• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nạn nhân Nguyễn Văn Gấm “Kiện tướng nuôi tôm" thời công nghệ 4.0

Nạn nhân Nguyễn Văn Gấm “Kiện tướng nuôi tôm" thời công nghệ 4.0

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hàng triệu người Việt Nam luôn tích cực tìm tòi, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; trong số đó nạn nhân chất độc da cam, thương binh Nguyễn Văn Gấm, một trong những người thành công trong nuôi tôm siêu thâm canh ở ấp Tắc Năm Căn A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của nạn nhân Nguyễn Văn Gấm là một trong những mô hình đạt hiệu quả, được Hội NNCĐDC/dioxin huyện Năm Căn đưa vào diện các mô hình sản xuất, chăn nuôi cần được nhân rộng. Qua gặp gỡ, ông Gấm phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về quá trình ly hương, những năm sống, chiến đấu trong quân ngũ, quá trình lập nghiệp và vượt khó vươn lên của ông.

Quê gốc ở Quảng Ngãi, miền đất thiên nhiên khắc nghiệt, nắng, gió bão, lũ lụt liên miên, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, năm 1959 khi mới tròn 5 tuổi, ông Nguyễn Văn Gấm cùng với 2 người anh và đứa em theo cha mẹ dời nơi chôn nhau cắt rốn vào Cà Mau lập nghiệp. Lúc mới đặt chân đến Cà Mau, nơi đất khách quê người, không họ hàng thân hích, kinh tế gia đình thiếu thốn, khí hậu lại khác biệt, mẹ ông lâm bệnh nặng phải lo chạy thầy, chạy thuốc ở nhiều nơi, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1962, bệnh tình mẹ ông ngày càng nặng nên đã qua đời ở tuổi 32. Khó khăn, chồng chất khó khăn, trong cảnh “gà trống nuôi con”, cha ông Gấm phải vất vả làm lụng nuôi 04 con thơ dại và tham gia du kích. Năm 1968, do hoàn cảnh, cha ông phải nghỉ công tác. Thương cha, 4 anh em khi 9, 10 tuổi đã đi vào rừng bắt ốc len, cua, vọp về cho cha bán kiếm tiền mua gạo. Ông chia sẻ “Ngày đầu lội rừng học cách bắt cua, mò ốc, do lội rừng chưa quen vì toàn là bùn lầy, có chỗ ngập đến đầu gối hơn nữa lại có nhiều rễ cây mọc lú lên khỏi mặt bùn trong khi đó da chân lại mỏng nên bàn chân bị đau nhói, lội rừng không nhanh được làm mấy anh cùng xóm luôn phải chờ anh em tôi”.

Trải qua những năm vất vả đó, ông đã ý thức được cảnh nghèo khổ của người dân khi bị đế quốc Mỹ xâm lược từ đó đã hun đúc ở ông lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và nuôi trong mình quyết tâm vượt khó vươn lên.

Năm 1970, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông đã tiếp bước cha tham gia cách mạng. Ông đầu quân tại Tiểu đoàn U Minh III. Trong những năm chiến đấu đầy gian khổ ác liệt, năm 1974 trong trận đánh tại Đá Hàn thuộc xã Hiệp Tùng, huyện Duyên Hải (nay là huyện Năm Căn) ông bị thương. Sau những ngày điều trị, ông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Năm 1976, do quá lao lực nuôi các con, cha ông sức khỏe giảm sút, thường xuyên đau ốm, thương cha, ông Gấm xin ra quân về địa phương chăm sóc cha.

Trở về địa phương, ông kết nghĩa phu thê với bà Huỳnh Thị Mãi. Trong thời gian này cả nước còn nhiều khó khăn, vợ chồng ông cùng các em phải tần tảo lao động để chăm sóc cha, vun vén gia đình. Năm 1985 một biến cố lớn xảy ra, cha của ông qua đời. Trước cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và ít đất sản xuất, ông Gấm suy nghĩ, nếu anh em cứ bấu víu lấy nhau trong vài nghìn mét vuông đất thì không thể thoát nghèo, vợ chồng ông quyết định ra ở riêng, đất đai mầu mỡ để lại cho các em.

Thời gian đầu, sống trong căn nhà tạm bợ bằng cây khai thác tại chỗ, tài sản không có gì, vợ chồng ông quần quật lăn lưng khai phá đất hoang làm rẫy. Thời gian đầu vợ chồng ông khai khẩn được khoảng 01 ha, dần dần khai phá và mua thêm, sau vài năm vợ chồng ông có tổng diện tích đất 3,8 ha. Năm 1988, khi Nhà nước có chủ chương cho chuyển dịch từ đất trồng rẫy sang làm vuông nuôi tôm, gia đình ông đã chuyển 1,8 ha sang nuôi tôm quản canh, 02 ha còn lại ông trồng rừng nên cuộc sống gia đình có phần khá hơn. Sau một thời gian nuôi quản canh, môi trường nước trong vuông tôm bị ô nhiễm nên tôm thường bị chết, năng suất không cao.

Đầm tôm siêu thâm canh bằng hình thức trải bạt

Vào năm 2015, ông Gấm bỏ công sức đi học kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh. Học được kỹ thuật mới, ông vay vốn ngân hàng, đầu tư đào, đắp, cải tạo 1,8 ha đất làm 3 ao nuôi và 2 ao lắng. Do nuôi tôm bằng ao đất hiệu quả không cao nên đến năm 2016 ông áp dụng kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh (dạng trải bạt). Tích cực tìm tòi áp dụng kỹ thuật mới, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, đầm tôm của ông đạt hiệu quả khá cao. Từ năm 2016 đến nay mỗi năm ông nuôi 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch gần 10 tấn tôm, lợi nhuận bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Chủ động chăm sóc tôm, phòng khi có sự cố về điện, ngoài 02 máy dầu, Mo-tơ phát điện để quạt nước trong đầm tôm, ông đã đầu tư mua 02 máy Yama mỗi máy có công suất hơn 350 CV.

Ông Gấm (bên trái) đang kiểm tra tôm nuôi

Công việc làm ăn ngày càng có của ăn của để, năm 2018 ông đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang.

Căn nhà xây năm 2018 của nạn nhân Nguyễn Văn Gấm

Được biết, thời điểm 2015, nhà thì dột, cột thì siêu phải gia cố thêm các trụ vách mới ở được, sức khỏe của ông do di chứng của vết thương, chất độc hóa học suy giảm khá nhiều, ảnh hưởng nhiều tới khả năng lao động. Thông cảm với hoàn cảnh của ông, năm 2015 ông được Nhà nước hỗ trợ 1 căn nhà tình nghĩa, nhưng ông đề nghị UBND xã Đất Mới dành cho gia đình chính sách khác khó khăn hơn ông.

Về nuôi dạy các con, vợ chồng ông Gấm có 6 người con (1 trai và 5 gái), hiện các cháu đều học hành đến nơi đến chốn, được vợ chồng ông hỗ trợ đủ điều kiện để lập nghiệp. Các cháu phát huy được truyền thống gia đình, tiếp tục theo nghề nuôi tôm, cần cù lao động, hàng năm thu được lợi nhuận khá cao, đặc biệt vợ chồng cô con gái thứ năm, nuôi tôm ở Thị Trấn Cái Đôi Vàm, trừ các chi phí mỗi năm lợi nhuận từ 7 đến 8 tỷ đồng.

Tâm sự với tôi, ông Gấm nói: “Nay sức khỏe không còn mạnh khỏe như khi còn trong quân ngũ nữa nhưng với bản chất và truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian tới, trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi yêu cầu các con tiếp cận với khoa học, kịp thời ứng dụng thành tựu mới trong kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh đồng thời phổ biến kinh nghiệm nuôi lại cho bà con địa phương để tăng năng suất tôm nuôi, nâng cao đời sống và đóng góp nhiều hơn cho địa phương”.

Nhận xét về nạn nhân Gấm, ông Hồ Văn Oai, Chi hội Trưởng Chi hội NNCĐDC/dioxin ấp Tắc Năm Căn cho biết: “Không chỉ nhường Nhà Tình nghĩa mà ông Gấm còn từ chối việc nhận các khoản trợ giúp của các tổ chức xã hội; ông thường xuyên ủng hộ các quỹ do địa phương phát động để hỗ trợ cho người nghèo và những NNCĐDC gặp khó khăn. Bên cạnh đó ông Tư Gấm và cả gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có tình cảm tốt với bà con trong ấp”.

Trong Đại hội Điển hình tiên tiến giai đọan 2016 – 2021, ông Nguyễn Văn Gấm là một NNCĐDC được báo cáo điển hình về nghị lực vươn lên làm giầu.

Chia tay ông Gấm và gia đình, tôi luôn tâm đắc trước sự nỗ lực vượt khó vươn lên của của ông thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của nạn nhân Gấm và các mô hình nuôi Chồn thương phẩm của những NNCĐDC khác trong huyện, Hội huyện Năm Căn sẽ tiếp tục nhân rộng để nạn nhân khác học tập tự vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng./.

Lê Xuân Thái

Chủ tịch Hội huyện Năm Căn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...