• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nạn nhân tỉnh Lai Châu: Vượt lên nỗi đau da cam

Nạn nhân tỉnh Lai Châu: Vượt lên nỗi đau da cam

“Chúng tôi còn may mắn hơn những đồng đội khác đã hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Nỗi đau bệnh tật mà hàng ngày chúng tôi trải qua sao so sánh được với những mất mát, đau thương của hàng triệu gia đình liệt sỹ” - đây là câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất khi gặp gỡ, trò chuyện với những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh. Vì thế, bằng ý chí, nghị lực kiên cường, hằng ngày, những người nhiễm chất độc da cam và người thân trong gia đình luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật, di chứng tàn khốc của chiến tranh; đối mặt với muôn vàn khó khăn để vươn lên, ổn định cuộc sống; học tập, cống hiến và làm giàu cho quê hương.

Theo lời giới thiệu của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Lai Châu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Long ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) - người lính năm xưa ở chiến trường Bình Trị Thiên. Dù năm nay đã 84 tuổi, nhưng ông vẫn đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Phong Thổ tại đại hội vừa qua. Ông cười nói với chúng tôi rằng: Bác Hồ đã từng răn dạy người lính “Còn sức thì còn chiến đấu, còn khỏe thì còn làm việc”. Bây giờ tôi vẫn đi được, làm được; tổ chức giao, đồng chí, anh em tín nhiệm thì làm cho khuây khỏa, quên đi cái bệnh đau xương, đau khớp. Tôi đã mong có tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin từ lâu rồi, để anh em cùng cảnh ngộ chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống. Là NNCĐDC tôi hiểu được khó khăn khi đối mặt với những di chứng của chất độc hóa học dioxin giày vò hàng ngày. Hội huyện Phong Thổ hiện có 27 hội viên, các hội viên luôn thể hiện rõ bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, vượt mọi khó khăn, bệnh tật, sống và làm việc hết mình.

Hàng ngày, ông Lương Trung Điện (thứ nhất bên phải) bị nhiễm chất độc da cam ở thôn Nậm Cung (xã Mường So, huyện Phong Thổ) làm công việc giúp gia đình.

Nói xong ông cười, nụ cười thật hiền hậu. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông dẫn chúng tôi đến thăm gia đình hội viên CĐDC Lương Trung Điện ở thôn Nậm Cung (xã Mường So) - người được mệnh danh “Thầy thuốc của dân bản”. Tuy tuổi đã cao, mái tóc bạc trắng nhưng tinh thần làm việc của ông Long khiến cho chúng tôi phải nể phục. Vẫn thói quen ấy, ông cầm quyển sổ bên mình, đôi chân rảo bước lên xe dẫn đường.

Vừa tới nơi, hình ảnh quen thuộc chúng tôi vẫn thường thấy giữa những người lính đó là cái ôm nồng hậu, cái bắt tay thật chặt và nụ cười tươi. Bỏ dở dang công việc đang bốc thuốc nam, ông Điện rót chén nước mời chúng tôi và bắt đầu kể về cơ duyên gắn với cái tên “Thầy thuốc”.

Ông Điện chia sẻ: Tôi quê gốc ở huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Năm 1974, tôi lên đường nhập ngũ, là lính của Trung đoàn 74 (Sư đoàn 316, Quân khu 4) tham gia chiến dịch Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1976, chúng tôi lại thần tốc ra Bắc để tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1980, tôi được cử đi học quân y ở Quân khu 2 gần 2 năm, ra trường được chuyển về Sư đoàn 326. Cũng từ đó, tôi gắn bó với mảnh đất Lai Châu. Tuy vậy, trong quá trình công tác, mỗi khi trở trời tôi thường xuyên bị đau bụng, men gan lên cao không thể làm việc nên được nghỉ hưu sớm. Sau này đi giám định sức khỏe mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động 49%. Năm 1990 khi về địa phương, tôi thấy bà con trong bản hay bị đau ốm, bằng vốn kiến thức đã được học, tôi kết hợp thuốc đông, tây y để tự điều trị bệnh cho mình và cứu chữa những người dân khi họ cần. Ai bị bệnh gì nhờ đến là tôi sẵn lòng giúp không nề hà việc khó, việc khổ; ngày hay đêm. Lúc nào rảnh rỗi thì tôi lên rừng tìm lá thuốc về chặt, phơi. Từ đó đến nay, mỗi năm tôi điều trị, chữa bệnh cho trên 300 người.

Được biết, hàng ngày, ngoài việc chữa bệnh cho mọi người, ông Điện phụ giúp vợ trồng ngô, nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả để trang trải cuộc sống, hỗ trợ các con nuôi cháu ăn học.

Ngược chuyến xe, chúng tôi xuôi về Than Uyên - nơi cũng có nhiều NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất nghị lực trong cuộc sống. Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Đình Nhu, bà Phạm Thị Huệ (ở bản Muông, xã Mường Cang); chứng kiến đôi bàn tay nhăn nheo, gầy gò của bà Huệ đang bóp vai, bóp chân tay cho ông Nhu; hai người nhìn nhau hạnh phúc mà chúng tôi rưng rưng khóe mắt. Quan sát xung quanh từ ngoài cổng vào trong nhà, bếp, chúng tôi thấy đồ đạc được xếp gọn gàng ngăn nắp; nhà sạch sẽ tinh tươm. Được biết, toàn bộ công việc này đều một mình bà Huệ lo liệu dù bà đã ngoài 70 tuổi.

Nắm tay chúng tôi, bà Huệ chia sẻ: Do ảnh hưởng chất độc hóa học, từ nhiều năm nay, ông ấy ốm suốt. Các con lại ở xa. Đôi lúc có mệt mỏi nhưng bà vẫn cố được, chỉ mong lúc nào cũng có sức khỏe để chăm ông. Ông vui vẻ là bà hạnh phúc rồi, may mắn hơn bao nhiêu người vợ khác tiễn chồng đi không hẹn ngày trở về. Bây giờ bà còn tự trồng rau, nuôi mấy chục con gà; trước còn nuôi lợn nữa.

Có đi, có chứng kiến cuộc sống của những NNCĐDC, chúng tôi mới thấm thía và cảm động khi thấy họ và người thân vẫn luôn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, hòa nhập cuộc sống, hàng ngày làm đủ mọi việc để mưu sinh, học tập và làm việc.

Ông Mai Huy Long - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có 5 tổ chức Hội cấp huyện/thành phố với tổng số 241 hội viên. Những năm qua, các hội viên rất nỗ lực dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, ốm đau bệnh tật triền miên. Nhằm giúp đỡ gia đình hội viên khó khăn, thời gian qua, Hội thường xuyên kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ quỹ “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Đến năm 2020, Hội đã quyên góp quỹ hơn 145 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi gia đình hội viên những lúc khó khăn, ốm đau, nhân dịp lễ, tết. Với số tiền 200 triệu đồng của Trung ương Hội, Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ 3 gia đình hội viên xóa nhà tạm; trao học bổng cho 2 cháu thuộc diện khó khăn; hỗ trợ xe lăn cho các NNCĐDC bị liệt. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ một gia đình hội viên xóa nhà tạm từ nguồn quỹ của Trung ương Hội trị giá 50 triệu đồng.

Được biết, trên địa bàn tỉnh, hiện nay vẫn còn nhiều gia đình NNCĐDC còn khó khăn về nhà ở, kinh tế. Hy vọng rằng, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn nữa tới NNCĐDC để bù đắp phần nào cho những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà họ đã trải qua suốt thời gian dài và di chứng cho thế hệ trẻ sau này.

Nguồn báo Lai Châu

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5):  Đồng hành vì công lý, cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Phiên Điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại paris (ngày 7/5): Đồng hành vì công lý, cùng nạn ...

    Ngày 25/04/2024, tại Cuộc họp báo về Phiên điều trần ngày 07/05 của Tòa phúc thẩm Paris xét xử vụ kiện của  bà Trần Tố Nga , công dân Pháp, gốc Việt là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin kiện 14 công ty hóa chất đã sản xuất chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa các luật sư Pháp khẳng định ...