• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ngọn đèn trí tuệ

Bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam nên không thể đi lại, chân tay co quắp, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, anh Lê Thanh Hải, sống tại Đường Láng, Hà Nội vẫn tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, đồng thời tự mày mò sử dụng thành thạo máy tính để có thể làm nhiều công việc khác nhau. Với trình độ ngoại ngữ của mình, chàng trai sinh năm 1982 đã hướng dẫn cho nhiều học sinh đỗ đại học. Anh cũng là một trong những “Ngọn đèn trí tuệ” "Có thể bạn chưa biết".
Ngọn đèn trí tuệ
Gia đình Lê Thanh Hải

Dân gian có câu "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi" để nói về quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Thế nhưng Hải thì không thể phát triển bình thường như thế. Mãi tới khi tròn 1 tuổi, Hải mới có thể tự nhấc được đầu của mình lên. Đến lúc 6 tuổi, Hải mới biết ngồi và vì thể trạng yếu ớt nên mãi tới năm 7 tuổi, Hải mới được bố cõng đi học tiểu học. Trên lớp, Hải không thể ngồi thẳng người mà luôn cần có điếm tựa để đỡ cơ thể, vì vậy, Hải phải ngồi trong góc tường, để có 2 bức tường nâng đỡ cơ thể.

Không dừng lại ở đó, hành trình đi tìm con chữ của chàng trai sinh năm 1982 còn gian nan hơn nhiều bởi các ngón tay yếu ớt và kém linh hoạt vì thế cậu không thể cầm bút để viết. Từ ngày bắt đầu đi học, tối nào anh cũng được bố mẹ thay nhau cầm tay luyện viết cho anh. Công sức không phụ lòng người, kiên trì hàng tháng trời, cuối cùng, tay Hải cũng chắc hơn và những nét chữ ngày càng rõ ràng hơn. Kết quả là suốt 5 năm học tiểu học, Hải đều đạt học sinh giỏi và đạt giải Vở sạch chữ đẹp của trường và được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Dù thế trạng yếu ớt nhưng trí tuệ Hải phát triển bình thường, nếu không nói là tốt hơn nhiều người khác. Khi vào lớp 1 Hải đã có thể đọc truyện, từ sách, truyện dành cho thiếu nhi tới những câu chuyện phức tạp như đã đọc Tam Quốc, Bất khuất (hồi ký của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Thuận), Thủy Hử... Hải thích đọc, vì thế hôm nào đi học, anh cũng mang theo cuốn truyện nhỏ trong cặp sách để trong giờ ra chơi có thể đọc cho các bạn trong lớp nghe. Bạn học mê nghe Hải đọc đến nỗi khi bố đến đón mà họ vẫn cố níu Hải ở lại để đọc truyện.

Hải bị nhiễm chất độc màu da cam ở mức độ nặng, không tự lực sinh hoạt được, thậm chí không tự lau hết được khuôn mặt, đánh răng khó khăn, tắm rửa phải nhờ đến bố mẹ. Chính vì vậy, nhiều người đã nghĩ cuộc đời Hải sẽ mãi gắn liền với chiếc giường. Thế nhưng bằng nghị lực và trí tuệ của mình, Lê Thanh Hải tự tin vươn ra thế giới. Hải đã thi đỗ cấp 3, rồi đỗ đại học Ngoại ngữ mà không cần bất kỳ sự ưu tiên nào. Không chỉ thế, dù các ngón tay yếu, chỉ có thể gõ phím với tốc độ "mổ cò" nhưng Hải đã tự tìm hiểu và sử dụng thành thạo máy tính, không chỉ các phần mềm văn phòng thông dụng, anh còn có thể sử dụng các phần mềm kỹ thuật chuyên ngành như dựng phim, chỉnh sửa ảnh...

Sau khi tốt nghiệp đại học, cơ hội việc làm cho ngưòi khuyết tật hạn chế nhưng Hải không nản chí. Sau khi nộp hồ sơ nhiều nơi đều nhận được cái nhìn ái ngại của mọi người (bởi thể trạng yếu ớt, không thể tự đứng và đi lại được), Hải vẫn tiếp tục nâng cao trình độ bản thân và trong lúc rảnh, anh dành thời gian hướng dẫn và giúp nhiều em trong xóm học tiếng Anh. Hải cũng dịch sách về y học, chính trị, ngoại thương, trong đó có cuốn đã đuợc nhận giải thưởng sách hay. Đồng thời, anh cũng cộng tác với một số báo, tạp chi bằng cách dịch các tin, bài, trong đó Tạp chí Giáo dục Thủ đô là đơn vị Hải cộng tác thân thiết nhất.

Những công việc này tuy thu nhập không cao nhưng cũng mang lại niềm vui cho anh trong cuộc sống.

Chia sẻ về việc dịch thuật cho báo chí, Hải chia sẻ: "Mỗi báo, mình sẽ dịch theo văn phong và lựa chọn nội dung phù hợp. Với Tạp chí Giáo dục Thủ đô thì mình thường phải cập nhật theo dõi các trang web lớn về giáo dục trên thế giới. Người đọc của Tạp chí chủ yếu là giáo viên, học sinh nên bài dịch không chỉ phải đảm bảo về tính chính xác mà cần dùng ngôn từ chuẩn mực, dễ hiểu. Trong quá trình dịch cho Tạp chí, bản thân mình cũng học và cập nhật được nhiều thông tin thú vị về lĩnh vực này".

Với kiến thức của mình, Hải có thể làm nhiều công việc khác nhau. Anh ký hợp đồng làm cộng tác viên cho một kênh truyền hinh kỹ thuật số và thức hằng đêm để theo dõi và cập nhặt các thông tin thể thao quốc tế. Đồng thời, anh cũng được mời viết bài review (đánh giá) về các bộ phim chiếu rạp. Hải cũng là một tham vấn viên năng nổ tại Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật để truyền cảm hứng và giúp những người đồng cảnh ngộ.

NHỮNG NGƯỜI HÙNG THM LẶNG

Anh Lê Thanh Hải cho biết, với những người khuyết tật, muốn có được tinh thần lạc quan thì ngoài yếu tố tự thân, rất cần sự giúp đỡ, điểm tựa tinh thần của gia đình.

Anh may mắn khi được sinh ra trong gia đình tri thức, giàu truyền thống cách mạng và đặc biệt cả bố và mẹ đều hết mực chăm sóc, quan tâm và thậm chí hy sinh mọi thứ vì anh. "Bố truyền cho tôi nghị lực sống, tinh thần chiến đấu với khó khăn”.

Tôi nhớ mãi câu nói của bố "con hãy thể hiện cho các bạn thấy rằng, con có thể yếu về thế lực nhưng đầu con không yếu". Còn mẹ luôn dạy phải sống có trước có sau, có tình nghĩa, quan tâm đến người khác. Đặc biệt, không được phép lợi dụng lòng tốt của người khác", anh Hải chia sẻ.

Bố mẹ của Hải đều là những cựu chiến binh, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Đều là những chiến sĩ xuất sắc, được kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh năm 1969 khi còn đang ở chiến trường. Bố của anh là Lê Sỹ Tiến, sinh năm 1940. Sau khi học xong đại học Y Hà Nội, ông tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Kết thúc đánh Mỹ, ông lại đựợc cử tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Khi đất nước hòa bình, ông về công tác tại bệnh viện quân y 103, là giảng viên bộ môn Gây mê hồi sức. Mẹ của Hải là Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1950, là người con duy nhất trong gia đình nhưng ở tuổi 16, bà cũng tình nguyện viết đơn nhập ngũ để tham gia đánh đuổi giặc Mỹ. Sau khi tham dự một khóa đào tạo đã trực tiếp làm trinh sát kĩ thuật của E75 CNC (Cục nghiên cứu) của Bộ tổng tham mưu, nay là Tổng cục 2 Bộ quốc phòng. Khi chiến tranh kết thúc, bà được chuyển sang công tác tại Xí nghiệp Thảm len xuất khẩu thuộc Bộ Ngoại thương, làm Bí thư đoàn chuyên trách. Sau đó được cử đi học trường Đảng Lê Hồng Phong, được giữ lại làm giáo viên của trường.

Khi Hải còn bé, bà Thắm đã phải thường xuyên nghỉ làm đưa con đi khắp nơi chạy chữa, ông bà cũng phải kiên trì dìu con từng bước, uốn nắn từng động tác cho con với hy vọng cơ thể con sẽ cứng cáp hơn. Từ năm học lớp 1 đến lớp 4 của Hải, ông bà phải thay nhau cõng con đi học. Và rồi từ lớp 4 khi được tặng chiếc xe lăn cho đến khi Hải học xong đại học, ông bà đều mỗi ngày đi bộ, đẩy xe cho con đến trường. Chỉ tính riêng quãng đường từ nhà đến trường Đại học trong bốn năm, ông bà đã phải đi bộ tới hơn 3 nghìn cây số đồng hành cùng con tìm kiếm tri thức. Không chỉ thế, bố của Hải cũng đã phải xin nghỉ chế độ sớm khi mới ở tuổi 50 để về chăm con. Khi Hải làm cộng tác viên thể thao, phải thức cả đêm làm việc, ông bà cũng phải thức cùng con để chăm lo nước uống, đồ ăn và hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho con.

Vất vả là vậy, thế nhưng bố mẹ của Hải chưa bao giờ thể hiện một chút bất lực hay thất vọng, chưa bao giờ ông bà để rơi một giọt nước mắt trước mặt con. ông bà đối xử với con như một người bình thường và thắp lên cho con niềm hy vọng, tinh thần lạc quan và nghị lực sống thông qua từng hành động, từng câu chuyện thường ngày, ông bà đều đồng tâm: "Phải cho con sự hiểu biết, con đã thiệt thòi về thể chất thì phải bù đắp cho con về trí tuệ".

Tuổi tác ngày một cao, sức khỏe già yếu, bệnh tật đeo đuổi nên nỗi trăn trở, lo lắng của ông bà về Lê Thanh Hải ngày càng lớn. ông bà cũng mong mỏi: "Nhà nước cần phân biệt rõ các loại khuyết tật, do da cam để lại cần được sự quan tâm đặc biệt hơn các loại khác (khác với khuyết tật bẩm sinh, do tai nạn). Có chế độ quan tâm, giúp các con có việc làm, để gia đình khỏi loay hoay không tìm kiếm được việc làm, khiến bản thân gia đình vất vả và nguời bị chất độc da cam cũng khổ. Những trường hợp nào không thuộc diện được hưởng chế độ chính sách của nhà nước tìm mọi cách làm giả hồ sơ để được hưởng cần kiên quyết xử lý cả người hưởng, cả người tiếp tay để giữ sự công bằng và tạo niềm tin cho những người đã chiến đấu, hy sinh, gia đình mình chịu thiệt thòi, tạo niềm tin cho xã hội.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...