Thật cảm động và ngỡ ngàng trước sự quan tâm đặc biệt của USIP dành cho VAVA, mà lẽ ra chủ đề năm nay USIP không tập trung đến vấn đề chất độc da cam/dioxin, nhưng USIP đã quyết định mời Đoàn VAVA tham gia và điều chỉnh lại chương trình trong 2 ngày đối thoại thường niên lần thứ 3.
Nhận thấy đây là cơ hội của Đoàn VAVA để thể hiện vai trò và sứ mệnh của mình với NNCĐDC Việt Nam, VAVA đã cử 3 cán bộ, tất cả thành viên trong đoàn cùng cảm nhận sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu về vấn đề hậu quả chiến tranh, trong đó có tác hại của chất độc da cam/dioxin và cần có những chính sách thiết thực, hiệu quả cho nạn nhân của chiến tranh.
Với hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp (không kể trực tuyến) gồm đại diện của Mỹ, Việt Nam, Lào, Camphuchia như lãnh đạo USIP, Quốc hội Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, VAVA, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam (VMFSA), Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Việt Nam, giới nghiên cứu, các nhóm vận động chính sách, tổ chức phi chính phủ, phóng viên, những người tham gia trực tiếp công việc khắc phục hậu quả chiến tranh...
Đoàn VAVA tại Đối thoại thường niên lần thứ 3, Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm (đầu tiên bên trái) Phó Chủ tịch Thường trực; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (thứ 2 bên phải), Phó Chủ tịch; Đại tá Đỗ Mai Khanh (thứ 2 từ trái sang), Trưởng ban Đối ngoại
Đối thoại năm nay, USIP chủ yếu nhấn mạnh vào vấn đề những bước tiến trong quá trình hòa giải quan hệ hai nước và tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh. Tại khuôn khổ đối thoại còn diễn ra 8 Tọa đàm với các chủ đề: Hợp tác Khu vực của Việt Nam, Lào và Campuchia với Hoa Kỳ; Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam Mất tích trong Chiến tranh (VWAI); Trao đổi và Ngoại giao nhân dân; Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia; Trưng bày về Hợp tác Khắc phục Hậu quả Chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Kết quả trong hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ và khắc phục môi trường; người Mỹ gốc Việt và khắc phục hậu quả chiến tranh; Tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và tội phạm công nghệ cao ở Đông Nam Á.
Trong các phiên đối thoại, những bài tham luận của các diễn giả cũng như câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề người mất tích trong chiến tranh một cách hiệu quả, nhân văn và công bằng. Không chỉ tìm người Mỹ mất tích, mà còn phải tìm cả những chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến và những người lính thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng nên được tìm về. Vấn đề chất độc da cam/dioxin cũng là điểm nhấn khi đề cập đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hòa giải các mối quan hệ hai nước. Các báo cáo tham luận đã nhấn mạnh đến việc tẩy độc tại các điểm nóng ở Việt Nam, khắc phục các vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, vấn đề hỗ trợ những người khuyết tật do hậu quả chiến tranh để lại, đồng thời khuyến nghị các giải pháp để tiến hành các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh một cách thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ phát triển toàn diện phù hợp với mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp. Đặc biệt nghiên cứu những hoạt động đánh giá kết quả trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh có thể được thực hiện cùng với những hoạt động khác trong dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm (thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch Thường trực VAVA phát biểu tại Tọa đàm 4 về chủ đề “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia”
Đoàn VAVA đã có bài tham luận nêu rõ những gì Việt Nam đã làm được trong việc hỗ trợ người khuyết tật, NNCĐDC giảm thiểu khó khăn, hòa nhập cộng đồng: (1) Có chính sách kịp thời hỗ trợ, động viên nạn nhân và gia đình họ. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách chương trình hành động dành cho NNCĐDC; (2) Chủ động, tích cực vận động nguồn lực chăm sóc NNCĐDC. Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VAVA, luôn được lãnh đạo VAVA và các cấp Hội trong cả nước dành sự quan tâm đặc biệt; (3) Thành lập Quỹ NNCĐDC/dioxin; phát triển các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC; (4) Chủ động tìm kiếm và đề xuất các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài để hỗ trợ NNCĐDC khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dạy nghề.... (5) Đề nghị Chính phủ và Quốc hội Mỹ cần có chính sách cụ thể cũng như ngân sách dành riêng hỗ trợ NNCĐDC; mở rộng dự án hòa nhập cho các tỉnh khác của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở 11 tỉnh như hiện nay.
Đoàn VAVA chụp ảnh lưu niệm với ông Tim Rieser, Trợ lý cao cấp về chính sách đối ngoại của nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch điều hành Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy.
Tham luận của Đoàn VAVA được các đại biểu tham dự chăm chú lắng nghe, giúp cho nhiều người hiểu thêm thực trạng đời sống và những bất hạnh mà NNCĐDC tại Việt Nam đang phải chịu đựng, cũng như sự di nhiễm bệnh tật đang đến thế hệ thứ 4 và chưa biết khi nào kết thúc. Hiểu hơn những việc mà Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Việt Nam đã hỗ trợ cho NNCĐDC trên mọi phương diện; những hoạt động thiết thực mà Hội NNCĐDC/dioxin các cấp của Việt Nam đã và đang thực hiện để chăm sóc NNCĐDC ở các thế hệ.
Một số vấn đề khác so với 2 cuộc đối thoại trước đây: (1) Cụm từ NNCĐDC đã được các diễn giả Mỹ sử dụng khi phát biểu tham luận của mình. Đây cũng chính là thành công của VAVA bền bỉ nỗ lực đấu tranh, không phải ngày một ngày hai mà có được. (2) Đại diện binh sĩ thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa được mời làm diễn giả (ở một phiên đồng thời về tìm kiếm người mất tích).
Sự có mặt của Đoàn cán bộ VAVA gồm 2 Phó chủ tịch và Trưởng ban Đối ngoại, cũng là thể hiện vai trò và sự quan tâm có trách nhiệm trong vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, bên cạnh việc tẩy độc môi trường, con người cũng cần được quan tâm bởi đây là vấn đề lâu dài, phức tạp và khó khăn.
Các chính khách Mỹ đã thừa nhận rằng việc nhanh chóng giải quyết hậu quả chiến tranh để lại là cần thiết và cần tiếp tục có những cuộc thảo luận giữa hai chính phủ về những biện pháp tích cực hơn trong việc khắc phục môi trường, hỗ trợ cho những người khuyết tật do hậu quả chiến tranh và NNCĐDC cũng như tìm kiếm hài cốt của những người đã bị mất trong chiến tranh ở tất cả các bên tham chiến. Đặc biệt, trong năm 2025, khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, 50 năm chiến tranh Việt Nam-Mỹ kết thúc, cần có những hoạt động hợp tác ở cả hai nước một cách hiệu quả và thiết thực.
Ngoài ra, phát biểu của các Đại sứ Việt Nam, Lào, tại Mỹ cũng như một số chính khách Mỹ đều nhất trí và nêu rõ quan điểm rằng Chính phủ Mỹ cần sớm hoàn thành việc khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại ở cả 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Hiện nay, các hoạt động chủ yếu mới chỉ ở Việt Nam, chưa có hoạt động tại Lào và Campuchia. Đây cũng là hành động thiết thực đóng góp vào quá trình hòa giải và phát triển quan hệ giữa Mỹ với các nước nêu trên.
Đoàn VAVA báo cáo công việc với Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng (ngồi thứ nhất bên phải)
Nhân chuyến đi, Đoàn VAVA đã có buổi chào và báo cáo công việc với Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; làm việc với Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm với NNCĐDC Việt Nam (VAORRC) về vấn đề trình Dự luật Cứu trợ NNCĐDC lên Quốc hội Mỹ (Dự luật H.R. 9977); làm việc với nhóm người trẻ ở Mỹ, những người yêu Việt Nam và ủng hộ NNCĐDC.
Công tác khắc phục hậu quả chiến tranh còn lâu dài, đặc biệt những mất mát, đau thương, nghèo khó của các gia đình NNCĐDC thì không thể định tính, định lượng, tính toán được, nhưng trên tinh thần hòa giải, cùng nhau khắc phục, để tiến tới tương lai tốt đẹp hơn mà cả hai quốc gia, hai nước đang nỗ lực, thì những người làm công tác nhân đạo như chúng tôi cảm thấy ấm lòng, tin tưởng tương lai để làm dịu đi nỗi đau da cam mà chúng tôi và nhất là các gia đình có đến 4 thế hệ được an ủi phần nào, từng bước được cải thiện sau trong cuộc sống.
Đoàn VAVA chụp ảnh kỷ niệm với Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng (người đứng giữa)
Đúng với cái tên, ý nghĩa và biểu tượng hòa bình - Viện Hòa bình Hoa Kỳ là cơ quan có uy tín đối với chính quyền Mỹ và cũng là nơi đưa ra những khuyến nghị trong việc giúp cơ quan lập chính sách của Mỹ, đặc biệt là việc triển khai những cam kết cụ thể trong quan hệ hai nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai gần hai nước sẽ có những kế hoạch đột phá để hỗ trợ nạn nhân và gia đình NNCĐDC thật nhanh chóng cho thế hệ trực tiếp (F0) tham chiến đang dần mất đi và các thế hệ gián tiếp con, cháu, chắt (F1, F2, F3) phần nào được chăm sóc y tế và phát triển sinh kế để có thể hòa nhập với cộng đồng một cách hiệu quả và tối đa trong Dự án Hòa nhập mà Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) đang nỗ lực thúc đẩy ở Việt Nam.
Ban Đối ngoại
Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam
Bình luận