• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Hờ Thủy - người phụ nữ dân tộc Ba Na vượt lên số phận

BÀI DỰ THI: Hờ Thủy - người phụ nữ dân tộc Ba Na vượt lên số phận

Sau nhiều lần điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được chị - người phụ nữ dân tộc Ba Na, trụ cột của gia đình chịu nỗi đau của chất độc da cam, chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang nổ lực từng giờ, từng ngày để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận. Đó là chị Hờ Thủy, thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Duyên tình và số phận nghiệt ngã

Trong ngôi nhà nhỏ được Nhà nước xây cho đồng bào tái định cư, khi triển khai dự án Thủy điện Sông Hinh năm 1995; chưa kịp lau mồ hôi, người phụ nữ Ba Na với khuôn mặt sạm nắng, mưa, trải chiếc chiếu xuống nền nhà, pha nước đon đả mời chúng tôi uống… Chị kể cho chúng tôi nghe những bi cực, vui buồn của cuộc đời mình khi phải chịu hậu quả khốc liệt của chất độc da cam do đế quốc Mỹ phun rải trong chiến tranh tại Việt Nam.

Chị là con út trong gia đình có 5 anh em, là con của già làng Ma Doanh, 86 tuổi, một cựu chiến binh có nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… là người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Vậy mà con gái cụ thì lại chẳng may mắn chút nào, người con gái út mà cụ hết lòng thương yêu lại có đến hai đứa con phải mang di chứng của chất độc da cam.

Khi Hờ Thủy còn đôi mươi, chị là một cô gái Ba Na khá sắc sảo, được nhiều trai bản để ý, chị cũng mơ ước được yêu và lấy một người chồng chung thủy, biết yêu thương vợ con. Nhưng số phận run rủi thế nào, chị lại nặng lòng và có con với một thanh niên cùng bản. Lễ cưới được tổ chức năm 2007. Năm 2008, Hờ Thủy sinh bé đầu là Hờ My, năm 2012 tiếp tục sinh đứa thứ hai là Hờ Miu. Những tưởng cuộc sống tuy nghèo nhưng sẽ hạnh phúc, nhưng những rạn nứt dẫn đến đổ vỡ bắt đầu từ khi phát hiện đứa con thứ hai là Hờ Miu mắc di chứng chất độc da cam rất nặng nằm một chỗ; đứa con gái đầu Hờ My nhìn có vẻ bình thường nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ. Già làng Ma Doanh, người cha già vì thương con nên nặng lòng suy nghĩ, vết thương cũ tái phát, đủ các thứ bệnh của di chứng da cam làm cho sức khỏe cụ kiệt dần. Kinh tế gia đình Hờ Thủy vốn đã khó khăn, ngày càng khó khăn hơn. Tuy ông ngoại Ma Doanh và con gái Hờ Miu được hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng thu nhập gia đình quá thấp, lo thuốc thang cho 3 người bệnh, trang trải chi tiêu, tiền cứ như “muối bỏ bể”, “gió vào nhà trống”. Mọi cố gắng của đôi vợ chồng trẻ không thể bù đắp vào cái lỗ hổng đói nghèo quá lớn. Trong lúc hoạn nạn ấy, người chồng của Hờ Thủy không chịu thương, chịu khó đã phó mặc cho ông ngoại già yếu, con thơ bệnh tật lại cho mình Hờ Thủy, rồi “một đi không trở lại”. Kể từ đấy (2012) gánh nặng gia đình 4 người thì 3 người bệnh được đặt tất cả lên vai Hờ Thủy. Vừa phải chăm sóc cha già và 2 đứa con bệnh tật, vừa phải lao động kiếm thêm thu nhập để trang trải, trong điều kiện của một vùng quê còn nghèo khó, công việc thì ít, giá trị ngày công lại thấp nên cái gánh nặng hai vai của người phụ nữ dân tộc Ba Na ấy quả là quá nặng nề.

Nỗ lực để vượt lên số phận, chiến thắng hoàn cảnh

Hai năm trở lại đây, già làng Ma Doanh bệnh tình trở nên nặng hơn nhiều, ngồi bên cụ tôi nghe nhịp thở gấp gáp, khó khăn; đứng lên, ngồi xuống phải có người đỡ đần, có lúc thấy cụ nhắm nghiền hai mắt, tay chống gối để cử động. Tuy thế, khi tỉnh táo cụ vẫn luôn động viên con gái Hờ Thủy cố gắng thu xếp đi làm để có tiền mua thêm thuốc thang, chạy bữa lo cái ăn. Khi được hỏi về cuộc sống, già làng Ma Doanh vẫn gượng cười: “Mình phải cố thôi, mình còn có trợ cấp, còn đỡ hơn nhiều người khác”. Nghe cụ nói, tôi trào nước mắt. Sức khỏe yếu, đau đớn là vậy nhưng cụ Ma Doanh vẫn gắng gượng tự lo lấy những sinh hoạt của mình vượt qua đau đớn, bằng cả ý chí, nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chị Lê Thị Trúc Thư - Cán bộ Thương binh, xã hội của xã Đức Bình Đông cho biết: Về khoản tiền trợ cấp cho ông ngoại, cháu Hờ Miu và người nuôi dưỡng mỗi tháng được 3.675.000 đồng, cháu lớn Hờ My đã đi giám định mấy lần nhưng chưa đạt tiêu chí để hưởng trợ cấp. Bình quân mỗi người trong gia đình có khoảng 900.000 đồng/tháng để chi phí cho tất cả mọi sinh hoạt, gồm quần áo, thuốc men, ăn, uống... Trong nhà của Hờ Thủy không có gì đáng giá vài triệu đồng, ngoại trừ chiếc xe máy, cà khổ “biến dạng” là phương tiện kiếm ăn, cơ động hàng ngày. “Chị em trong thôn Bình Giang thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tạo điều kiện giúp đỡ Hờ Thủy, giúp chị chăm sóc, đưa đón con cái. Nhất là dịp lễ, tết có phần quà nào cũng thường ưu tiên nhường phần cho cụ Ma Doanh hoặc cháu Hờ Miu để động viên gia đình, động viên Hờ Thủy thêm niềm vui trong cuộc sống”, chị Hờ Nguyệt – Phó thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông nói.

Để duy trì cuộc sống giữa bộn bề lo toan, mở mắt ra là thấy bao nhiêu thứ cần tiền; mỗi ngày Hờ Thủy phải làm việc liên tục khoảng 17 đến 18 tiếng đồng hồ, từ việc không tên, đến việc có tên. “Mỗi sáng em thức dậy từ 3 giờ sáng, lo cho con út, cho ông ngoại vệ sinh, thay đồ giặt giũ, rồi cơm nước. Đưa con bé lớn đến trường, quay trở về dọn dẹp nhà cửa. Tranh thủ đi làm, trưa về vật lộn một đống công việc, chưa hết việc nhà đã tất tả đi làm ca chiều, đến tối mịt mới về, làm mãi đến 11 giờ khuya mới nghỉ. Đó là khi bình thường, nhiều hôm con và ông ngoại đau nặng không ngủ được, em mệt muốn xỉu luôn. Em nản lòng muốn buông bỏ, đến đâu thì đến… Nhưng rồi nhìn hai đứa con, nhìn ông ngoại cám cảnh, lại nghĩ mình mà nằm xuống ai lo cho con, cho cha?. Nghĩ vậy em nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ ráng theo công việc. Nói thật với các anh chị, em không dám bệnh, không được bệnh!...”. Hờ Thủy tâm sự.

Làm vất vả là vậy lại thiếu cái ăn, nhiều khi Hờ Thủy bị bệnh đau không có tiền mua thuốc, bảo hiểm thì xa đành chịu đựng rồi nó cũng qua, như là trời nuôi vậy. Mặc dù đã được chị em, cô bác trong buôn hết lòng giúp đỡ nhưng chỉ bớt được một phần nào, cái gánh nặng nghèo khó, bệnh tật của gia đình cứ thế đeo đẳng đè lên vai người phụ nữ ấy quanh năm, suốt tháng hơn 8 năm nay và có thể còn lâu hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Bình Đông nhận xét: “Chị Hờ Thủy là một người phụ nữ rất kiên cường, hoàn cảnh vô cùng khó khăn vừa phải gánh vác chăm sóc 3 con người đau bệnh vì nhiễm chất độc da cam, vừa phải lao động để kiếm sống. Chị ấy không chịu khuất phục, không gục ngã trước khó khăn luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, chiến thắng số phận… Là tấm gương vượt gian khó của phụ nữ địa phương chúng tôi!”.

Hờ Thủy (bên trái) chăm sóc con gái Hơ Miu

Rời thôn Bình Giang mà hình ảnh về những khốn khó, khôn lường của người phụ nữ dân tộc Ba Na đã, đang và sẽ phải vượt qua tôi không khỏi bứt rứt thương tâm, cầu mong cho chị luôn có sức khỏe để vượt lên những gian truân, khổ hạnh của đường đời./.

Nguyễn Bá Thuyết

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...