• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người lính từng ba lần viết đơn tình nguyện ra chiến trường

Người lính trận ngày ấy nay đã ở cái tuổi "Xưa nay hiếm" nhưng ký ức chiến trường luôn dội về những khi ông dâng nén hương thắp cho đồng đội. Ông tưởng nhớ đồng đội không chỉ ngày 27/7 ngày mà cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ mà trong tâm trí ông thường trực không bao giờ quên. Thế hệ của ông, người lính chỉ có một tâm niệm xông pha trận mạc đuổi hết quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, cho dù mình có thể hy sinh tất cả.

Ông Nguyễn Hải Dương là người lính như thế. Ông trở về quê với thương tật hạng 3/4 và nay đã ở cái tuổi "Xưa nay hiếm", nhưng trong tâm trí ông vẫn còn nguyên vẹn bao kí ức. Ông nhớ như in những lần bị thương thập tử nhất sinh nhưng khi vết thương chưa lành hẳn, ông lại viết đơn xin ra trận quyết chiến thắng quân xâm lược.

Ông Nguyễn Hải Dương sinh năm 1948, quê ở xóm 15, xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An (nay là xóm 7 xã Phúc Thọ). Năm 1968 ông đang làm tiểu đội trưởng dân quân của xã nhưng đã xung phong lên đường nhập ngũ. Lúc đó cha (ông Nguyễn Hữu Tao) đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt cho các chiến trường. Chú ruột (ông Nguyễn Hữu Võ) vừa mới hy sinh tại mặt trận Quảng Bình. Nỗi đau càng làm nhân thêm chí khí xông trận trong ông. Mẹ ông suy sụp vì nỗi đau mất con tưởng như không qua những khó khăn thiếu thốn, oằn lưng nuôi các em nhỏ của ông.

Sau khi nhập ngũ, ông Nguyễn Hải Dương được huấn luyện 3 tháng ở Đoàn 22, đóng quân tại tỉnh Thanh Hoá, sau đó được bổ sung vào Đại đội 20 trinh sát, thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304B. Năm 1969, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chi viện quân cho chiến dịch Quảng Trị. Đại đội trinh sát lúc đó phải đột nhập, tiếp cận các căn cứ địch để nắm tình hình, vẽ sơ đồ và dẫn các mũi bộ binh của ta áp sát tiêu diệt các mục tiêu. Có những lúc ông và đồng đội đã tiếp cận mục tiêu, vẽ sơ đồ tác chiến trình lên cấp trên nhưng bị địch phát hiện nên phải trinh sát lại từ đàu. Những người lính cứ miệt mài như vậy trước mọi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng nhưng không ai sợ chết. Nhiều ngày nhịn đói, chịu khát, ăn rau rừng để sống qua ngày nhưng không ai chùn bước. Ông nhớ tháng 5 năm 1970, khi tổ trinh sát của ông gồm 7 người bám cao điểm 365 (động Cô Tiên, phía Tây Nam Quảng Trị) thì nhận được điện của Trung đoàn cho biết: “Địch khả năng sẽ đổ bộ vào cao điểm này, các đồng chí tiếp tục bám đài, bám trận địa nắm chắc tình hình chủ động ứng phó”. Lúc này, tổ trinh sát phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, đào hầm, đắp chiến lũy, tạo công sự. Đến 10h ngày 7/5/1970 địch dùng máy bay trực thăng HU1A vừa thả bom vừa bắn phá cao điểm 365. Đến hơn 11h chúng thả quân đổ bộ buộc chúng tôi phải nổ súng chiến đấu quyết liệt. Trong trận đánh này ông và đồng đội tiêu diệt 20 tên địch, bắn cháy một máy bay trực thăng. Để bảo toàn lực lượng, tổ trinh sát chuyển sang cao điểm 325 và ông là người rút sau cùng vừa cảnh giới bảo vệ đồng đội vừa nghe ngóng tình hình. Mới rời công sự khoảng 5 phút thì địch lại xông đến. Một ý nghĩ chợt léo lên trong đầu, mình phải quyết chiến chứ không để rơi vào tay địch. Lúc đó một tên xông vào nắm tay trái, nhanh như cắt, ông quay người dùng tay phải đánh mạnh vào mạn sườn trái làm tên địch ngã khuỵu xuống đất, sau đó ông nhảy xuống vực sâu, địch dùng súng bắn đuổi, một viên đạn trúng đùi trái. Khi đồng đội quay lại thấy ông đang nằm dưới đó và đưa vào binh trạm điều trị. Đến khi ra viện chỉ huy đơn vị cho ông về tuyến sau để hổi phục, nhưng ông một mực xin tiếp tục tham gia chiến đấu và được trở về đơn vị cũ.

Tháng 5 năm 1972, Quảng Trị được giải phóng địch điên cuồng tái chiếm Thành cổ. Toán trinh sát của ông gồm 5 đồng chí được giao nhiệm vụ đi thám thính tình hình phía Bắc cầu Mỹ Chánh thì bị máy bay ném bom. Một đồng đội hy sinh, ông Dương bị đạn đâm xuyên bụng làm đứt ruột tiểu tràng, xuyên phổi, một mảnh đạn xuyên vào mông tổn thương dây thần kinh hông. Do mất nhiều máu ông ngất lịm, được đồng đội kịp thời đưa về tuyến sau cấp cứu. Khi mổ xong vết thương, các bác sỹ yêu cầu hạn chế uống nước sợ máu bị loãng và dễ đứt chỉ. Nhưng nhiều đêm khát nước ông đã dui một lỗ thủng ở tăng võng, để hứng sương ghé miệng cho đỡ khát”. Ông Dương kể.

Ông cho biết, khi điều trị tại Quân y viện được hơn 4 tháng thì, cảm thấy sức khỏe mình tạm ổn, ông đã tránh việc đi điều dưỡng phục hồi sức khoẻ mà lại viết đơn xin Trung đoàn được tiếp tục ra trận.

Trong lần về điều dưỡng tại Đoàn 200, Quân khu 4 (đóng ở làng Mó huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), một hôm ông và các thương binh khác vừa đi nhận thuốc về thì nghe có tiếng máy bay đang đến gần. Ông và những người khác chạy xuống hầm trú ẩn. Khi vừa ngồi xuống ông nghe có tiếng khóc trên mặt đất. Ông vội chạy lên thấy một em bé khoảng 4 tuổi đang đứng giữa sân khóc to, ông lao đến ôm cháu bé nằm rạp xuống đất rồi đưa bé trườn vào hầm. Bất ngờ một qủa bom bi phát nổ, ông bị thương ở phần đầu còn em bé được ông che chở an toàn. Sau khi máy bay rút đi ông được các y, bác sỹ kịp thời cứu chữa nhưng từ đó sức khoẻ ông ngày một yếu thêm.

Tuy vậy, ông lại vẫn viết đơn xin vào chiến trường. Nhưng đợi mãi không thấy cấp trên hồi âm. Đến tháng 12 năm 1972, ông được cấp trên tạo điều kiện cho chuyển ngành với tình trạng thương tật hạng 2/4. Quy định lúc đó, nếu là thương binh hạng 2/4 thì không được chuyển ngành mà phải nghỉ chế độ. Thế nhưng, trong khi các em của ông đang tuổi ăn tuổi lớn, ông muốn chính bản thân mình làm tấm gương cho những người trong gia đình về ý chí và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, nên ông chỉ xin nhân thương binh hạng 3/4 để tiếp tục cống hiến. Từ đó, ông được chuyển về công tác ở ngành Ngân hàng Nhà nước với chân trái bị teo, đi khập khiễng, nhưng khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì ông đều hoàn thành xuất sắc. Ông tiếp tục nỗ lực học thêm chuyên môn nghiệp vụ. Ngày ông làm việc, tối mượn sách vở tài liệu ôn luyện văn hoá rồi thi đậu Trung cấp kế toán ngân hàng.

Người lính từng ba lần viết đơn tình nguyện ra chiến trường
Ông Nguyễn Hài Dương còn có thú vui đọc sách hàng ngày và dạy các cháu những điều hay qua sách

Gần 40 năm công tác trong ngành Ngân hàng, dù trên cương vị nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hôm nay về thăm ông, trong ngôi nhà nhỏ ở quê, trên tường là Bảng Huân chương chiến công hạng 3, Huân chương vì sự nghiệp ngành Ngân hàng và nhiều bằng khen, giấy khen Trung ương, Ngành và tỉnh.

Tôi là người hạnh phúc, ông nói, vì cả 5 đứa con tôi đều tốt nghiệp đại học, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, trong đó có hai đứa theo nghề của ông. Gia đình ông nhiều năm liên tục đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá cấp huyện". Chưa ngơi nghỉ ông Nguyễn Hải Dương còn đảm nhiệm trọng trách Chi hội trưởng CCB của địa phương.

Cát Tường (VP Bắc miền Trung)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội thành phố Cần Thơ nhận Bằng khen của UBND

    Hội thành phố Cần Thơ nhận Bằng khen của UBND

    Tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (ngày 23, 24/4/2024), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cần Thơ được UBND thành phố tặng bằng khen về thành tích thực hiện chương ...
    Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Sáng 7-5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt ...