Ở tuổi gần 80, nhưng bệnh binh- nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Hữu Trọng vẫn say xưa với việc nhà, việc Hội. Được biết ông vừa nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đợt 2/9/2023. Ông Trọng sởi lởi kể, tôi vào bộ đội từ tháng 7 năm 1967, sau huấn luyện rồi cùng đơn vị hành quân bộ vào chiến trường Quân khu 5. Sau những trận chiến đấu nảy lửa với quân địch ở Đường 9, Khe Sanh năm 1968, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1976 do sức khỏe yếu, không tiếp tục phục vụ lâu dài trong Quân đội được, tôi xuất ngũ với quân hàm Trung sỹ.
Trở về đời thường, bản thân ông Trọng nghề nghiệp không có, cuộc sống gia đình ở vùng quê nghèo đã khó càng thêm khó. Ông cùng vợ con làm lụng vất vả trong hợp tác xã nhưng đói vẫn hoàn đói. Mãi đến đầu năm 1981, Trung ương ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp, gia đình ông cũng như mọi nhà ở quê hương mới vơi bớt khó khăn; đời sống từ đó khá dần lên. Tiếp đến những năm tháng bước vào công cuộc đổi mới, mở ra nhiều cơ hội sản xuất; ông Trọng đã vận động người vợ của mình đi học lớp kỹ thuật sản xuất mây tre đan do xã tổ chức 4 tháng. Ông Trọng ở nhà vừa vật lộn với đồng ruộng, tối về lại làm học trò của vợ truyền lại kiến thức kỹ thuật sản xuất mây tre đan. Cứ thế ngày qua ngày, ông Trọng đã tiếp thu khá nhanh và thực hành cũng khéo tay, làm thử sản phẩm được mọi người khen đẹp. Khi có thời gian, ông còn đạp xe hàng chục cây số đến tận làng nghề nổi tiếng Phú Bình của huyện Chương Mỹ học thêm kỹ thuật làm mây tre đan. Với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, ông Trọng quyết định cả nhà vừa làm ruộng vừa tận dụng thời gian để sản xuất mây tre đan. Thấy gia đình ông Trọng làm ăn ngày càng khấm khá, lãnh đạo xã và bà con đã giao cho ông đảm nhiệm Đội trưởng đội Sản xuất mây tre đan xuất khẩu của xã. Với cương vị đó, ông Trọng mạnh dạn mở lớp đào tạo nghề cho 200 lao động của xã, đây là nòng cốt để cả xã phát triển nghề này. Bản thân ông Trọng còn dạy cho nhiều lao động ở các xã lân cận. Sau đó các xã này cũng mở rộng làm nghề mây tre đan. Theo đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá giả.
Cùng với đảm nhiệm chức danh Đội trưởng, ông đã phát triển ngành nghề mây tre đan xuất khẩu của gia đình thành Công ty, thu hút hàng chục lao động ở địa phương. Trước nhu cầu của thị trường và kỹ thuật phát triển nghề có sự thay đổi, những năm qua ông đã “chuyển hướng” sản xuất kinh doanh, phát triển thêm gia dụng mỹ phẩm, doanh thu mỗi năm khoảng 24 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước, với 30 lao động có công việc ổn định, mức lương tháng từ 6 đến 30 triệu đồng/1 người.
Từ “hai bàn tay trắng”, CCB Nguyễn Hữu Trọng không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình mình, mà còn góp phần làm đổi thay cuộc sống của nhiều gia đình ở quê hương. Nhiều năm qua, với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Quốc Oai, ông đã cùng các hội viên doanh nhân tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có nhiều đóng góp cho địa phương. Ông Trọng còn ủng hộ các đối tượng người nghèo trong xã mỗi năm 10 triệu đồng, giúp xã làm Đền Thánh Xuân 120 triệu đồng…
Đồng chí Đỗ Duy Luận, Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHHXD Duy Luận, Phụ trách Chi hội Doanh nhân CCB huyện Quốc Oai cho biết, CCB-NNCĐDC Nguyễn Hữu Trọng luôn thể hiện bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” giữa đời thường, rất mẫu mực, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác.
VŨ VIẾT XÔ
Ban Tuyên giáo Hội CCB Hà Nội
Bình luận