Tôi biết đến Đại tá Tạ Quang Dư qua những áng thơ, những câu chuyện hào hùng, nhiều cảm xúc của ông về một thời đạn bom và cả những giọt nước mắt sót sa của ông đã rơi mỗi khi gặp nhưng hoàn cảnh “cùng cực” của nạn nhân chất độc da cam. Trở về từ khói lửa bom đạn, ông Dư luôn trăn trở trước những mất mát, đau thương của đồng đội. Để có điều kiện xoa dịu, bù đắp phần nào cho họ ông tự nguyện tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội thành phố Vinh. Tôi gặp ông và được ông chia sẻ rất thân tình, cởi mở.
- Thưa ông, là một Cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh Bảo vệ Biên giới phía Bắc, ông có thể chia sẻ về những năm tháng hoạt động cách mạng ấy không?
Tôi được sinh ra ở mảnh đất Hưng Nguyên - nơi đi đầu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930, vùng đất nghèo đã nuôi tôi lớn, bồi đắp cho tôi tình yêu quê hương đất nước, tình thương đồng bào sâu đậm. Năm 1969, khi tôi vừa 18 tuổi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt. Như mọi trai làng khác, tháng 4 năm 1970 tôi xin nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tôi được điều về đoàn Pháo binh 166, chiến đấu tại mặt trận Bình-Trị-Thiên. Trong chiến dịch giải phóng Quảng trị (tháng 2-5/1972) đơn vị tôi tham gia đánh Trung đoàn 56 quân ngụy Sài Gòn tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm, điểm cao 241, 544, hỗ trợ tích cực cho các đơn vị bạn tiến công giải phóng thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt. Đặc biệt, năm 1973, khi Chủ tịch Cộng hòa Cu Ba, Phi-đen Ca-xtơ-rô vào thăm Quảng Trị, tôi và anh ruột, lúc đó cũng là Chính trị viên của hai đơn vị được tham gia đón và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch. Mùa xuân năm 1975, đơn vị của tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Khi đất nước tưởng chừng sẽ mãi bình yên, thì chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra, đơn vị tôi đươc lệnh hành quân lên Lạng Sơn nhận nhiệm vụ. Chúng tôi trụ vững tại đó cho đến khi tình hình ổn định.
- Trở về từ cuộc chiến cam go và khốc liệt, ông đã tiếp tục hoạt động và có những cống hiến như thế nào?
Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi về làm Trưởng ban Tổ chức của trường Văn hóa Quân khu 1. Khi Đảo Mắt (thuộc tỉnh Ngệ An) xây dựng hệ thống phòng thủ, tôi được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 2 Công binh (thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An), có nhiệm vụ xây dưng công trình này. Sau 3 năm hoàn thành công trình, tôi được điều về làm Trưởng ban tổ chức, Phòng Chính trị của Tỉnh đội Nghệ An. Khi hai tỉnh Nghệ - Tĩnh chia đôi, tôi làm Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự thành phố Vinh cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Ghi nhận cống hiến của tôi, năm 2005 Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 2015 nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba và nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (năm 2019) và được tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016.
Đại tá Tạ Quang Dư, Chủ tịch Hội thành phố Vinh tặng quà cho NNCĐDC
Cả đời phục vụ trong quân ngũ, xa vợ xa con, khi về hưu nhiều người lính dành hết thời gian sức lực cho gia đình, riêng ông lại khác. Lý do nào khiến ông quyết định tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam?
Ông Dự trầm ngâm rồi chậm dãi tâm sự: Năm 2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An lần lượt được thành lập. Ở thời điểm đó rất khó tìm được người tâm huyết với nạn nhân, có tầm để kêu gọi vận động, kết nối cộng đồng chung tay “xoa dịu nỗi đau da cam” để đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội. Bản thân tôi, là một người lính trở về từ chiến trường, đã từng chúng kiến sự hy sinh, mất mát của nhiều đồng đội, tôi tự hứa với lòng mình cố gắng làm thật nhiều việc có ích để giúp đỡ đồng đội, mặt khác được nhiều anh em Cựu chiến binh đề xuất và động viên, vì vậy tôi tham gia Hội. Tôi nghĩ, chỉ có vậy mình mới có thêm điều kiện thực hiện tiếp những ước mơ về một cuộc sống bình bình yên của đồng đội thời chiến!
Với cương vị là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Vinh, những năm qua ông đã có những hoạt động nổi bật nào để cùng Hội giúp đỡ, hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam?
Kể từ khi thành lập, Hội đã quán triệt phương châm hành động là: “ Đoàn kết- Nghĩa Tình - Trách nhiệm vì Nạn nhân chất độc Da cam”, vì vậy Thường trực Thành hội Vinh đã tham mưu cho Thành ủy, UBND ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình hỗ trợ, chăm sóc Nạn nhân chất độc da cam. Lãnh dạo Thành hội chủ động phối hợp với UBMTTQ, các ban, nghành liên quan của thành phố triển khai thực hiện hiệu quả những Chương trình, Kế hoạch đã ban hành. Vì vậy, chỉ trong vòng mấy năm, Hội thành phố Vinh đã huy động từ cộng đồng kinh phí để xây dựng được 83 ngôi nhà tình nghĩa, mua 75 con trâu, bò trao tặng cho những gia đình nạn nhân. Trong dịp lễ tết, chúng tôi thường vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành cùng Hội thăm, tặng quà (thường là quần áo, mì tôm, gạo, bột ngọt, bánh kẹo, đường, sữa...). Ví dụ, như Công ty Dệt may Hồng Loan hàng năm đều tặng quần áo; Công ty Vật Tư Nông Nghiệp tặng gạo mì; Phật Tử chùa Tu, Chùa Anh Sơn và chùa Đại Tuệ tặng gạo và tiền bánh kẹo, đường sữa… Với tư cách Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, tôi đi khắp nơi kêu gọi ủng hộ nạn nhân, hiểu tấm lòng của tôi, chia sẻ với nạn nhân, nhiều cá nhân, tổ chức đã hưởng ứng, ủng hộ giúp đỡ, như ông Hoàng Nghĩa Mai trong dịp tết Quý Mão tặng 30 suất quà, (mỗi suất 1 triệu đồng), gia đình anh Lê Sơn tặng 5 triệu đồng, Phật tử Phạm Văn Thái quyên góp tặng 20 triệu đồng... Những phần quà trao tới nạn nhân chất độc da cam giá trị tuy chưa lớn nhưng là nguồn động viên, an ủi, giảm bớt phần nào khó khăn của họ trong cục sông thường ngày.
Bất trợt ông cười, vui vẻ “khoe” “tôi còn làm lương y nữa đấy”. Bởi rằng, cứ mỗi lần đi thăm nạn nhân tôi thường mang theo các loại thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, bổ gan, thần kinh để sẵn sàng chia sẻ cho những người cần. Những lúc đó, tôi rất tự hào được chia sẻ kiến thức về các loại bệnh do chất độc da cam dioxin gây ra cho con người và hướng dẫn “bệnh nhân” cách sử dụng một số thuốc cơ bản. Việc làm này nay đã thành nếp quen của tôi.
·
Trong suốt quá trình gắn bó và công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có trường hợp nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?
Nhiều, nếu không nói là rất nhiều! Đặc biệt câu chuyện giữa ông Ngô Xuân Thủy (quê ở Hưng Chính) và ông Phan Bình Minh (quê ở Hưng Tân) - hai nạn nhân chất độc da cam - đã để lại trong tôi những cảm xúc sâu đậm. Bởi ấn tượng quá sâu sắc nên tôi đã viết nên câu chuyện “Giấc mơ bình yên” để dành tặng họ. Câu chuyện nhắc lại một sự thật của ông Thủy và ông Minh. Hai ông đi bộ đội cùng ở chiến trường Quảng Trị, trong những ngày chiến đầu ác liệt, hai ông đã mơ khi đất nước bình yên, họ sẽ được về quê, lấy vợ sinh con và hứa với nhau khi nào có con, ai đẻ con trai sẽ đặt tên Bình và ai có con gái sẽ đặt tên Yên, lúc đó con họ sẽ mặt hoa da phấn, sẽ đi học đại học, lớn lên sẽ gả cho nhau! Sau đó hai người cũng có con, ông Minh có người con gái tên Yên bị ảnh hưởng chất độc da cam nên khuôn mặt bị biến dạng, vẹo vọ. Còn ông Thủy có người con trai tên Bình cũng bị hậu quả của chất độc da cam nên không thể đi lại chỉ có thể ngồi xe lăn. Khi con đến tuổi cưới vợ gả chồng, họ đã nhớ đến lời hứa năm xưa và tác thành cho hai trẻ lấy nhau. Chị Yên tuy mặt mũi không được như người ta nhưng chịu thương chịu khó, lao động giỏi. Trân trọng, cảm thông mối tình của họ, để họ vơi đi phần nào khó khăn, giúp họ xây đài hạnh phúc, Hội đã xây tặng họ một căn nhà nhỏ. Đến nay đôi vợ chồng đó không làm chúng tôi thất vọng, họ vượt lên trên hoàn cảnh, cùng nhau vun vén, gia đình rất hạnh phúc.
· Trong thời gian tới, ông mong muốn điều gì nhất dành cho nạn nhân chất độc da cam?
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói “nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, là người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, chính vì vậy mà tôi càng làm, càng thấy trăn trở, càng thương họ nhiều hơn. Mỗi tháng họ chỉ được một vài triệu đồng, không đủ tiền thuốc chứ chưa nói các khoản tiền khác. Tôi đau sót khi nghe nhiều cha mẹ nạn nhân tâm sự “Khi mất đi, con của chúng tôi - những nạn nhân chất độc da cam nặng, bị di nhiễm từ chính bố (mẹ) sẽ không có ai nuôi! Vì vậy, tôi đau đáu mong muốn thành phố mình sẽ có những trại nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam nặng là con cháu của những người đã dành cả tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Theo tôi đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, vì vậy rất cần làm và tôi cũng rất mong nhà nước tăng tiền phụ cấp của nạn nhân để cuộc sống của họ bớt đi phần nào khó khăn. Đó là những điều mà tôi luôn trăn trở và ấp ủ.
Hoàng Anh/ HVBCVTT
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Bình luận