• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bước tiến đáng kể trong quan hệ Việt-Mỹ đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học

Ngày 12/7 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương, sự phối hợp giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Đó là kết quả của một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để xây dựng một quan hệ tốt đẹp hơn. Chúng tôi xin điểm lại một số mốc chính của quá trình đó:

- 12/7/1995, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- 8/4/1997, lần đầu tiên Việt Nam chính thức yêu cầu Mỹ phối hợp với Việt Nam giải quyết hậu quả CĐHH. Tại buổi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ở TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Cùng với vấn đề POW/MIA, Việt Nam hy vọng hai nước sẽ hợp tác với nhau giải quyết hậu quả nặng nề của chất độc da cam”.

- Tháng 3/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam nhiều hơn trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất da cam.

- Tháng 6/2000, Đại sứ Mỹ Pete Peterson nghe Công ty Hatfield, Canada trình bày khảo sát do Quỹ Ford tài trợ về tồn dư chất độc dioxin trong môi trường của Việt Nam. Hatfield cho biết, dioxin còn tồn dư nhiều ở các điểm nóng và sức khỏe của người dân sống xung quanh các khu vực đó vẫn bị ảnh hưởng.

- 17/11/2000, Tổng thống Mỹ B.Clinton thăm Việt Nam, tuyên bố cho phép các nhà khoa học và các cơ quan của Chính phủ Mỹ phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu về tác động của chất độc da cam.

- 27/11-01/12/2000, các nhà khoa học Việt-Mỹ họp tại Singapore bàn về phối hợp nghiên cứu tác động của CĐHH đối với sức khỏe con người và môi trường. Phía Mỹ cho rằng cần phải có thêm bằng chứng về tác động của chất độc da cam đối với sức khỏe con người.

- 4/7/2001, Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận chính thức đầu tiên về phối hợp nghiên cứu tác động của chất độc da cam.

- 3-6/3/2002, Hội nghị khoa học Việt - Mỹ về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với sức khoẻ con người và môi trường, 96 báo cáo khoa học đã được trình bày tại Hội nghị (59 báo cáo của khách quốc tế, 37 báo cáo của Việt Nam) xoay quanh chủ đề: Tác hại của chất da cam/dioxin đối với sức khoẻ sinh sản, tác động gây ung thư; phương pháp đánh giá tác động của chất da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái, sự tồn lưu của chất da cam/dioxin trong môi trường, những biện pháp can thiệp làm sạch và phục hồi môi trường sinh thái.

- 10/3/2002, thành lập Ủy ban hỗn hợp Tư vấn (Joint Advisory Committee - JAC) để giám sát việc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu về chất độc da cam ở Việt Nam.

- Tháng 5/2003, Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ ((NIEHS) thỏa thuận với Bộ Y tế Việt Nam thực hiện dự án phân tích dioxin trong cơ thể 300 phụ nữ có con bị dị tật trên cơ sở so sánh với 300 phụ nữ khác có con phát triển bình thường. Dự kiến dự án được thực hiện trong 3 năm, kinh phí mỗi năm là 1 triệu USD. Tuy nhiên dự án không được thực hiện và ngày 6/4/2005 phía Mỹ đã đơn phương hủy bỏ.

- 30/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA - ra đời ngày 10/1/2004) đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ. Ngày 10/3/2005, Jack Weinstein, Chánh án Tòa án liên bang ở Brooklyn, New York bác đơn kiện của VAVA với lý do chất độc da cam không được xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ sử dụng các hóa chất này. Ngày 8/4/2005, VAVA đệ đơn kiện lên Tòa Phúc thẩm. Ngày 22/2/2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York bác đơn kiện của VAVA. Ngày 6/10/2008, VAVA tiếp tục nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ. Ngày 2/3/2009, Tòa án tối cao Mỹ bác đơn của VAVA.

- 5-6/6/2006, JAC (thành lập từ 2002) họp phiên đầu tiên. Phía Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác giữa hai bên về làm sạch môi trường, chăm sóc NNCĐDC và nghiên cứu khoa học… Phiên họp lần thứ tư (8-10/9/2009), hai bên nhất trí tập trung ưu tiên tẩy độc môi trường ở Đà Nẵng - một trong 3 điểm nóng về độ tồn dư dioxin (cùng Biên Hòa và Phù Cát).

- 17/11/2006, Tổng thống Mỹ G. Bush khẳng định Hoa Kỳ và Việt Nam nhất trí việc hai bên cùng nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nước.

- Tháng 2/2007, thành lập Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam. Cuối năm 2017, Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam kết thúc hoạt động.

- Tháng 5/2007, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật PL 110-28 cho phép Chính phủ chi 3 triệu USD để tham gia khắc phục những điểm ô nhiễm dioxin tại Việt Nam và hỗ trợ y tế cho những người sống ở gần các khu vực bị ô nhiễm dioxin. Đây là khoản tiền chính thức hằng năm đầu tiên Chính phủ Mỹ được Quốc hội phê duyệt để tham gia khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam.

- 21/11-5/12/2010, Đoàn lãnh đạo VAVA do Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Rinh dẫn đầu đi thăm Mỹ, gặp một số nghị sĩ và quan chức Mỹ, trong đó có quan chức Vụ Đông Nam Á lục địa, để vận động, yêu cầu chính phủ Mỹ tăng cường phối hợp với Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- 9/8/, Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” 2012, chính thức được khởi công.

- 25/7/2013, Tổng thống Obama tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho “người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào” ở Việt Nam. Hai bên “bày tỏ sự hài lòng đối với những tiến triển của dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

- Tháng 6/2014, Cơ quan USAID tại Việt Nam mời các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế nộp hồ sơ thầu các dự án hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh). Tổng ngân sách dành cho các dự án này trong 5 năm (2016-2020) trên 20 triệu USD.

- 8-20/12/2015, Đoàn lãnh đạo VAVA do Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh dẫn đầu đi thăm Mỹ, gặp một số thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ và quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan USAID để vận động, yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường phối hợp với Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH.

- 22/2/2016, Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh làm việc với ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam, đề nghị USAID phối hợp với VAVA thực hiện chương trình hỗ trợ NNCĐDC Việt Nam.

- 3/5/2016, Tuyên bố chung Trần Đại Quang - Obama: Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của Hoa Kỳ trong việc hoàn tất thành công giai đoạn I và việc triển khai giai đoạn cuối chương trình tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để có đóng góp quan trọng nhằm tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

- 13/9/2016, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đến thăm và tặng quà cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam và gặp gỡ các CCB- NNCĐDC đang điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị (Vân Canh, Hà Nội).

- 31/10/2017, Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh làm việc với ông Michael Green, Giám đốc USAID Việt Nam. Ông Michael Green giới thiệu các dự án (Chương trình 5 năm 2016-2020) và các nhà thầu đang thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam.

- 12/11/2017, Tuyên bố chung Trần Đại Quang - Donald Trump đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ đối với việc tẩy độc thành công sân bay Đà Nẵng và hoan nghênh việc Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc sân bay Biên Hòa

- 11/5/2018, USAID ký Thỏa thuận với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam khoản đóng góp kinh phí dự kiến 183 triệu USD để xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu. Tổng chi phí cho toàn bộ quá trình xử lý dự kiến là 390 triệu USD.

- 7/11/2018, bàn giao 13,7 ha đất sạch đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Đây là phần đất bàn giao đợt ba và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao.

- 20/4/2019, Lễ Khởi động dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa và ký “Bản Ghi nhận ý định giữa Văn phòng 701 và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ về hỗ trợ những người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh ưu tiên (các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam)”. Tại đây, Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink nói: “… nếu chúng ta phối hợp với nhau làm việc tích cực, chúng ta sẽ mang lại sự thay đổi cho cuộc sống của người khuyết tật ở Việt Nam”.

- 5/12/2019, Lễ Khởi công Dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa và Ký Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại bản hạn chế Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh ưu tiên”.

- Tháng 12/2019, USAID Việt Nam công bố mời thầu thực hiện các dự án giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự tính là 65 triệu USD hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam ở 8 tỉnh “ưu tiên” là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.

- 9/1/2020, ông Christopher Abrams, Giám đốc chương trình Môi trường và Phát triển xã hội của USAID Việt Nam đến làm việc với VAVA về việc chuẩn bị triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ NNCĐDC giai đoạn 2021-2025./.

Phạm Trương

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...