• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Cần thay đổi một quan niệm đối với NNCĐDC

Ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa cho rằng, lâu nay chúng ta thực hiện chế độ chính sách đối với các nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc da cam, theo quan niệm là chế độ trợ cấp và còn rất khó đáp ứng nhu cầu thiết yếu tối thiểu đối với đối tượng này.

Ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn PV ĐTDCVN

Phóng viên Tạp chí Điện tử da cam Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những trăn trở của mình rút ra từ hơn 15 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin của tỉnh Thanh Hóa

Ông Dương Đình Khải: Thanh Hóa hiện có hơn 14.700 NNCĐDC, trong đó hơn 8.500 nạn nhân trực tiếp, còn lại là nạn nhân gián tiếp. Nói cách khác, các nạn nhân gián tiếp là con cháu của các nạn nhân trực tiếp và phần lớn đây là những đối tượng không tự kiểm soát được hành vi bản thân, thiểu năng trí tuệ, nhiều người nằm liệt giường cần phải có người phục vụ chăm sóc.

Một thực tế, hiện nay các nạn nhân trực tiếp đều độ tuổi từ 70 đến 80 tuổi nhưng ở gia đình thì họ lại là lao động chính và là người phục vụ con cháu của họ là các nạn nhân gián tiếp. Có nhà một cụ già phục vụ 2 người, có nhà phục vụ 4 đến 5 người, đều là thiểu năng trí tuệ hoặc sinh hoạt thụ động tại chỗ. Tâm tư của các nạn nhân trực tiếp cho rằng, lỡ khi họ nhắm mắt xuôi tay thì ai chăm con mình.

Trước thực trạng này, năm 2007, tỉnh Thanh hóa đã đầu tư 36 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng người có công, trong đó có khoa dành riêng cho NNCĐDC.

Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc hóa học tỉnh Thanh Hóa thu dung 102 đối tượng để chăm sóc tập trung. Cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, Thanh Hóa vẫn có mô hình chăm sóc tại gia đình, tuy nhiên gia đình sẽ rất khó khăn vì người chăm đều là người ốm yếu, già cả, vì thế, Thanh Hóa rất quan tâm chăm sóc tại trung tâm. Một thực tế, chưa nơi nào làm được như Thanh Hóa là được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và giao cho ngành Lao động Thương binh xã hội chịu trách nhiệm trực tiếp, phối hợp Hội NNCĐDC chăm sóc riêng đối tượng nhiễm chất độc da cam.

Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho đối tượng là NNCĐDC tỉnh Thanh hóa đóng tại xã Quảng Thọ, đường đi Sầm Sơn; hiện có hơn 100 cán bộ nhân viên được nhà nước trả lương; có đầy đủ cơ sở vật chất, khuôn viên rộng chia làm hai khu riêng biệt gồm khu dành riêng cho 102 nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc hóa học và khu dành riêng chăm sóc 100 thương binh nặng. Đối với nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, Trung tâm nuôi dưỡng luân phiên phục hồi chức năng cho họ, để họ có thể tự chủ được sinh hoạt thì cho về nhà để nhận người khác vào.

Nhân viên Khoa chăm sóc người bị nhiễm chất độc hóa học thuộc Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc hóa học tỉnh Thanh Hóa trao đổi nghiệp vụ

PV Có được trung tâm bề thế như vậy thì Thanh Hóa rút ra được những bài học gì, thưa ông?

Ông Dương Đình Khải:

Như tôi đã nói, hiện Thanh hóa đã tiếp nhận 102 đối tượng là nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc hóa học hay còn gọi nạn nhân da cam gián tiếp và 100 thương binh nặng. Qua thực tế, tôi kiến nghị nhà nước nên thành lập các trung tâm để đối tượng trực tiếp yên tâm nếu không may họ ra đi. Cũng không hiểu vì sao nhà nước mình chưa xây dựng những trung tâm nuôi dưỡng đối tượng gián tiếp là con cháu họ như mô hình của Thanh Hóa. Đã có một vài tỉnh đã xây nhưng không duy trì được vì nuôi dưỡng đối tượng này bên cạnh có tiền thì cần có chữ đức và chữ tâm. Bên cạnh đó cần phải thay đổi cả nhận thức về quan niệm với đối tượng này. Tôi phân tích như sau: bản thân NNCĐDC gián tiếp có 2 mức hưởng: Từ năm 2005 đến nay, mức 2 hưởng 850.000 đồng và mức 1 hưởng 1.400.000 đồng/tháth; đã có các cuộc biến đổi giá cả thị trường, nhưng nay không hề tăng chế độ thụ hưởng cho họ vì chúng ta vẫn quan niệm đó là chế độ trợ cấp. Bên cạnh đó trợ cấp còn bị cộng vào thu nhập gia đình nên khi cộng vào thì bản thân họ không phải hộ nghèo, nhưng thực chất họ là đối tượng không có nhà, mà khi chia bình quân ra họ lại không phải người nghèo.

Vì thế tôi kiến nghị nên nâng mức trợ cấp cho họ, để giúp đối tượng này phần nào đáp ứng chi tiêu thuốc thang và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó cần thay đổi quan niệm chế độ nuôi dưỡng đối với họ không phải là “Trợ cấp hỗ trợ”, mà là “Đền ơn đáp nghĩa” đối với cha ông họ (tức trả công); là trả công cho người có công với cách mạng chứ không phải là ban ơn, trợ cấp xã hội. Từ lâu đến giờ hai khái niệm này lẫn lộn, nên họ gặp rất nhiều khó khăn mà phải tiếp xúc trực tiếp với họ mới nhận thấy điều đó.

Vừa rồi Thanh Hóa có 650 trường hợp bị dừng trợ cấp do không đủ hồ sơ thủ tục, có những cháu bị tật cơ thể nhẹ nhàng, có thể đi làm được nên bị cắt trợ cấp.

PV: Vâng, xin cám ơn ông Dương Đình Khải Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa đã trả lời cuộc phỏng vấn của PV Điện tử da cam Việt Nam.

Quốc Khánh thực hiện

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...