• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

“Còn sức là còn lao động”

Đã ngoài 70 tuổi, là nạn nhân chất độc da cam, nhưng đã thành thông lệ, cứ 6 giờ sáng hằng ngày, ông Lê Xuân Khương ở xã Cát Tân (Như Xuân, Thanh Hóa) lại cùng vợ hành trang lên đồi, bắt đầu cho một ngày làm việc miệt mài với hàng chục héc-ta chè, keo, cao su...

Vượt lên nỗi đau da cam, ông Lê Xuân Khương miệt mài lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình, xã hội.

Vượt lên nỗi đau da cam

Đất nước chiến tranh, dù chưa đến tuổi phải cầm súng ra mặt trận, nhưng nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ và Tổ quốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ... Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tháng 3-1967 ông Lê Xuân Khương đã viết đơn tình nguyện bằng máu xin được vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Ông được đào tạo đặc biệt tại binh chủng đặc công ở Thạch Thất (Hà Tây), sau đó biên chế về Sư đoàn 304, một sư đoàn cơ động mạnh nhất lúc bấy giờ của quân đội Nhân dân Việt Nam và được đưa vào tuyến lửa mặt trận Đường 9 Khe Sanh nổ tiếng súng đồng khởi cho cả miền Nam nổi dậy vào mùa xuân năm 1968. Vào chiến trường mặt trận Khe Sanh, toàn đơn vị được rèn luyện, phổ biến về hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra chia cắt 2 miền Bắc – Nam và đơn vị sẽ phải đương đầu với đối phương rất mạnh, trang bị hùng hậu về lực lượng và vũ khí. Với ý chí, truyền thống chiến đấu bất khuất, hào hùng của quân đội Nhân dân Việt Nam, ông cùng đồng đội của Sư đoàn 304 đã đột phá đánh chiếm và giải phóng căn cứ Ngụy Lào. Sau đó mở đường giải phóng căn cứ Lao Bảo, giải phóng căn cứ Làng Vây. Lúc này, Mỹ tái chiếm Làng Vây đã sử dụng bom napan, phun rải chất độc hóa học hòng hủy diệt sức chiến đấu của quân giải phóng. Nhiều đồng chí đã hy sinh tại chỗ, bản thân ông bị nhiễm chất độc hóa học.

Một thời trận mạc, ông không nghĩ mình bị nhiễm chất độc mà vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đơn vị ông vinh dự được tham gia thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phan Thiết, Bình Tuy và cuối cùng là giải phóng miền Nam năm 1975. Khi đất nước thống nhất, ông được điều động và đào tạo tại Cục Bảo vệ an ninh quân đội Nhân dân Việt Nam và chuyển sang công tác tại Cục Tình báo quân đội. Sau nhiều năm phục vụ trong ngành, thấy sức khỏe yếu dần và qua khám, điều trị, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Tuy đã điều trị qua nhiều bệnh viện của quân đội nhưng không khỏi nên ông đã làm đơn đề nghị được phục viên.

Sau một thời gian dài điều trị tại quê nhà để phục hồi chức năng, đến năm 1986 ông mới xây dựng gia đình và lập nghiệp tại xã Cát Vân (Như Xuân). Lần lượt 6 người con ra đời thì có đến 3 người bị di chứng chất độc da cam, mang trong mình căn bệnh quái ác, trong đó có một người con trai đã mất. Người con gái thứ 2 là Lê Thị Phúc sinh ra khỏe mạnh, là niềm hy vọng lớn nhất của hai vợ chồng. Nhưng lên tuổi 12, cháu có biểu hiện của bệnh khớp. Đến khi theo học tại Trường Dân tộc nội trú văn hóa hữu nghị T78 thì bệnh khớp phát nặng, xương thoái hóa, liệt toàn thân, chân tay teo tóp. Cánh cửa tương lai đang rộng mở gần như khép lại. Từ đó, suốt 27 tháng ròng đưa con đi chữa trị tại bệnh viện, gia đình ông phải bán cả bầy trâu 18 con, bầy dê trên 100 con, rồi bán cả nhà cửa, vay mượn thêm từ anh em, bạn bè để chữa bệnh cho con. Lúc này cuộc sống vốn đã khốn khó lại càng trắc trở hơn.

Nỗi đau da cam chưa dừng lại, khi con gái đầu của ông đi lấy chồng, sinh đứa cháu ngoại đầu tiên đã phải mang trong mình bệnh máu trắng.

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm cộng với bệnh tật do ảnh hưởng chất độc hóa học cùng các vết thương trên cơ thể thường xuyên hành hạ, sức khỏe của ông cũng yếu đi. Song với bản lĩnh, nghị lực của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh.

Quyết không đầu hàng số phận

Nói về ông Lê Xuân Khương, nhiều người bày tỏ rõ sự cảm mến, kính phục nghị lực phi thường của ông bởi những nỗ lực vươn lên không cam chịu đầu hàng số phận, đói nghèo. Sau nhiều năm lăn lộn với núi đồi khai hoang phục hóa để trồng sắn, ngô, lúa, chè, rồi đào ao nuôi cá. Đến năm 1998, thực hiện dự án trồng cà phê, dứa, ông dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm đầu tư trồng hơn 6 ha cà phê và dứa. Tuy nhiên, do cây cà phê không phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, giá thu mua lại thấp nên dự án cà phê, dứa bị phá sản. Bao vốn liếng, công sức đều đổ sông, đổ biển. Thất bại sau trồng dứa, cà phê không làm ông nao núng. Một lần nữa ông tiếp tục vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách bằng việc mạnh dạn vay vốn ngân hàng và thành lập trang trại vào năm 2004, trên diện tích 10 ha vườn, ao, chuồng, rừng. Vườn đồi ông trồng keo, cao su, tre luồng, ao thì thả cá, kết hợp xen canh cây sắn và chăn nuôi trâu, lợn, gà. Đây cũng là mô hình trang trại đầu tiên của xã và của huyện Như Xuân.

Đất đã không phụ công người, trong 3 năm (từ 2011 đến 2013) gia đình ông thu hoạch được 350 tấn keo tươi với số tiền trên 380 triệu đồng, luồng cho thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/năm, cá từ 10 đến 15 triệu đồng; lúa thu hoạch từ 3 đến 7 tấn; gia súc, gia cầm từ 40 đến 50 triệu đồng. Trong đó giống lợn cỏ lai lợn lòi cho thu nhập đều đặn mỗi năm trên 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn cải tạo vườn tạp, thay thế trồng các loại cây công nghiệp lâu dài như cao su, keo xen canh sắn. Năm 2021 do điều kiện, nhu cầu phát triển kinh tế của huyện nhà, theo đề án của huyện Như Xuân, ông mở rộng diện tích trồng thêm 2 ha chè. Hiện tại, gia đình ông có 7 ha cao su đang vào mùa thu hoạch, 2 ha tre luồng đã có thu hoạch, gần 2 ha ao hồ, trên 1 mẫu đất 2 vụ lúa, với mức thu nhập ổn định hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên, tạo việc làm thời vụ cho 10 đến 15 lao động địa phương.

Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu và những đóng góp của ông, ông đã vinh dự 6 lần được tiến cử đi dự Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp tỉnh, được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2016, ông được tín cử là cá nhân tiêu biểu duy nhất của tỉnh Thanh Hóa đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ 3 tại Hà Nội và được Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Ngoài ra ông có 6 lần được huyện Như Xuân tặng giấy khen là người tiêu biểu trong các phong trào làm kinh tế giỏi tại địa phương, là tấm gương tiêu biểu học và làm theo Bác. Vinh dự đó càng tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để ông cùng các thành viên trong gia đình nỗ lực cố gắng hơn trong lao động, sản xuất. “Để xứng danh người lính Bộ đội Cụ Hồ, tôi nguyện suốt đời học và làm theo gương Bác bằng cách còn sức là còn lao động. Phải tự lo cho mình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Khương chia sẻ.

Nguồn: Website Hồ Chí Minh/Không có gì quí hơn độc lập tự do

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội huyện Thủ Thừa: Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, người mù và người mắc bệnh lan y

    Hội huyện Thủ Thừa: Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, người mù và người mắc bệnh lan y

    Sáng 22/4/2024, tại đình Vĩnh Phong, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ d ioxin huyện Thủ Thừa cùng chùa Vĩnh Phong tổ chức trao tặng 100 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam, người mù và người mắc bệnh nan y, cư trú ở 7 xã: Bình Thạnh, Bình An, Mỹ Thạnh, Mỹ An, Tân Thành, Mỹ Phú, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa. ...