Trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Thủy cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai đã vận động trên 7 tỷ đồng để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.
Ông còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế như hỗ trợ bò, xây nhà tình nghĩa và kêu gọi hỗ trợ xe lăn… để hỗ trợ những gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam, giúp họ có thể vươn lên trong cuộc sống.
Người cựu chiến binh cùng nỗi đau của chiến tranh
Năm 1972, ông Nguyễn Xuân Thủy (66 tuổi, trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ.
Đầu năm 1973, ông theo đơn vị hành quân vào huyện Lộc Ninh (thuộc tỉnh Bình Phước hiện nay), Bình Thuận để tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 130 Pháo binh.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Việt Nam - Campuchia, năm 1982, ông về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê và giữ chức Chỉ huy trưởng. Đây cũng là thời gian Tây Nguyên bước vào những cuộc chiến chống lại tổ chức phản động Fulro.
Trải qua biết bao mưa bom, bão đạn, ông Nguyễn Xuân Thủy vẫn là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dũng cảm. Nhưng điều ông không thể ngờ là khi chiến tranh đã đi xa nhưng vết thương của nó vẫn ảnh hưởng đến bản thân ông và thế hệ con, cháu.
Năm 2000, ông về hưu khi là thương binh hạng 4, mất 31% sức lao động. Không những thế, ông còn bị nhiễm chất độc da cam do kẻ thù rải xuống trên chiến trường.
Ông Nguyễn Xuân Thủy lập gia đình và sinh được 3 người con. Nhưng nghiệt ngã thay, cả 3 người con của ông đều bị di chứng của chất độc da cam. Người con đầu của ông bị cận bẩm sinh và ít có di chứng của chất độc da cam.
Hai người con sau của ông là Nguyễn Thị Thảo (SN 1989) và Nguyễn Xuân Thắng (SN 1991) đều bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam, không thể đi học và nói chuyện bình thường như những đứa trẻ khác.
Ông kể: "Đứa con thứ 2 thì có thể tự lo vệ sinh cá nhân và ăn uống được. Nhưng đối với con út, do di chứng nặng nên thường bị động kinh, mỗi lúc sốt cơ thể đều bị co giật và đánh đập bố mẹ. Hơn 30 năm nay, tôi đã đưa 2 con đi chữa trị khắp các bệnh viện trên cả nước. Giờ đây, mỗi tháng phải dành từ 2-3 triệu đồng để mua thuốc cho các con uống".
Và có lẽ, người đau khổ nhất chính là vợ ông, bà Trần Thị Thanh. Bà tâm sự trong nước mắt: "Không chỉ ông nhà tôi phải mang trên mình những vết thương của chiến tranh mà những người con cũng bị di chứng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn động viên nhau để vượt qua nỗi đau ấy".
Lương hưu và khoản trợ cấp của ông Nguyễn Xuân Thủy đều dành vào việc chữa bệnh và mua thuốc cho con. Nhìn 2 đứa con đã ngoài 30 tuổi nhưng suy nghĩ giờ như đứa trẻ mới lớn, ông không khỏi chạnh lòng. Điều trăn trở nhất là sau này ông rời xa thì những đứa con sẽ không nơi nương tựa.
Mang hy vọng đến cho các nạn nhân chất độc da cam
Từ năm 2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê được thành lập, ông Nguyễn Xuân Thủy được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch hội cho đến nay.
Thời điểm Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê mới thành lập, là Hội cơ sở đầu tiên của tỉnh, rất sơ khai, hoạt động không có kinh phí, nhân lực.
"Tôi rất hiểu sự khó khăn, thiếu thốn mà đồng đội hay người thân cùng cảnh ngộ đang phải chịu. Chính vì vậy, tôi quyết tâm rà soát cho hết, không bỏ sót đối tượng. Sau khi thống kê, tôi cũng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ nhằm giảm bớt gánh nặng vật chất, tinh thần cho gia đình có những người bị nhiễm chất độc da cam", ông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Sau khi được UBND huyện Chư Sê cho phép kêu gọi hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để giúp các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, từng ngày, người cựu chiến binh đã nghỉ hưu miệt mài vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Ông cho biết: "Vì Hội còn mới nên trong những năm đầu đều không có kinh phí hoạt động, hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Chính vì vậy, tôi đã cùng với các cựu chiến binh đi vận động, kêu gọi nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn. Tôi mong những sự chia sẻ của cộng đồng có thể vơi đi nỗi đau mà chiến tranh để lại".
Hình ảnh người cựu chiến binh nhiệt huyết đi vận động và những việc làm cụ thể nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam đã gây ấn tượng, sự đồng cảm với nhiều người. Chính vì vậy, nhiều người trên địa bàn tỉnh đều chủ động liên hệ với ông để xin đóng góp cho hội và tình nguyện đi cùng để hỗ trợ giúp các nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Thủy còn đến tận các xã để làm việc nhằm gây dựng các hội ở cơ sở. Nhờ có sự đóng góp không nhỏ của người cựu chiến binh mà hàng nghìn đối tượng nhiễm chất độc da cam được biết tới và được hưởng những chính sách của Nhà nước.
Với sự đóng của mình, ông Nguyễn Xuân Thủy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2015. Đồng thời, ông và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê cũng nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai.
Trong nhiều năm qua, ông cùng các thành viên của Hội đã vận động ủng hộ quỹ trên 7 tỷ đồng. Ngoài việc tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp lễ, tết, Hội còn có nhiều giải pháp hỗ trợ các gia đình có nạn nhân phát triển kinh tế để có sống và chi phí chữa bệnh cho con, cháu của họ.
Cụ thể, mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho 60 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Trong số này, có 20 gia đình đã thoát nghèo bền vững, thu nhập hàng năm từ sản xuất, chăn nuôi 70 - 80 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, ông còn kêu gọi các mạnh thường quân nhận nuôi 60 em là nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 400 ngàn đồng/tháng/cháu. Hỗ trợ xây dựng mới 20 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở, trị giá trên 1 tỷ đồng…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chư Sê còn kết nối với 2 tổ chức ở nước ngoài là Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin (VNED) tại Pháp và tổ chức thiện nguyện GIVE.asia Việt Nam (Singapore) để tạo nguồn hỗ trợ nạn nhân.
Nguồn: Báo Dân Trí
Bình luận