một cơn bạo bệnh vào năm 1973 đã về với tiên tổ, không kịp gặp lại người con trai mà bà rất thương yêu đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam chưa kịp trở về, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với anh lính trẻ Lê Minh San, lúc này chỉ còn người bố đã trên 70 tuổi ở cùng với người anh trai.

Để bớt đi vất vả cho người anh trai và cũng bù đắp lại những tình cảm của người yêu sau nhiều năm đợi chờ, lúc này anh cũng đã hơn 29 tuổi, anh xin ý kiến bố và anh trai về nguyện vọng được xây dựng gia đình với chị Loan ở xã bên (Tiên Cầm, An Thái, An Lão, Hải Phòng), được gia đình đồng ý, nhưng còn Loan, không biết có đồng ý hay không, sau những đêm chập chờn không ngủ, nhất là ngày sang nhà chị không biết có đồng ý hay không, thật là khó, trong đánh giặc anh chẳng ngại gian khổ hy sinh, song trong tình yêu, nhất là lấy vợ thì thực sự lúng túng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Thật may mắn cho anh, ở quê có người chị lấy chồng bên xã của Loan, chị là cầu nối tuyệt vời giữa anh và chị. Được người chị thông tin một số nét về Loan và động viên anh đã giúp anh mạnh dạn đến nhà Loan. Với chiếc xe đạp khung dựng miền Nam mà thời ấy, những người lính khi ra Bắc đều mang về làm quà kỷ niệm cho gia đình. Nhà anh cách nhà chị gần chục cây số mà cảm tưởng thật là dài, anh sang nhà chị chơi, trước là thăm gia đình, nhất là bố mẹ Loan và Loan, sau lần gặp đầu tiên đầy thiện chí của bố mẹ và những kỷ niệm của những năm tháng hoạt động kết nghĩa giữa hai Liên chi đoàn thanh niên, trái tim đã mách bảo tình yêu hôn nhân đã đến với anh chị, anh quyết định đặt vấn đề được hỏi Loan làm vợ. Với sự suy nghĩ sâu sắc của một người con gái, với tình cảm đã được vun đắp của gia đình, chị đồng ý chấp nhận lời cầu hôn chân thành của một người lính vừa trở về từ mặt trận. Được sự đồng ý của 2 gia đình, đám cưới của anh chị được tiến hành với nghi thức đơn giản, nhưng trang trọng như những đám cưới thời bấy giờ, với đôi chim bồ câu trắng ngậm sợi tơ hồng và dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” cùng với những lời chúc tốt đẹp cho anh chị “Hạnh phúc trăm năm”. Sau đám cưới được hơn chục ngày, với tình cảm của một người cha đầy trách nhiệm với đất nước, với một người lính, bố anh đã hỏi anh “con có còn phép không, nếu hết rồi thì con vào đơn vị tiếp tục công tác”. Thời gian nghỉ phép của người lính cũng đã đến cận kề, vâng lời cha nhắc nhở và những lời động viên chân thành của người vợ trẻ mới cưới, anh trả phép trở về đơn vị Tiểu đoàn vận tải Cục Hậu cần Quân khu 5 tiếp tục công tác. Lần đi này của anh khác mọi lần, bởi trong anh không chỉ có gia đình, người thân mà anh còn có cả một hậu phương vững chắc, đó là người vợ thân yêu thay anh chăm sóc người cha đã tuổi cao và công việc gia đình khi thiếu vắng, sự yên tâm không chỉ có hạnh phúc mà còn có sự bình yên trong cuộc sống gia đình.

Sau khi đất nước thống nhất, trong niềm vui chung của toàn dân tộc, song đất nước lại không được bình yên do các thế lực phản động tiếp tay và hà hơi tiếp sức, cuộc chiến tranh biên giới phía tây Nam lại diễn ra vô cùng khốc liệt của chế độ Khơ me đỏ do Pôn pốt cầm đầu, đã phản bội lại cách mạng Campuchia, đổi trắng thay đen, từ bạn thành thù ngang nhiên dùng lực lượng quân sự phản động mở cuộc tấn công xâm lược ồ ạt vào các tỉnh phía Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam, trong đó có tỉnh Kon Tum thuộc địa bàn Quân khu 5 vào tháng 10/1977.

Trở về đơn vị sau một kỳ nghỉ phép cưới vợ, anh tiếp tục tham gia học tập, rèn luyện và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, để chi viện cho các mặt trận phía Nam, anh và đơn vị được giao nhiệm vụ chở hàng phục vụ các đơn vị của Quân khu 5 và Quân đoàn 3 đang làm nhiệm vụ truy quét Fulro và các tổ chức phản động ở các tỉnh Tây Nguyên. Với trách nhiệm của một người lính, anh tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu, cuộc chiến mà tất cả những người yêu chuộng hòa bình không muốn xảy ra. Vào một ngày của tháng 10 năm 1977, anh đang cùng đơn vị chuyển hàng tiếp tế phục vụ cho một đơn vị của Quân khu 5, địa bàn biên giới giáp gianh giữa tỉnh Kon Tum với Campuchia, một tiếng nổ chát chúa, sau tiếng nổ, anh không còn biết gì nữa, khi tỉnh lại anh đã được đồng đội chuyển về Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng ở phía Nam điều trị. Và cũng từ đây, do vết thương quá nặng, anh bị đau nhức toàn thân và hoàn toàn không cử động được từ thắt lưng trở xuống, điều trị một thời gian ở Bệnh viện 175, anh được chuyển ra Bắc điều trị tại Bệnh viện Quân y 108, đây là một bệnh viện có đầy đủ phương tiện hiện đại, có đội ngũ y, bác sỹ giỏi, có kiến thức, trình độ khoa học tiến tiến bậc nhất Việt Nam trong những năm 70 của thế kỷ XX.

Chữa trị được một thời gian, vết thương của anh đã có những thuyên giảm, về nhận thức bị ảnh hưởng không nhiều nên trí tuệ của anh vẫn minh mẫn, song vết thương cột sống của anh quá nặng nên từ thắt lưng trở xuống, nhất là đôi chân của anh bị liệt hoàn toàn. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viên 175 và ra Quân y viện 108 đã hơn 3 tháng, anh đã chủ động không thông báo cho gia đình biết vì không muốn gia đình lo lắng, nhất là vợ anh, người vợ trẻ mới chỉ chung sống bên nhau hơn một tuần trăng mật sau đám cưới, rồi anh lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới ở biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Ở Quân y viện 108 có anh Nam, là bác sỹ trưởng khoa, người trực tiếp theo dõi, chữa trị cho anh rất băn khoăn không thấy người thân trong gia đình đến thăm. Lần theo bệnh án và lý lịch tự khai của anh và đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 5 cung cấp anh mới biết anh San quê ở Hải Phòng, sinh gia trong một gia đình đông anh em và đã có vợ, nhưng chẳng hiểu lý do gì mà gia đình vẫn chưa có người đến thăm. Với một bác sỹ có kinh nghiệm, đã trực tiếp điều trị cho nhiều thương binh, bệnh binh từ các chiến trường về điều trị tại bệnh viện, tuy không nói ra nhưng Trưởng khoa đã hiểu và đọc được suy nghĩ của anh San, ở trong thời điểm này anh không muốn báo cho gia đình, nhất là với vợ của anh, vì anh đã được Trưởng khoa chân tình cho biết “vết thương quá nặng đã ảnh hưởng đến cột sống dẫn đến bị liệt hai chân, từ đó anh sẽ không có con”,

Suy nghĩ là vậy, song anh rất mong có gia đình, người thân đến thăm, miễn là không có người vợ yêu quý của anh là được bời vì nhiều đồng đội có thương tật nặng như anh, họ cũng điều trị như mình lại có rất nhiều người thân đến thăm. Hiểu được điều đó, hơn nữa để động viên anh yên tâm điều trị, bác sỹ trưởng khoa đã quyết định viết thư thông báo cho người anh trai của anh San ở Hải Phòng biết, thư đi ít ngày thì anh trai và vợ anh đến thăm, chỉ tiếc rằng ở thời điểm này anh chưa thật khỏe, vẫn nằm bất động trên gường bệnh, nhưng trí tuệ của anh vẫn minh mẫn. Gặp anh, thương anh, vợ anh khóc nhiều và có ý trách anh “sao lại dấu em”, gặp chị Loan, trong lòng anh lại càng thương chị nhiều hơn bởi một lý do duy nhất: Vợ anh đang ở giai đoạn sung sức nhất của một thời con gái, mặc dù chị không phải là hoa khôi, nhưng nhìn chị tươi tắn, khỏe mạnh, có khuôn mặt trái xoan, lại đảm đang việc nhà thay anh chăm sóc người bố đã tuổi cao, chung thủy với chồng ở ngoài mặt trận.

Thương vợ, yêu vợ, ơn vợ vô cùng, song anh đã chủ động nói với chị Loan với tất cả tình cảm chân thành, yêu thương nhất: “Lần sau em đừng lên nữa, em về với bố mẹ đẻ mà ở rồi đi lấy chồng, chữa trị ổn định anh sẽ trở về trại thương binh nặng sống với anh em đồng chí, đồng đội của anh”. Thương vợ thì nói vậy thôi, chứ thực lòng anh chẳng muốn, chị hiểu được tình cảm chân thành của anh, nhưng chị đâu có làm được như lời anh nói, chị khóc nhiều, tình yêu, tình nghĩa vợ chồng giờ đây lại càng nặng, càng sâu hơn trong chị.

Tháng 7/1977, anh được đưa về Đoàn 277, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần đóng quân ở tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều trị, thời đó đi lại gặp nhiều khó khăn, từ Hải Phòng lên Phú Thọ nơi anh điều trị phải mất một ngày, nhưng tháng nào chị cũng lên thăm anh, động viên anh yên tâm điều trị cho nhanh khỏi bệnh để về với nơi đã sinh ra anh, ở đó là quê hương, gia đình thân thiết của anh. Điều trị ở Đoàn 277 được 2 năm (1977-1978), chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra tại các tỉnh phía Bắc, anh được Bộ Quốc phòng chuyển về Trại Thương binh nặng Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng điều trị. Từ khi bị thương năm 1976 đến năm 1979, anh đã được các y, bác sỹ ở các bệnh viện lớn của quân đội đã tận tình chữa trị với tất cả tình thương và trách nhiệm bằng những loại thuốc tốt nhất, nhưng vết thương cột sống quá nặng, hai chân anh bị liệt hoàn toàn, không cử động được, mọi sinh hoạt phải có nguời giúp đỡ, mức thương tật là 85%.

Từ năm 1979 đến năm 1982, anh được chuyển về sống trong tình yêu thương của đồng chí, đồng đội tại Trại Thương binh Lưu Kiếm, thành phố Hải Phòng và được ở gần gia đình hơn. Cứ mỗi lần chị đến thăm anh, anh lại động viên chị Loan về ở với bố mẹ đẻ rồi đi bước nữa vì “con gái có thì”. Nghe anh nói vậy chị Loan chỉ biết khóc thôi, có nói thế nào anh cũng chẳng chịu nghe, mà nếu có nghe anh càng an ủi chị bằng những lời lẽ “chói tai” chỉ với một mục đích duy nhất là để chị chán gét anh và mong muốn được giải thoát cho chị.

Với chồng là vậy, còn đối với bạn bè và dư luận xã hội, nhiều người cũng nói với chị Loan “anh San thương mày…, thương chị mới nói thế thôi, vợ chồng lấy nhau thì phải có con cái”. Trước bối cảnh đó, chị Loan thật khó nghĩ, còn anh San không chỉ nói với chị nhiều lần, mà có lần bố vợ vào thăm anh ở trong trại thương binh, anh đã nói rõ quan điểm của anh với bố vợ. Với tình cảm của một người cha, ông vô cùng thương chị, người con gái mà ông nhất mực yêu quý nuôi dạy từ tấm bé, nhất là sau khi người vợ của ông qua đời, thực lòng ông cũng muốn có cháu ngoại để vui lúc tuổi già, nhưng không vì vậy mà ông ép buộc chị Loan, ông nói với chị “thằng San nó nói như vậy còn con suy nghĩ và làm gì thì tùy con”, nghe cha nói vậy chị chỉ biết khóc, nhất là những đêm dài không ngủ, càng nghĩ chị lại càng thương yêu anh nhiều hơn.

Chị Đặng Thị Loan chăm sóc chồng là anh Lê Minh San, Thương binh ¼ là nạn nhân chất độc da cam

Cháu bé tên là Lê Trường Minh, sinh năm 1977 ở xã Nam Hà, thị xã Kiến An nay là phường Đồng Hòa, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Để con hàng ngày được quấn quýt bên bố mẹ, năm 1982, chị Loan quyết định báo cáo với lãnh đạo trại thương binh Lưu Kiếm và các cơ quan chính sách có liên quan của thành phố được đón chồng chị là anh Lê Minh San, thương binh loại ¼ về chăm sóc tại gia đình. Những năm 80 của thế kỷ XX, do hậu quả sau chiến tranh, đất nước gặp rất nhiều khó khăn nhất là về kinh tế, đời sống của nhân dân trong đó có thương bệnh binh, mức trợ cấp thương tật của anh không đủ trang trải cuộc sống, trong khi cháu Minh lúc đó mới hơn 5 tuổi. Để duy trì cuộc sống gia đình, chị phải bươn trải và làm nhiều công việc khác nhau miễn sao gia đình có thêm thu nhập. Đối với chị, vất vả bao nhiêu chị cũng vượt qua được, chị chỉ mong sao vết thương của anh đừng tái phát.

Từ năm 1982 đến nay đã trải qua 38 năm liên tục, mọi sinh hoạt của anh Sang không bao giườ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của chị, cháu Trường Minh cũng lớn dần lên theo năm tháng trong tình yêu thương vô bờ bến của anh chị, tuy không được khôn ngoan sắc sảo, nhưng được cái khỏe mạnh, cháu đã lập gia đình với cô bí thư đoàn phường, sau 2 lần sinh, cháu đã có 3 con (1 gái 2 trai), đây thực sự là niềm vui, là sự động viên anh chị cho những tháng ngày vất và nuôi con, nhưng cũng là nỗi bận rộn đối với chị, vừa chăm sóc chồng, vừa phải chăm sóc các cháu đang tuổi cắp sách đến trường.

Cùng với những niềm vui trong gia đình anh chị, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Kiến An đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin thành phố Hải Phòng, Quận ủy, UBND, MTTQ Việt Nam quận Kiến An, cùng với sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, những nhà hảo tâm trên địa bàn phường Văn Đẩu xây tặng anh chị một căn Nhà Tình nghĩa trị giá trên 110 triệu đồng ngay trên mảnh đất anh chị và các cháu sinh sống.

Đ/c Trần Văn Quý, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND và cán bộ các ban, ngành đoàn thể của quận Kiến An dự Lễ trao Nhà Tình nghĩa cho gia đình đồng chí Lê Minh San

Với tôi, với cương vị Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin quận Kiến An, tôi thường xuyên tới thăm anh chị hoặc dẫn đường cho các cơ quan, ban ngành, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm tới thăm gia đình. Ấn tượng đầu tiên trong mỗi người chúng tôi đó là tiếng cười, là tình yêu thương của anh chị đối với các cháu và tấm lòng thơm thảo của các con, các cháu giành cho anh chị, nhất là chị Đặng Thị Loan, một người vợ, một người mẹ đã vượt lên chính mình, luôn rèn luyện cho mình có một bản lĩnh kiên cường và sức khỏe dẻo dai để nuôi chồng, nuôi con suốt từ năm 1982 đến nay.

Trải qua 38 năm, chị đã dồn hết tình thương và trách nhiệm chăm lo cho anh và cho con cháu, có những công việc tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng rồi cái nghĩa, cái tình đã giúp chị vượt lên tất cả. Mọi người đến thăm anh, tâm sự với chúng tôi, anh nói với tất cả trái tim của một người lính “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, sau đó là cảm ơn người vợ của tôi đã vì chồng mà hy sinh tất cả, giúp cho tôi có cuộc sống yên bình và sức khỏe ổn định như ngày hôm nay”.

Cháu Trường Minh, nay đã khôn lớn và trưởng thành, tổ ấm gia đình anh San, chị Loan và các cháu tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, gia đình anh chị xứng đáng là gia đình văn hóa, anh đã thực hiện được lời hứa với Bác Hồ kính yêu dành cho thương binh “Thương binh tàn nhưng không phế”, đã vượt lên nỗi đau về thể xác do hủy hoại của chất độc dacam, có cuộc sống và tâm hồn trong sáng, anh San xứng đáng là một thương binh, một nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu “vượt lên chính mình”, người chồng đôn hậu, gương mẫu, chị Loan xứng đáng là người vợ “trung hậu đảm đang”.

Chia tay anh chị vào lúc chiều tà, các cháu cũng vừa đi học về, trong lòng chúng tôi cũng vơi đi nhiều những băn khoăn day dứt và trăn trở, chúng tôi những người đồng chí, đồng đội đã từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường đánh Mỹ cùng anh, chúc cho anh chị mãi mãi hạnh phúc bên nhau và cầu mong cho anh chị thật khỏe, sống vui vẻ cùng con cháu./.

Phạm Đức Tưởng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...