• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuyện của thương binh nặng - nạn nhân Cao Thanh Hải

Trong bối cảnh gia đình gặp tai ương do cơn bão số 10 năm 1982 làm cho ngôi nhà ở phố sập đổ hoàn toàn, ông bà được người em đang công tác ở huyện miền núi Quế Phong đón lên định cư. Biết bao khó khăn vất vả và thiếu thốn, nhưng đó lại là may mắn để ông bà có điều kiện chăm sóc đứa con tật nguyền bởi di chứng chất độc da cam/dioxin.

Năm 1982, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vẫn còn là vùng đất heo hút của miền Tây xứ Nghệ. Chỉ bước ra khỏi Quốc lộ 48 chừng dăm mét đã gặp những triền rẫy hoang, cỏ lau um tùm, cây cối lúp xúp, xác xơ.

Chuyện của thương binh nặng - nạn nhân Cao Thanh Hải

Lên với xứ núi, mang theo thương tật từ chiến trường, gia đình thương binh Cao Thanh Hải gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Dựng được ngôi nhà tạm, vợ chồng chắt chiu tăng gia tự cấp tự túc. Cũng may, nhận được khoảnh đất rộng, có vườn, ao, cộng sự chăm chỉ đùm bọc yêu thương của xóm giềng, hai ông bà dần ổn định cuộc sống, rồi tiếp tục sinh con đẻ cái. “Cả 5 lần sinh nở, vợ chồng tôi chỉ được 3 người con lành lặn, còn 2 đứa con trai bị dị tật bẩm sinh bởi di chứng chất độc da cam/dioxin. Đứa trai sinh năm 1977 ăn nằm một chỗ, nuôi đến 12 tuổi thì mất; đứa trai thứ 5 sinh năm 1987, khi nó 16 tuổi thì phát bệnh rồi cũng chỉ ăn nằm một chỗ. Có hôm nó bị chướng bụng không đi ngoài được, tôi phải gọi bác sĩ về cấp cứu, hút trong bụng nó ra một chậu nước. Lần ấy tôi tưởng nó đi…”. Ông Cao Thanh Hải vừa kể, vừa lau nước mắt.

Bây giờ ông bà chăm nuôi nó đã 35 năm rồi, hai ông bà năm nay đã 73 tuổi nhưng chưa ngày nào được nghỉ ngơi. Lúc ông đi làm thì bà trực, khi ông ở nhà thì ông trực. Không được phép lơ là một giây phút vì khi nó tiểu tiện hay đại tiện là mình phải chủ động cho nó, chứ không thì nó đi ra giường. Hai người già chăm một thanh niên nằm liệt giường, thật cơ cực, nhất là những khi cần đỡ nó lên, nó nặng lắm, không ai bế nổi. Những lúc nó lên cơn là la hét, có lần bác sĩ đến muốn chuyền hút dịch trong người nó phải gọi nhờ hàng xóm đến đè, giữ chân tay, chứ hai ông bà không thể làm gì được. Cũng may mà hàng xóm láng giềng quê núi rất tình cảm, thân thiện, có chuyện gì thì cả xóm xúm lại chung tay.

Trước khi ghé nhà thương binh Cao Thanh Hải, ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, ông mới lên nhậm chức chủ tịch huyện biên giới này chưa đầy hai năm, cũng là hai năm chủ yếu tập trung cho công tác chống dịch Covid-19 và đảm bảo an ninh biên giới, phát triển kinh tế xã hội, nhưng không lơ là công tác chăm sóc người có công. Trên địa bàn huyện Quế Phong có 60 NNCĐDC, trong đó 34 nạn nhân trực tiếp và 26 nạn nhân gián tiếp. Nếu so cả tỉnh Nghệ An thì số nạn nhân có ít hơn, nhưng đó cũng là chừng ấy phận người với biết bao đau khổ, mất mát. Quế Phong còn là huyện nghèo, mong muốn các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ NNCĐDC.

Thương binh, NNCĐDC Cao Thanh Hải cho biết, lên định cư ở thị trấn Kim Sơn, huyện miền núi Quế Phong là một may mắn trong đời ông. Ông Hải chia sẻ: “Các thế hệ lãnh đạo huyện Quế Phong đều rất quan tâm chăm sóc gia đình người có công với cách mạng. Khi xuất ngũ, tôi vừa là thương binh nặng lại nhiễm chất độc da cam nên rất hoang mang. Nhưng lên đây rồi, sống trong tình cảm đùm bọc yêu thương chở che của hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn nhiều đồng đội. Trong người tôi tuy còn nhiều mảnh đạn không thể gắp ra được, nhưng nhiều đồng đội tôi có người trở về không lành lặn, kẻ mất tay, người cụt chân; nhiều người nằm lại Thành cổ Quảng Trị, không bao giờ về nữa... Giờ đây tôi không lo cho bản thân bằng lo cho thằng con trai 35 tuổi này. Nó mất trí, không làm chủ được hành vi, không được làm người bình thường. Mỗi ngày vợ chồng già phải dành dụm 50.000đ tiền thuốc cho nó, mà chủ yếu mua thuốc ngoài, nó nhiều bệnh lắm…”.

Chuyện của thương binh nặng - nạn nhân Cao Thanh Hải

Cảm thông với hoàn cảnh gia đình ông, ngành Y tế huyện Quế Phong đã tạo điều kiện cấp thuốc bảo hiểm tận nhà cho gia đình để chia sẻ nỗi vất vả với NNCĐDC. Bởi nếu chở con lên bệnh viện, ông sẽ tốn tiền thuê xe, thì cứ lấy tiền đó mua thuốc còn chắt chiu được thêm chút ít. Ấy là khi trái gió trở trời, bản thân ông cũng đau ốm suốt. Ở tuổi 73 không còn biết làm nghề gì hơn, nên ông chọn nghề tắm rửa thi hài. Có ai chết, dù là chết bệnh tật hay tai nạn, ai gọi điện là ông có mặt, không kể ngày đêm, giờ giấc. Có nhiều vụ tai nạn, xác tơi mềm mà ông vẫn cần mẫn rửa ráy, khâm liệm cho họ chu đáo. Rồi có trường hợp người nhà không dám đụng vì bệnh lây nhiễm, ông vẫn làm đủ mọi thủ tục chu tất... miễn là sau khi xong việc, nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người trả công cho ông ít tiền để mua thuốc chữa bệnh cho con.

Công việc ít người làm, không ai dám làm của thương binh Cao Thanh Hải đã lan tỏa trong cộng đồng, được mọi người dân thị trấn Quế Phong biết đến và ai cũng trân quý nghĩa cử của ông. Ông bảo, may trời có mắt, cho tôi thêm chút thu nhập để nuôi con. Con mình đẻ ra, xót lắm, không nỡ nào bỏ rơi. Đêm nào vợ chồng tôi cũng phải để điện sáng để canh chừng. Hơn 40 năm qua, chưa đêm nào vợ chồng tôi trọn giấc, kể cả chăm người anh nó sinh năm 1977 khi được 12 tuổi thì mất...

Trong dịp vinh dự được tham gia Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An dự cuộc gặp mặt tại Văn phòng Chính phủ, ông Cao Thanh Hải đã đề xuất với Đảng và Chính phủ quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt là người có công là thương binh - NNCĐDC nhiều hơn nữa. Bởi họ đã phải nỗ lực tự vượt lên chính mình, nhưng đời sống vật chất và tinh thần của họ còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhất là khi tuổi đã “gần đất xa trời”, sức yếu, bệnh trọng vẫn đang phải chăm nuôi những đứa con tật nguyền; trong khi đó, chế độ cho người chăm sóc NNCĐDC nặng vẫn quá thấp, nhỡ khi bố mẹ qua đời thì ai sẽ chăm sóc chúng...

Nỗi niềm của ông Cao Thanh Hải - cũng chính là day dứt của nhiều NNCĐDC và gia đình họ, mong sao được các cấp, các ngành và toàn xã hội dành sự quan tâm, chia sẻ, để cùng “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”./.

Quốc Khánh, Uyên Nhi

Văn phòng đại diện Tạp chí Da cam Việt Nam khu vực Bắc miền Trung

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác