Hóa giải niềm đau của người mẹ
Bước sang tuổi 29, chàng trai Nguyễn Thuận Tùng, trú tại thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, chỉ cao 70cm, nặng 18kg; đáng nói, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến nay, Tùng chưa một lần có thể đứng dậy và đi trên đôi chân của mình; di chứng của chất độc da cam/dioxin đã khiến đôi tay, đôi chân của Tùng bị teo tóp và co quắp lại ngay từ khi sinh ra.
Bà Lê Thị Thỉ, sinh năm 1942, mẹ của Tùng chia sẻ: Tùng là con út trong 6 người con (1 người đã mất) của vợ chồng bà. Thời điểm sinh ra Tùng, người làm mẹ như bà không khỏi chết lặng khi chứng kiến đứa con bé nhỏ của mình có một thân hình chẳng giống ai, cả hai tay và hai chân đều bị co quắp và không có cách nào duỗi thẳng ra được.
Bà Lê Thị Thỉ nói về những khó khăn, thách thức khi nuôi dưỡng một người con đặc biệt như Tùng.
Việc nuôi dưỡng một đứa con đặc biệt như Tùng đã khiến bậc làm cha, mẹ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Bà Thỉ chia sẻ: “Chứng kiến thân hình không bình thường của Tùng, nhiều người buông lời dị nghị, nói rằng do vợ chồng tôi ăn ở không tốt nên mới sinh ra đứa con không lành lặn như thế; những lúc như vậy, người làm mẹ như tôi vô cùng buồn chán, đau đớn tận tâm can nhưng cũng chỉ biết nén nỗi đau trong im lặng vì không thể lý giải được nguyên nhân dẫn đến những dị tật trên cơ thể của con trai. Khi lớn lên và ý thức được những dị nghị của mọi người, bản thân Tùng luôn sống trong mặc cảm, tự ti, khép mình trong căn nhà bé nhỏ và hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh”.
Vì không muốn con trai suy sụp, buồn phiền nên bà Thỉ đã cố gắng gạt nước mắt và luôn động viên con sống thật khỏe mạnh, vui vẻ, mặc cho người đời buông lời không hay. Năm 2000, khi nghe có đoàn bác sĩ về huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) khám bệnh, gia đình bà Thỉ đã đưa Tùng đến thăm khám với hy vọng tìm được phương pháp chữa trị cho con.
Khi chưa được nhận thông báo về kết quả khám bệnh của Tùng thì bà Thỉ và chồng mình là ông Nguyễn Thuận Ngãi (sinh 1940) được mời lên bệnh viện tỉnh khám. Qua đó, phát hiện bà Thỉ bị nhiễm chất độc hóa học với tỉ lệ 61%, còn ông Ngãi bị nhiễm chất độc hóa học 65%. Trên cơ sở đó, xác định được Tùng bị dị tật là do di chứng của chất độc da cam. Kể từ đây, những hoài nghi, dị nghị của mọi người về những khiếm khuyết trên cơ thể của Tùng đã được hóa giải.
Tùng sử dụng máy tính, điện thoại để lao động miệt mài mỗi ngày
Bà Thỉ nói trong nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi đều cùng quê ở tỉnh Quảng Trị “vùng đất lửa”, nơi đã trải qua những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt. Chúng tôi nên duyên vợ chồng khi đất nước đang đứng trước thách thức “ngàn cân treo sợi tóc”, nhân dân khắp nơi đồng lòng kháng chiến, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Năm 1967, không lâu sau khi kết hôn, tôi và chồng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường tham gia vào lực lượng dân quân tại chiến trường Quảng Trị; cho đến năm 1972, vợ chồng tôi trở về để lo cho hạnh phúc riêng của mình. Thế nhưng, hậu quả của chiến tranh để lại đã khiến cháu Tùng bị dị tật như vậy”.
Chàng trai tí hon “tàn nhưng không phế”
Từ khi còn nhỏ, Tùng luôn mơ ước được đến trường để đi học như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ thể yếu ớt thường xuyên nên Tùng chưa một lần được cắp sách đến trường. Không nản lòng, Tùng đã tự đặt mua bảng chữ cái tiếng Việt, bút, vở về mầy mò tập đọc, tập viết, rồi bật các bài hát trên tivi lên để nghe và nhẩm theo giai điệu. Nhờ vậy, Tùng không những nhanh chóng thành thạo các con chữ, con số mà còn thuộc nhiều bài hát khiến nhiều người không khỏi bất n