Vượt qua nỗi đau chiến tranh.
Trong chiến tranh, Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc hóa học/dioxin xuống miền Nam Việt Nam, hủy diệt màu xanh thiên nhiên và sự sống của con người, để lại một thảm họa vô cùng tàn khốc. Dù cuộc chiến đã đi qua nhưng di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ. Gia đình tôi cũng là một trong những nạn nhân của chiến tranh. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bố tôi lên đường nhập ngũ đi chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1970, do sức khỏe không đảm bảo, ông được đơn vị cho rời quân ngũ trở về địa phương, rồi tôi và em gái lần lượt ra đời nhưng chúng tôi sinh ra đều bị mù cả hai mắt.
Gia đình đã đưa chị em tôi đi khám tại Bệnh viện mắt Trung ương Hà Nội. Đến năm 1979 qua rất nhiều lần xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận chị em tôi bị di chứng của chất độc da cam/dioxin từ bố truyền sang. Từ đó hồ sơ bệnh án của chúng tôi được chuyển sang Ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ do Giáo sư Tôn Thất Tùng làm chủ nhiệm. Chúng tôi được gặp và tiếp xúc với rất nhiều phái đoàn của nước ngoài, các phóng viên của các tờ báo và các đoàn nghiên cứu khoa học điều tra về tội ác chiến tranh trong thời gian đó.
Với tâm lý mặc cảm tự ti về bản thân, chị em tôi rất sợ tiếp xúc với những người lạ nên đã luôn né tránh và không muốn tham gia các cuộc phỏng vấn, nghiên cứu khi đó. Rồi có những lần chúng tôi được gặp gỡ với những người bên kia chiến tuyến, họ là những cựu chiến binh Mỹ và những người lính đánh thuê của các nước mà đế quốc Mỹ đã huy động để tham chiến ở Việt Nam.
Sau chiến tranh, họ đã giải ngũ và lập gia đình nhưng những đứa con do họ sinh ra cũng không được lành lặn, cùng với những dị tật mà chiến tranh đã để lại. Chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau những niềm khao khát và mong muốn những dị tật mà chúng tôi đang mang trên người sẽ được chữa lành và chiến tranh sẽ mãi mãi lùi xa.
Qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc với các đoàn nước ngoài khiến chị em tôi hiểu ra nhiều điều. Sự hợp tác của chúng tôi sẽ góp phần vào việc tố cáo những tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho Việt Nam, cùng với những người yêu hòa bình lên tiếng, giúp xây dựng lại hòa bình và đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi người trên thế giới để những nỗi đau của chiến tranh sẽ không còn trở lại, đem lại ánh sáng, chấm dứt đi màn đêm u tối của cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn di chứng trên cơ thể hàng triệu đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhưng riêng với hai chị em tôi thì trong nỗi đau đó còn có cả niềm tự hào, sự mất mát của bản thân đã được đóng góp một phần cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đã tiếp thêm cho tôi động lực, mang lại niềm tin trong cuộc sống và luôn thôi thúc chúng tôi phải vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội.
Mạnh mẽ trên hành trình khởi nghiệp.
Năm 1986, tôi đã tham gia tổ chức Hội người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của thành phố Nam Định. Chúng tôi được học chữ, học nghề. Công việc hiện tại của hai chị em tôi là xoa bóp bấm huyệt nâng cao sức khỏe cho mọi người tại căn nhà nhỏ. Đó là thành quả của nhiều năm lao động của gia đình, là minh chứng cho sự vượt lên trên những khó khăn và bất hạnh.
Năm 2023, tôi tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017.
Tại vòng Chung kết cuộc thi cấp Vùng, dự án của tôi "Cơ sở xoa bóp bấm huyệt hội người mù TP Nam Định" đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi. Cũng trong năm 2023, tôi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định tặng Giấy khen và được Hội Khuyến học của tỉnh Nam Định tặng học bổng "Học không bao giờ cùng".
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay là kết quả phấn đấu không ngừng của cá nhân tôi và toàn thể thành viên trong gia đình; là kết quả của sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và của cả cộng đồng. Tất cả đã giúp cho tôi phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Có thể thấy rằng, trên những vết thương và nỗi đau dai dẳng của chiến tranh, sự sống vẫn nảy sinh từ khát vọng và ý chí con người. Khi viết những dòng này là lúc tôi đang ở tuổi 54, tôi hy vọng sẽ phần nào tiếp thêm động lực cho những người không may có hoàn cảnh giống như tôi sẽ luôn kiên cường, đủ nghị lực để có những khát vọng cháy bỏng hướng về cuộc sống phía trước.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam/Điện tử
Bình luận