• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nạn nhân chất độc da cam vượt qua chính mình

Di chứng chiến tranh, những nỗi đau chất độc da cam/dioxin vẫn là nỗi ám ảnh hiện hữu đối với nhiều gia đình. Mang trong mình nỗi đau tật nguyền nhưng không ít người trong số họ đã vượt lên để hòa nhập cộng đồng.

Những tấm gương "tàn nhưng không phế"

Anh Trần Văn Cầu, sinh năm 1979, ở xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin từ lúc mới sinh ra. Bị liệt 1 tay, 1 chân, tuổi thơ của anh Cầu là những bước đi khập khiễng đến trường, thể hiện khát khao một cuộc sống bình thường như bao bạn bè khác.

Lớn lên, tưởng chừng bệnh tật sẽ khiến anh Trần Văn Cầu buông xuôi số phận. Thế nhưng, anh Cầu vẫn nung nấu ý chí thay đổi cuộc sống, quyết làm được những công việc mà người bình thường làm được. Anh suy nghĩ, nếu đi làm thuê sẽ không bao giờ mình đáp ứng được yêu cầu công việc như người bình thường. Chỉ có việc buôn bán mới giúp anh có thể làm chủ được công việc.

Nghĩ là làm, anh mạnh dạn vay mượn tiền của bà con, người thân để làm vốn thu mua mủ cao su ở tại xã Phủ Định và các vùng lân cận, rồi bán lại cho nhà máy. Không những biết làm kinh tế, anh Cầu còn tham gia các hoạt động của đoàn cơ sở, được bầu làm Phó Bí thư Chi Đoàn thôn Bắc Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch. Cũng từ đây, cơ duyên giúp anh gặp được nữ đoàn viên cùng thôn. Hai người cùng năng nổ hoạt động, nhiệt tình trong công tác đoàn để rồi yêu mến nhau từ lúc nào không biết.

Bị liệt 1 tay và 1 chân, nhưng anh Trần Văn Cầu luôn nỗ lực lao động, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Bị liệt 1 tay và 1 chân, nhưng anh Trần Văn Cầu luôn nỗ lực lao động, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi lập gia đình, thật may mắn 2 đứa con 1 trai, 1 gái của anh chị sinh ra lành lặn, thông minh, ham học và biết yêu thương cha mẹ. Con gái đầu của anh Cầu hiện đang học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng con trai đang học cấp 2. Anh Trần Văn Cầu tâm sự, cuộc đời có thể lấy đi 1 phần thân thể nhưng không thể tước đi ý chí, nghị lực của anh.

“Những người bị chất độc da cam có cuộc sống rất vất vả, khó khăn, mong cộng đồng xã hội giúp đỡ nhiều hơn để xoa dịu đi nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vượt lên trong cuộc sống, bớt khổ hơn", anh Trần Văn Cầu chia sẻ.

Phạm Thị Vy Thảo, học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Duy Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hằng ngày vượt qua khó khăn đến trường cùng bạn bè học tập. Lúc sinh ra, Vy Thảo không có được đôi tay lành lặn. Dù biết rằng đôi tay tật nguyền khó có thể làm tròn trịa con chữ, nhưng Vy Thảo vẫn mong mỗi ngày được đến trường cùng bạn bè, nắn nót viết những dòng chữ.

Những ngày đầu đến lớp, Vy Thảo rụt rè, tự ti. Bạn bè, cô thầy thương mến và cảm phục cô học trò nhiều thiệt thòi nhưng mang trong mình đầy nghị lực. Ngày đầu tập viết đầy khó khăn với Vy Thảo. Phải dùng cả hai tay ghì chặt bút, khiến nhức mỏi, nhiều khi gây chuột rút làm em đau đớn. Thế nhưng em không từ bỏ. Chữ của em ngày càng đẹp lên.

Dù đôi tay tật nguyền, nhưng bé Vy Thảo luôn nỗ lực vượt khó.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Ninh cho biết, Vy Thảo là tấm gương cho các bạn trong việc vượt khó vươn lên học tập, luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc trong những năm học vừa qua.

“Vy Thảo là học sinh đặc biệt của trường, đôi bàn tay của em không trọn vẹn nhưng em rất có nghị lực, hằng ngày đến trường học tập đầy đủ, tích cực, tham gia tất cả các hoạt động của lớp. Dù đôi tay như vậy nhưng trong việc luyện chữ cũng như học tập em đều đạt kết quả cao, chữ viết đẹp. Đôi bàn tay này thật kỳ diệu, có thể làm mọi việc cũng có thể tự phục vụ bản thân", cô Nguyễn Thị Mai Hồng cho biết.

Cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam

Tỉnh Quảng Bình có gần 6.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Phan Thành Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, Trung tâm Bán trú chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nơi duy nhất tại Quảng Bình triển khai các hoạt động phục hồi chức năng dành cho các nạn nhân, góp phần để họ hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm được xây dựng năm 2014, có các thiết bị máy móc phục hồi chức năng và các phòng điều trị chức năng chuyên biệt. Hàng năm, Trung tâm đón nhận từ 200 đến 300 nạn nhân da cam/dioxin đến điều trị và phục hồi chức năng. Năm nay, Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình đã vận động từ nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng giúp đỡ các nạn nhân da cam với các mô hình sinh kế, tặng quà, hỗ trợ nhà ở.

Mặc dù cơ thể không lành lặn, nhưng nạn nhân chất độc da cam luôn có nghị lực vươn lên, mong muốn thay đổi cuộc sống.

Ông Phan Thành Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình chia sẻ, những nạn nhân da cam vượt qua được nghịch cảnh, họ lựa chọn “thắp lên một ngọn nến” chứ không chỉ ngồi trong bóng tối đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhiều người đã tìm thấy được nụ cười hạnh phúc sau những nghị lực không mệt mỏi, khát vọng sống hòa nhập và truyền lửa cho những người đồng cảnh ngộ, vượt qua nỗi đau tật nguyền.

“Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Bình rất mong muốn trong thời gian đến tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam. Hiện nay, cũng còn nhiều người là nạn nhân da cam, các thế hệ là con của nạn nhân da cam nhiễm di chứng vẫn mong Nhà nước xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ các đối tượng này”, ông Phan Thành Đồng cho biết.

Nguồn: VOV/miền Trung

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác