• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: “Quặn thắt một nỗi đau”

BÀI DỰ THI: “Quặn thắt một nỗi đau”

Không cầm súng ra chiến trường nhưng bà Nguyễn Thị Năm gần như suốt đời gánh chịu nỗi đau chiến tranh. Mấy lần khóc con, rồi khóc chồng, có lúc người phụ nữ ấy ngỡ rằng không còn đủ sức chịu đựng, khi nghĩ tới thiên chức làm mẹ bà lại gắng gượng lên giữa sóng gió cuộc đời.

Vợ chồng ông Đệ - Bà Năm hồi mới cưới (ảnh nhân vật cung cấp)

Đối diện với người phụ nữ ấy, nhìn nét mặt và ánh mắt, ai cũng dễ dàng nhận thấy bao nỗi đau đớn và bất hạnh bà từng phải chịu đựng. Có điều, suốt buổi chuyện trò, bà không rỏ lấy một giọt nước mắt. Phải chăng sau những khổ hạnh, nước mắt đã cạn khô hay những tai ương và sóng gió đã khiến bà chai sạn?

Bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957), hôm ấy ở nhà một mình, ngôi nhà khá vững chãi nằm ở cuối một con ngõ thuộc Khối 5, thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn – Nghệ An). Có cảm giác như với bà, ngôi nhà ấy quá rộng, khu vườn quá thênh thang khiến cho những bước chân khập khiễng như vô định, ánh mắt nhìn càng thêm mông lung... Bà chia sẻ: “Chuyện đời của tôi có lẽ khá dài và bộn bề những nỗi bất hạnh, không biết nên bắt đầu từ đâu. Chỉ biết tất cả những khổ đau ấy đều do cuộc chiến tranh tàn khốc mang đến và nó còn đeo đẳng đến hết cuộc đời”.

Rời ghế nhà trường, bước vào lứa tuổi thanh niên, năm 1976 cô gái Nguyễn Thị Năm đăng ký vào khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Cô gái trẻ phơi phới niềm tin, tạm biệt gia đình, quê hương bước vào cuộc sống mới. Không lâu sau, cô được cử tham gia lớp học quân y và trở thành y tá của Bệnh viện Quân y 4. Lúc ấy, chiến tranh vừa kết thúc, cơ sở vật chất còn đơn sơ, trong lúc có nhiều thương binh nặng từ chiến trường vừa trở về. Hằng ngày, chứng kiến nỗi đau của những người lính trận, nữ y tá Nguyễn Thị Năm càng thấu hiểu về sự ác liệt và tàn bạo của kẻ thù đã gieo rắc lên đất nước. Cô càng cố gắng hơn trong công việc, mong góp phần công sức nhỏ bé của mình để xoa dịu vết thương cho những người lính trận trở về.

Bệnh viện lúc ấy có đến hàng trăm thương binh, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách nhưng có chung một nỗi đau. Trong số các thương binh, có một người trông rất hiền lành, chân thật và có cách nói chuyện dí dỏm, thông minh. Anh thương binh ấy có tên là Nguyễn Đình Đệ (SN 1951), quê ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn), nhập ngũ từ năm 1970, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào và Cam-pu-chia, trong người vẫn còn nhiều mảnh đạn... Chuyện trò qua lại, sự săn sóc ân cần và mối đồng cảm đã đưa hai người đến gần nhau hơn. Sau những năm trận mạc, người lính giờ đây đang mơ về một ngôi nhà hạnh phúc, một không gian yên bình ngập tràn tiếng cười trẻ thơ. Còn trái tim nữ quân nhân trẻ thực sự rung động trước vẻ phong trần của người lính chiến, muốn được bù đắp cho anh những khao khát cháy bỏng của những năm tháng chiến trường.

Sau đợt điều trị, người lính trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ, nữ y tá ở lại với công việc hằng ngày là chăm sóc, cứu chữa thương binh. Mỗi người một nơi, khoảng cách khi gần, khi xa nhưng luôn hướng về nhau, gửi gắm nỗi niềm qua những cánh thư. Để rồi, gần 7 năm sau, hai người quyết định chung tay xây dựng mái ấm. Đám cưới được tổ chức vào một ngày đầu Xuân năm 1984 trong niềm hân hoan của hai họ và bè bạn gần xa. Mấy tháng sau, bà Năm mang thai, hay tin ông Đệ reo lên như bắt được vàng và dành đường sữa gửi về chăm vợ. Cả hai đều hồi hộp, lo âu và hy vọng chờ đến ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Nhưng rồi, khi còn chừng một vài tháng đến kỳ “vượt cạn”, thấy trong người có dấu hiệu khác lạ, bà Năm đến bệnh viện, rồi đau đớn đến tột cùng khi nhận được tin thai nhi đã bị lưu. Người phụ nữ ấy thấy xung quanh bỗng tối sầm, cảm giác như đang lạc vào địa ngục và bà đã ngã gục.

Những lần mang thai tiếp theo, dù đã cẩn thận giữ gìn, nhưng cứ đến chặng cuối thai nhi lại bị lưu. Bà Năm thêm những lần suy sụp, thêm bao nỗi hoang mang và cả những gắng gượng. Bởi, nỗi khát khao về thiên chức làm mẹ không cho phép gục ngã, nó luôn thôi thúc người phụ nữ bất hạnh gượng lên đương đầu với sự khắc nghiệt của số phận. Lần mang thai vào năm 1987, bà Năm gần như không mấy khi rời khỏi nhà, không làm công việc nặng nhọc để giữ bằng được thai nhi. Và rồi, niềm vui vỡ òa khi một bé gái cất tiếng khóc chào đời, gia đình đặt tên cho bé là Nguyễn Thị Dung. Ai cũng mừng cho vợ chồng ông Đệ, sau bao bất hạnh, thử thách khắc nghiệt cuối cùng đã được trời ban cho nguồn vui.

Nhưng rồi, “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không bao lâu sau người bố, người mẹ đau đớn nhận thấy con gái mình không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Vóc dáng dị thường, vận động khó khăn, trí não kém phát triển, không cảm nhận được tình yêu thương của các bậc sinh thành. Thêm một lần nữa, bà Năm chỉ biết khóc than cho số phận hẩm hiu, bất hạnh và quá đỗi nghiệt ngã của mình. Còn ông Đệ, từ trước đã ngờ ngợ, nay có thể đoán chắc mình đã gánh chịu hậu quả chiến tranh, của sự tàn bạo và mất nhân tính. Bởi có những lần hành quân, ông đi qua những cánh rừng trụi lá và vắng lặng đến rợn người, quang cảnh gợi lên sự hoang tàn, chết chóc...

Cuộc sống đồng nghĩa với niềm hy vọng, dù đã trải qua những đớn đau, thất vọng nhưng vợ chồng ông Đệ vẫn ước mong có được đứa con lành lặn. Và số phận đã mỉm cười với đôi vợ chồng từng gặp bao nỗi bất hạnh khi bà Năm sinh hai cậu con trai là Nguyễn Văn Sơn (1990) và Nguyễn Văn Thọ (1993) đều kháu khỉnh. Từ đây, gia đình có 5 thành viên, riêng Nguyễn Thị Dung (con gái đầu) bị tật bẩm sinh, mọi sinh hoạt và vận động đều phải có sự trợ giúp của bố mẹ. Biết rằng không thể có niềm hạnh phúc vẹn tròn, vợ chồng ông Đệ bằng lòng với những gì đang có.

Năm 2007, vết thương cũ tái phát, ông Đệ không qua khỏi, để lại gánh nặng gia đình và 3 đứa con thơ cho người vợ. Ông Đệ được công nhận liệt sỹ, bà Năm và các con được Nhà nước và các đoàn thể quan tâm nên nỗi đau phần nào được xoa dịu.

Bà Tòng Thị Phóng (Trưởng ban Dân vận Trung ương) và ông Nguyễn Thế Trung (Bí thư Tỉnh ủy) thăm hỏi gia đình bà Năm (ảnh nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, Bà Tòng Thị Phóng (nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương) và ông Nguyễn Thế Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) đã từng về thăm hỏi, động viên gia đình. Bà Năm chỉ mong rằng sóng gió cuộc đời sẽ lặng để nuôi nấng các con trưởng thành. Nào ngờ, cách đây hơn 5 năm, cậu con trai Nguyễn Văn Sơn chẳng may qua đời do tai nạn giao thông, khiến trái tim người mẹ như thắt lại. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, ít lâu sau, Nguyễn Thị Dung - con gái tật nguyền cũng qua đời, căn nhà càng thêm trống trải. Giờ đây, chỉ còn một niềm hy vọng cuối cùng – cậu con trai út Nguyễn Văn Thọ...

Bà Nguyễn Thị Năm chăm sóc đàn gà để có thêm thu nhập

Tiễn chúng tôi ra về, bà Năm lại tập tễnh bước ra vườn chăm đàn gà, vun mấy gốc cây ăn quả. Cõi lòng bà đang vô cùng trống trải, trái tim quặn thắt nỗi đau, tất cả đều có nguyên nhân từ một cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam./.

Bài, ảnh: Công Kiên

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...