• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hơn cả một chữ Thương

Anh Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1985, ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Trong thứ âm thanh bập bẹ như trẻ lên ba tập nói, anh giới thiệu về mình: "Anh tên Sơn, do bố mẹ anh trước đây đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường nên anh bị nhiễm chất độc da cam". Anh Sơn là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Bố anh là ông Nguyễn Đức Lượng, năm nay đã 77 tuổi, từng có thời gian dài chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 4.

 

Nguyễn Đức Sơn lúc mới sinh ra bụ bẫm và mạnh khỏe như biết bao đứa trẻ bình thường khác nhưng càng lớn lên tứ chi của anh càng yếu đi. Chân anh dần teo lại, không thể vận động như bạn bè cùng trang lứa. Bố anh đã đưa anh đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để châm cứu, điều trị nhưng đều không có kết quả. Thời điểm đó, bố mẹ Sơn còn nghèo nên chỉ biết đưa con vào học lớp tình thương dành cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn gần nhà.

Anh Sơn lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình và bố mẹ, trong cả phần cố gắng của hai anh đầu cho "khúc ruột" út ít của cả gia đình. Bố anh nhớ lại những ngày tháng gian nan trong phần đời sau những năm tháng chiến đấu gian khó ở chiến trường của chính mình: "Ngày đó, vì hoàn cảnh vất vả nên để lo cho Sơn có tiền thuốc thang chữa bệnh, hai anh nó phải chịu khổ rất nhiều. Có những ngày, vừa mới tan học, người anh cả đã phải đi phụ hồ, bốc vác. Tôi và vợ sau giờ làm tranh thủ buôn gánh, bán bưng để có thể có thêm kinh tế lo thuốc thang, chữa bệnh cho con".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 5.

Cậu bé Sơn cứ thế trưởng thành trong sự đùm bọc của mọi người. Lớn lên, nhận thức được về sự khiếm khuyết của bản thân mình, anh lại càng nỗ lực hơn để hòa nhập với mọi người. Anh tâm sự: "Nhiều lúc, nhìn bạn bè đá bóng, chạy nhảy vui chơi mình cũng thèm khát được như vậy nhưng không thể. Đôi lúc cũng buồn, cũng tủi phận nhưng nhìn bố mẹ và hai anh đang phải nỗ lực từng ngày để có thể lo cho mình tốt hơn, mình lại như được động viên, tiếp thêm động lực để sống sao cho xứng đáng".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 6.

Năm 2008, khi nhìn thấy con trai đã ở tuổi trưởng thành mà mình lại ốm yếu, bệnh tật, bố anh Sơn đã về quê để hỏi vợ cho anh. Ông Lượng, bố anh Sơn kể: "Con trai đau ốm, bệnh tật nên chỉ mong sao kiếm được người yêu thương thật lòng chăm sóc là mình đã thấy mãn nguyện rồi".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 7.

Qua sự giới thiệu của người thân ở quê gốc tận huyện Đô Lương, Nghệ An, ông Lượng đã tìm được chị Ngô Thị Minh. Gặp trực tiếp chị Minh, nét chịu thương, chịu khó của người con gái quê đã khiến ông Lượng khó mở lời. Ông Lượng muốn mọi việc được diễn ra theo hướng tự nhiên nhất: "Tôi cũng chẳng che giấu gì về hoàn cảnh của con trai. Tôi bảo Minh nếu đồng ý thì cứ gặp gỡ, về ở với nhau một vài tháng xem thế nào rồi hẵng quyết định. Kể cả không hợp nhau mà dứt áo ra đi cũng không có vấn đề gì vì mình biết sự thiệt thòi của người ta khi về làm dâu nhà mình".

Sau sự nhiệt thành của ông Lượng, chị Minh cũng đã đồng ý lên Hà Nội "thử" làm dâu nhà người. Ngày gặp "chồng tương lai", chị Minh vẫn còn nhớ in trong kí ức của một cô gái từ quê lên tỉnh: "Ngày đó, nhìn thấy anh Sơn nằm quằn quại trong một góc giường lại còn gầy yếu, tiều tụy mình chỉ thấy thương. Thứ tình cảm đó lúc đầu mình cảm nhận cứ như "mẹ thương con" vậy thôi".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 8.

Còn với anh Sơn, ngày đầu gặp vợ anh vẫn còn "chưa biết gì". Chị Minh sinh năm 1977 còn anh Sơn sinh năm 1985. Tính ra chị hơn anh đến 8 tuổi nên ít nhiều vẫn có khoảng cách. Nhìn chị Minh, anh cười, nét gượng gạo vẫn còn vẹn nguyên: "Thời đó, mình có biết gì đâu. Khác với bạn bè cùng tuổi, do bệnh tật nên gần như cách giao tiếp, ứng xử vẫn "khép mình" hơn, trẻ con hơn".

Thấm thoát 3 tháng cũng trôi qua, khi nhìn thấy anh Sơn đau đớn lúc trái gió, trở trời chị lại càng thương hơn người đàn ông tội nghiệp. Chị đồng ý ở lại làm dâu. Một lễ cưới thân tình, nhỏ gọn có đủ nội ngoại, người thân và hàng xóm láng giềng đã được tổ chức. Cũng từ ngày đó, chị trở thành chỗ dựa tinh thần, đỡ đần việc bếp núc, nội trợ cho anh Sơn và bố mẹ chồng của mình.

Gọi là trang mới trong cuộc đời vì từ đây anh Sơn và chị Minh sẽ có một vai trò mới, trở thành bố và mẹ của những đứa nhỏ. Một năm sau ngày về sống với nhau, chị Minh có thai. Anh Sơn mừng rỡ và vẫn nhớ rất rõ sự dị nghị của mọi người dành cho mình. Anh kể: "Có nhiều người đến bảo riêng với anh xem lại xem có phải con mình không vì anh bị như thế làm sao có thể có con được".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 9.

Còn chị Minh thì không sợ mà chỉ cảm thấy xót xa và lo lắng. Xót xa vì thương anh Sơn khi phải nghe điều tiếng còn lo lắng khi không biết đứa con của mình chào đời có bị ảnh hưởng giống như người cha hay không. Qua thời gian thai kỳ, Hương Giang chào đời trong niềm vui mừng tột độ của cả tổ ấm nhỏ. Cô bé mũm mỉm và có đôi mắt giống hệt bố. Ông Lượng thì nghĩ chỉ cần cháu sinh ra lành lặn thì đã là phép màu rồi.

Nhưng mọi chuyện không bình yên như suy nghĩ của cả nhà khi thứ chất độc da cam đáng sợ đã di truyền sang đến cả thế hệ thứ ba trong gia đình ông Lượng. Hương Giang tuy di chuyển, đi lại bình thường nhưng lại bị run tay và không thể cử động được khiến mọi thứ lại càng khó khăn hơn với gia đình ông. Anh Sơn thương con mà thêm phần lo lắng. Mỗi buổi chiều lăn bánh xe lăn đi dạo cùng con, anh càng thương Giang hơn: "Những đứa bé cùng tuổi thì được bố cõng trên lưng, được chở đi bằng xe đạp rồi chạy bộ, chơi trò chơi cùng bố còn con mình thì nhiều lúc còn phải dìu bố".

Phần phước lớn nhất của gia đình anh chị là Hương Giang có đầu óc nhanh nhạy và ngoan hiền. Nhiều năm học Tiểu học, em đều đạt danh hiệu học sinh Khá, Giỏi. Giang nhỉnh hơn về môn Toán còn môn Tiếng Việt thì yếu hơn các bạn vì tay run nên thường viết không kịp giờ.

Vậy nhưng, nỗi bất hạnh lớn nhất của anh Sơn chính là chưa một lần được ôm con vào lòng hay ru con ngủ. Tay anh Sơn rất yếu, chị Minh hiểu được điều đó nên mỗi lần đặt cô con gái yêu của hai người vào trong lòng anh Sơn, chị đều phải giữ. Mặc dù vậy những đứa trẻ trong nhà đều rất yêu quý anh. Chỉ cần nhìn thấy anh Sơn ở bên là các con đều âu yếm, vuốt ve và muốn ở trong lòng cha.

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 10.

Trong căn nhà nhỏ của anh Sơn và chị Minh chưa bao giờ ngớt đi tiếng cười nói của con trẻ. Khi nhìn vào những thứ đang diễn ra trước mắt mình, chị Minh tâm sự: "Ban đầu tôi lấy anh Sơn vì tình thương nhưng rồi thứ tình cảm đấy đậm sâu hơn từng ngày và tôi cũng không biết gọi tên nó là gì nữa chỉ biết rằng lúc nào vợ chồng cũng khăng khít bên nhau". Trong mắt chị Minh, anh Sơn không phải là một người đàn ông bị khuyết tật, anh chính là chỗ dựa tinh thần của chị và những đứa con. Những người hàng xóm nhìn anh Sơn với ánh mắt đầy tội nghiệp, nhưng chị Minh thì chỉ nói rằng: "Anh Sơn có làm sao đâu, anh ấy hiền lắm".

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 11.

Có lẽ chính sự hiền lành và tử tế trong cốt cách của chàng trai bị chất độc màu da cam đã làm chị Minh thấy thương chồng mình hơn. Chất độc da cam đã cướp đi sức khỏe của anh Sơn, nhưng mãi mãi không thể làm mờ đi vẻ đẹp trong tâm hồn người đàn ông này. Anh Sơn vô tư và trẻ hơn với tuổi của mình.

Không thể đưa cô con gái đi dạo trên những con xe đắt tiền, nhưng những chuyến đi trên chiếc xe lăn của bố luôn đong đầy những ưu tư tâm tình của Hương Giang. Đến bây giờ, thấy hai bố con cùng nhau đi quanh phố, nhiều người qua đường dừng lại. Họ im lặng và bất chợt nở một nụ cười thật ấm áp. Họ hiểu rằng, một người đàn ông dù có những khiếm khuyết bẩm sinh nhưng vẫn luôn xứng đáng có cơ hội làm một người cha và sống một cuộc đời hạnh phúc.

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 12.

Trước khi có Hương Giang, anh Sơn chỉ giam mình trong bốn bức tường. Nhưng chính Hương Giang đã làm sống lại cuộc đời anh. Như cách anh nói, "Giang đã đưa bố bước ra thế giới". Khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày với anh Sơn có lẽ là lúc được nằm dài cùng Giang tâm sự mọi chuyện trên đời. Mặc dù chưa đến độ tuổi tứ tuần nhưng đầu anh Sơn đã bạc trắng. Giang lắng nghe mọi câu chuyện và thấu hiểu bố mình, em không còn thắc mắc tại sao bố mình nhìn không giống bố các bạn nữa. Điều ước lớn nhất của em là mong sao bố có thể đi lại được. Vậy nhưng Giang chưa bao giờ trách bố vì không thể đi cùng mình trên con đường đi học. Sự đồng hành không có nghĩa là kề vai sát cánh, tay trong tay mà sự đồng hành lại là việc anh Sơn dõi theo từng bước trưởng thành của Giang.

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 13.

Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chị Minh, anh Sơn.

Năm nay, niềm vui nhân đôi khi cô con gái thứ hai của anh chị chào đời. "Vì mình tên Sơn nên muốn đặt tên con là Ngân Hà", anh Sơn vừa cười vừa giải thích lý do đặt tên con của mình. Do ảnh hưởng từ bố, Ngân Hà có đôi bàn tay 6 ngón nhưng vợ chồng anh vẫn tin đó không phải là trở ngại quá lớn cho cuộc đời con. Chị Minh vừa dỗ con vừa như gửi cả ước vọng vào tương lai: "Hà 6 ngón của bố mẹ biết đâu sau này lớn lại vừa giỏi, vừa xinh, chăm nom được bố mẹ ấy chứ!". 

6h tối, dưới căn bếp nhỏ chị Minh đang khéo léo nấu nướng bữa tối cho cả nhà. Tiếng cười nói ríu rít trò chuyện của anh Minh với Ngân Hà và Hương Giang đang vang vọng cả căn xóm nhỏ. Mặc nhiên, chẳng ai còn quan tâm đến chuyện "đũa lệch thành đôi" nữa.

Hơn cả một chữ “thương”, người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau da cam của chồng - Ảnh 14.

Những lúc rảnh rỗi anh Sơn thường phụ giúp trông con. Anh trở thành chỗ dựa tinh thần đặc biệt của Hương Giang và Ngân Hà.

Mười hai năm, không dài nhưng đủ để dệt nên một câu chuyện cố tích giữa lòng Thủ đô huyên náo bằng chất liệu của yêu thương và thấu hiểu. Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều dị thường mà điều quan trọng nhất đôi khi lại là điểm nhìn của chúng ta. Đôi khi giản đơn như cách chị Minh nói về cuộc hôn nhân của mình: "Nhiều khi, mình ốm mà cũng không được nghỉ nhưng một ngày đã là chồng vợ thì là duyên nợ, nghĩa tình rồi. Thế nào đi nữa vẫn là chồng mình. Sướng, khổ cũng cùng nhau đi đến hết cho cam lòng".

Nguồn: Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác