• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hành trình vượt khó thành doanh nhân của "Cô gái da cam"

Hành trình vượt khó thành doanh nhân của "Cô gái da cam"

Ái Vi từng trải qua 7 ca phẫu thuật đau đớn, nỗ lực làm việc và lập quỹ từ thiện để giúp nhiều học sinh nghèo vượt khó.

Ái Vi sinh năm 1986, từng làm việc và du lịch qua hơn 30 quốc gia. Hiện cô là doanh nhân với 5 công ty riêng. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài hiện tại, ít ai biết Ái Vi là một trong những nạn nhân của di chứng chất độc da cam. Mái tóc dài giúp cô che kín sẹo dài nửa bên đầu và cổ. Hơn 30 năm qua, cô luôn giữ tâm thế lạc quan, phấn đấu mỗi ngày để trở thành người có ích cho xã hội.

"Tôi không thể thay đổi quá khứ nghèo khó và nỗi đau chất độc da cam, nhưng tôi có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn với tình yêu và hòa bình", Ái Vi bày tỏ.

Ái Vi tại sự kiện Doanh nghiệp - Kinh tế - Xã hội châu Âu EESC ở Bỉ.

7 ca phẫu thuật và tuổi thơ nghèo khó

Vi quê ở xã Phước Thắng - một trong những nơi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định. Như nhiều vùng đất miền Trung, sự tàn khốc của nắng gió, bão lũ... khiến cuộc sống của bà con đã nghèo, lại càng cơ cực hơn. Gia đình Vi cũng không thoát khỏi vòng lẩn quẩn ấy. Năm 1986, chiến tranh đã chấm dứt từ hơn 10 năm trước, nhưng hậu quả của nó còn dai dẳng. Nhiều kênh rạch, sông suối bị nhiễm chất độc da cam, vô số đứa trẻ sinh ra với ngoại hình không lành lặn, Vi là một trong số đó.

Ngay khi vừa chào đời, Vi bị biến dạng nửa khuôn mặt, đầu to bất thường. Gia đình chưa kịp hạnh phúc vì có thêm thành viên mới đã đón nhận hung tin bệnh tật của con. Bác sĩ nói đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam, nếu không sớm phẫu thuật, sẽ sống không quá 10 tuổi.

Dù trải qua tuổi thơ bệnh tật, Ái Vi vẫn thích cười, yêu đời. Ảnh chụp năm 1989 của Vi và cậu Út.

Thời thơ ấu, Vi đã quen với mùi thuốc sát trùng, không thể nhớ hết những lần ra vào viện. Cha mẹ cô đứt từng khúc ruột khi chứng kiến con gái ôm đầu khóc vì cơn đau hành hạ. Họ phải xin nghỉ dạy để có thời gian đưa con đi chữa bệnh khắp nơi. Lúc ấy bố Vi là giáo viên dạy toán, mẹ dạy lịch sử kiêm Phó hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở.

Thập niên 1980-1990, chế độ bảo hiểm y tế chưa phát triển, mỗi lần Vi phẫu thuật, gia đình lại phải chạy vạy từng đồng. Từ đủ ăn, họ dần khánh kiệt.

Trải qua 7 lần phẫu thuật và hàng nghìn nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần Vi mới thoát khỏi tử thần. Nửa bên đầu dần nhỏ lại, nhưng đổi lại là những vết sẹo dài cả gang tay trên mặt và cổ. Tuy vậy, từ nhỏ Ái Vi vẫn yêu đời và trưởng thành chọn làm "một người lớn hạnh phúc".

Trong ký ức, Vi vẫn nhớ những ngày cô nằm kiệt quệ, lả người trên chiếc chiếu tre, nước lụt ngập đến thành giường. Có năm nước ngập gần đến mái nhà, nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Mỗi mùa lũ đi qua, các thôn xóm đều tan hoang, xơ xác.

"Tôi không thể quên được cảm giác đau nhói lòng khi nghe tin ai đó chết đuối. Năm nào lũ lụt cũng có người chết", cô nói. Vi và những người dân trong xóm từng sợ hãi, hoảng loạn chứng kiến cảnh một gia đình bốn người bị lũ cuốn trôi ngay con sông gần nhà. Ký ức tuổi thơ Vi bị ám ảnh với những ngày mưa lũ, bão bùng, những nỗi đau mất mát, nên từ nhỏ cô bé đã mơ trở thành "nàng tiên cá", bơi lội giỏi để cứu người. Đó cũng là động lực khiến Vi tự tìm tòi học bơi, nghiên cứu kỹ năng sinh tồn dưới nước.

Hết mùa lũ, mảnh đất miền Trung ấy lại oằn mình chịu đựng cái nóng. Nắng thiêu đốt cả cánh đồng, đất khô cằn, người cũng lao lực vì mất sức. Cô bé Vi khi ấy chẳng biết làm gì ngoài tập trung học tập, mong sau này có thể đỡ đần cha mẹ, giúp quê hương thoát cảnh đói nghèo.

Vượt qua nghịch cảnh để sống có ích

18 tuổi, cô khăn gói vào TP HCM học đại học, mang theo ước mơ và hoài bão từ thời thơ ấu. Vi chưa từng có cơ hội chạm tay vào laptop hay điện thoại cảm ứng khi còn ở quê. Mãi đến sau này cô dần tiếp cận với công nghệ và nhận ra mình cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể theo kịp và­ hòa nhập với cuộc sống thị thành.

Nhờ sống, làm việc và từng đi nhiều quốc gia trên thế giới, cô được tiếp cận với nhiều nền văn hoá, tư duy, cách làm kinh doanh khác nhau. Cô tin rằng công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng giúp đổi mới làng quê, phát triển đất nước. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và vốn, cô thành lập công ty công nghệ Fiviva, đảm nhận vai trò CEO. Ngoài ra, cô còn sở hữu bốn doanh nghiệp khác.

"Suốt những năm sinh viên đi ở trọ, tôi và bạn bè ai cũng mơ ước được sở hữu ngôi nhà của chính mình nhưng không biết đến khi nào mới có đủ tiền. Đó là động lực giúp tôi lên kế hoạch triển khai ứng dụng bất động sản toàn cầu, dự kiến ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7 này. Ứng dụng điện thoại này sẽ kết nối giữa chủ nhà, người mua nhà, môi giới và nhân viên ngân hàng với nhau. Nhờ vậy mang đến ch­o mọi người cơ hội sở hữu được ngôi nhà mơ ước dù chưa có đủ tiền, qua hình thức mua nhà trả góp. Tôi kỳ vọng ứng dụng sẽ giải quyết mọi nhu cầu của thị trường về mua, bán, cho thuê nhà cửa, căn hộ, đất đai, văn phòng...", cô nó

Ái Vi quan niệm, làm kinh doanh với cái tâm của một nhà từ thiện nên luôn đặt các yếu tố đạo đức, chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của người sử dụng lên hàng đầu.

Dù bận rộn với những dự án kinh doanh, Ái Vi vẫn không quên thực hiện ước mơ cổ tích ngày bé là trở thành "Nàng tiên cá". Cô thường tham gia những buổi tập huấn ở nước ngoài và là thành viên được chứng nhận của hiệp hội bơi lội Mỹ ASCA. Cô cũng sáng tạo ra AIVI sinh tồn - phương pháp giúp mọi người có kỹ năng tự cứu sống mình trên nước.

Theo Vi, phương pháp AIVI sinh tồn bắt nguồn từ hiện trạng đuối nước đang báo động mà phần lớn dân số Việt Nam không biết bơi. Phương pháp bơi nổi này được giảng dạy miễn phí, áp dụng được với mọi cơ địa, mọi môi trường nước, nhiều người có thể học được ngay chỉ sau 30 phút.

Ái Vi giải thích, theo nguyên lý thì khối lượng riêng của một người bình thường nhỏ hơn của nước, nên nổi được trên nước là khả năng tự nhiên của con người. Nhưng làm sao đễ nổi lâu và bơi nổi được thì chúng ta cần tập luyện. Đây là phương pháp mang tính sinh tồn cao có thể hỗ trợ bạn đắc lực ngay trên sông biển và thậm chí trong nước lũ.

"Vận tốc dòng nước lũ trung bình là 10,8-18km/h tương đương với tốc độ một người đi xe đạp. Nếu bạn thả nổi theo chiều dòng nước, hít thở đều, quan sát xung quanh và lái người vào bờ... sẽ có thêm cơ hội để sống sót. Tôi đã thử nghiệm ngay trên sông Sài Gòn, nơi có vận tốc dòng nước chảy lớn. Tôi mong muốn một ngày nào đó phương pháp AIVI sinh tồn được đưa vào chương trình dạy bơi ở các trường học, để các em học sinh, sinh viên biết thêm một kỹ năng bơi lội tự cứu sống mình trên sông nước", Vi nói.

Ái Vi chia sẻ phương pháp bơi và kỹ năng tự cứu mình trên nước.

Bên cạnh đó, cô còn vận hành quỹ từ thiện AIVI Science, trao hàng trăm suất học bổng đến các sinh viên - học sinh nghèo vượt khó suốt 3 năm qua. Những phần quà này nhằm tiếp thêm động lực, khích lệ tinh thần các em vươn lên phía trước. Vi nói trong tương lai, quỹ sẽ nhân rộng hơn, tham gia nhiều dự án cộng đồng như hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tăng năng suất nông nghiệp cho bà con và bảo vệ môi trường.

Nguồn Vnexpress.net


Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...