• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghị lực của một người phụ nữ ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Đó là bà Vi Thị Ngoan, sinh năm 1954 trú tại xóm Bản Ỏ, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là vợ nạn nhân chất độc da cam, mẹ của những đứa con tật nguyền.

Năm 1978 bà Vi Thị Ngoan xây dựng gia đình với ông Trương Văn Đình, sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 3/1972, tháng 8/1972 ông Đình đi chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Đầu năm 1978 ông được phục viên về địa phương. Những tưởng sẽ có cuộc sống bình dị, hạnh phúc như bao người con gái bình thường khác, bà Ngoan không bao giờ nghĩ rằng chồng bà đã bị nhiễm chất độc hóa học, khó khăn thử thách đang đợi bà phía trước.

Khi đứa con cả lên 10 tuổi là thời gian ông Đình bị chất độc da cam phát tác hành hạ, ban đầu ông chỉ thấy hay nhức đầu, sau đó bị ngứa và lở loét toàn thân. Bệnh viện huyện Bảo Lạc thì cách nhà gần 60 cấy số, không có phương tiện đi lại, ông chỉ đến Trạm xá xã Đình Phùng cách nhà khoảng 8 cây số để khám. Mỗi lần khám được cấp mấy tuýp thuốc mỡ kháng sinh, về bôi không thấy đỡ, có lúc ông đã liều bôi bằng thuốc trừ sâu (666)... Vết lở loét ngày càng loang rộng, ăn sâu. Lúc đó dân bản truyền tai nhau: Ông Đình bị hủi, cả làng đề nghị gia đình phải đưa ông lên hang núi xa làng bản để cách ly. Trước dị nghị của dân bản, không đủ tri thức để tự bảo vệ, để giữ bình yên cho dân bản, bà Ngoan phải nhắm mắt đưa chồng lên hang núi xa nhà để ở. Thế là người Cựu chiến binh Trương Văn Đình một thời xông pha trận mạc nơi chiến trường Tây Nguyên, đau đáu khát vọng xum vầy cùng người thân, giờ bệnh tật hành hạ lại phải sống một mình thui thủi trên hang núi. Đau lòng hơn, khi hàng ngày, gia đình phải nắm cơm treo trên đầu cây sào trúc để cậu con trai thứ hai đứng từ xa đưa cho bố!

Sau gần 1 năm, ông Đình sống một mình trên hang núi, được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền giải thích: Ông Đình đi bộ đội chống Mỹ cứu nước bị nhiễm chất độc hóa học, bệnh là do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra, lúc đó chồng bà mới được đưa về nhà chăm sóc, được tiêm thuốc kháng sinh, tắm rửa bằng các loại thuốc cổ truyền. Dần dần các vết loét khô lại. Các cơ quan chức năng quan tâm xem xét kết luận ông là nạn nhân chất độc da cam, ông được hưởng chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở nhóm cao nhất (từ 81% trở lên). Tưởng như cuộc sống của gia đình ông Đình bà Ngoan chuyển sang trang mới Nhưng, 1 năm sau, 2 chân ông tự rụng rời từ đầu gối tới bàn chân và ông Đình qua đời năm 2009. Để lại cho bà Ngoan 5 đứa con (4 trai, 1 gái) thể trạng không bình thường:

Anh con cả đã lấy vợ ở riêng, năm 2021 xuất hiện chứng đau đầu, mất ngủ (giống bố cách đây hơn ba mươi năm) làm bà càng thêm lo lắng.

Bà Ngoan bên con cháu.

Anh con trai thứ 2: Vi Văn Phú sinh năm 1982 hay mắc chứng đau đầu mất ngủ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc khám được chẩn đoán là suy nhược thần kinh. Bệnh anh không thuyên giảm, khi về bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng khám thì đã quá muộn, tất cả lục phủ ngũ tạng của anh đã suy kiệt, về nhà được mấy hôm thì mất, để lại vợ (sinh năm 1984) và 2 đứa con thơ (đứa lớn học lớp 9, đứa bé học lớp 7).

Cô con gái thứ 3: Vi Thị Phiến sinh năm 1986 bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải do mẹ giúp đỡ.

Bà Vi Thị Ngoan và con gái bị liệt hai chân từ khi sinh

Anh con trai thứ 4: Vi Văn Nghiệp, sinh năm 1993, Năm 2012 gia đình tổ chức đám cưới đi ở rể làng bên, nhưng đến nửa đêm hôm cưới Nghiệp tự nhiên bỏ về nhà mẹ, cả làng cho là Nghiệp “bị ma làm” cho đến tận bây giờ vẫn ở nhà bám mẹ, không màng tới chuyện lấy vợ nữa.

Anh con trai út: Vi Văn Chiêng, sinh năm 1999 bị hỏng một mắt, bỏ học từ khi lên lớp 5.

Hiện tại bà Ngoan là trụ cột trong gia đình mọi công việc nặng nhọc, chăm sóc nuôi dưỡng các con đều trút hết lên đôi vai gầy nhỏ của bà. Không bi quan trước hoàn cảnh gia đình, bà Vi Thị Ngoan tâm sự “So với những hy sinh gian khổ ác liệt từ thời chống Mỹ của các bác thì những khó khăn, vất vả bây giờ của tôi chưa thấm vào đâu”.

Chia tay gia đình bà Vi Thị Ngoan chúng tôi chỉ biết nói lời động viên, an ủi với chút quà nhỏ. Chúc bà có nhiều sức khỏe để vượt qua những khó khăn và nỗi đau mà không ai mong muốn gặp phải như trường hợp của bà Vi Thị Ngoan.

Vì thương con, thương cháu với nghị lực của người phụ nữ, người mẹ Bản Ỏ vẫn 2 mùa cày cấy 5 thửa ruộng bậc thang, chăn dắt 2 con trâu để lấy sức kéo, chăm sóc đứa con gái liệt 2 chân, nuôi 2 đứa cháu ăn học và trông anh con trai “bị ma làm”. Được biết từ ngày chồng bà mất (năm 2009) bà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước về chế độ người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Rời Bản Ỏ, suốt chặng đường trở về chúng tôi không ai nói với nhau lời nào. Nhưng tất cả đều có chung một ý nghĩ: Điều gì khiến một người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé như bà Ngoan có một sức mạnh phi thường để vượt qua được những nỗi đau, mất mát, những khó khăn ngày càng đè nặng trên đôi vai yếu ớt kia. Phải chăng chỉ có người phụ nữ có trái tim nhân hậu, có tình thương yêu vô bờ, có niềm tin vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn mới vượt qua được những nỗi đau dai dẳng của chất độc da cam/dioxin./.

Dương Bình Luận

Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...