Trước mắt tôi là một cái sân rộng, trên che mái vòm bằng tol gọi nôm na là xưởng đúc chậu kiểng Minh Thái, ấp Thanh Hùng. Thân hình nhỏ thó, còng queo, Thái đang hí húi luôn tay đắp mô cát chuẩn bị hình mẫu cho lứa chậu kế tiếp; bên trong xưởng còn hơn 30 chậu xi măng mới hình thành.
Thấy khách đến, Thái đon đả chào đón và nở nụ cười thật tươi. Qua giới thiệu, được biết Lê Minh Thái hiện đang hưởng mức 2 theo diện người khuyết tật, gia đình sống tại vùng kháng chiến. Năm 2007, đoàn đi khảo sát tình hình nạn nhân của tỉnh, phát hiện hoàn cảnh của Thái lúc đó em đang bò lê đến trường học. Học hết lớp 6, chuẩn bị bước sang lớp 7 thì bệnh liên miên, đau đầu thường xuyên, Thái bất lực, bỏ học dở chừng. Thấy vườn, đồng cỏ rộng, Hội tặng bò cho em nuôi. Nhờ có đồng vốn từ bò, Thái chuyển sang nuôi ếch, rắn. Nhưng rồi Thái thấy vất vả khi đêm đêm phải lặn lội ra đồng bắt nhái, mùa mưa sấm sét kinh hoàng, vả lại vốn đầu tư mua con giống khá cao nên không thể theo nghề này mãi được.
Bạn bè cùng xóm thương Thái, rủ làm công và truyền nghề đúc chậu kiểng xi măng. Cái nghề vọc đất cát vậy mà hay, lại có thu nhập ổn định. Thế là 10 năm qua, Thái gắn bó và tự chế công cụ thô sơ từ các mảnh thép lại thành khung, tâm xoay trục bằng cọc sắt tròn, sào tre gát giàn làm chuẩn cho công đoạn lắp ráp, gọt giũa, vun đắp mô hình để hình thành chậu.
Thái chia sẻ, mỗi ngày đúc 10 chậu, chia làm 3 công đoạn: đắp mô hình bằng cát, sau đó đổ xi măng quét xoay đều thành hình, rồi đan kẽm gát đều lên, trộn xi măng gạt quét hồ liên tục, dùng hồ gạt quét láng để khô một ngày, lật miệng gỡ ra thành chậu chờ một ngày nữa cho khô và sau đó đắp miệng vành chậu thêm một lần nữa. Sau 4-5 ngày đem sơn thành phẩm, giao hàng. Trung bình mỗi chậu từ 100 đến 500 ngàn đồng, tùy theo đơn hàng của khách. Thái dùng xe máy 3 bánh dành cho người khuyết tật, chế thêm thùng kéo thành xe lôi để hàng ngày chuyển vật liệu, chậu cho khách hàng. Mỗi tháng thu nhập ổn định, Thái có nhà riêng, có xưởng dù chưa quy mô nhưng điều đó cho thấy tiềm năng vượt khó đáng được đầu tư hỗ trợ.
Lê Minh Thái nói thêm, nếu không có nguồn vốn từ Hội NNCĐDC/dioxin của tỉnh và sự quan tâm trợ giúp của nhà hảo tâm nhiều năm nay, thì cuộc đời Thái coi như vào ngõ cụt; chứ tật nguyền thiếu chữ và không vốn phải biết làm sao? Xưởng của Thái mỗi ngày nới rộng thêm, khách hàng tìm đến mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Đã đến lúc Thái cần vốn để đầu tư và tìm người phụ giúp.
Công việc của Thái tiến triển tốt đẹp và có hiệu quả, nên Tỉnh hội Tây Ninh rất yên tâm và ủng hộ trợ vốn 5 lần, mỗi lần từ 10 đến 20 triệu đồng. Lần này đến thăm, bà Võ Thị Đẹp, Chủ tịch Tỉnh hội Tây Ninh rất phấn khởi, hứa sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân da cam của tỉnh, trong đó ưu tiên thêm cho Thái 10 triệu đồng để mua thêm vật liệu làm nghề./.
Phạm Thị Nhí
Bình luận