• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người vợ nghĩa tình ở Mai Châu

40 năm làm vợ, hơn 20 năm chăm chồng ốm đau, liệt, mù, nhưng họ hàng, xóm bản chưa ai nghe bà Hà Thị Tam ca thán nửa lời. Nụ cười của cô gái Thái năm nào, vẫn tươi tắn trên môi.

Đã ngoài 60 tuổi, nhiều người cùng trang lứa, yên ấm tuổi già, sớm tối vui vầy cùng con cháu, nhưng bà Hà Thị Tam (sinh năm 1954) ở bản Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) thì khác. Hơn 20 năm nay, bà Tam ít khi ra khỏi nhà, kể cả ngày khai hội “sên bản, sên Mường”- lễ hội lớn nhất của dân tộc Thái hàng năm được tổ chức vào dịp đầu xuân, ở ngay trong xã, bà cũng không đi. Có chăng, bà chỉ ra để cầu phước, cầu an cho chồng có sức khỏe để chống lại bệnh tật, bà không muốn để ông ở một mình. Tội lắm, đạo nghĩa vợ chồng là thế.

Cán bộ Huyện hội Mai Châu thăm, động viên vợ chồng ông Tưởng
Cán bộ Huyện hội Mai Châu thăm, động viên vợ chồng ông Tưởng

Bà Tam kể: Cuối năm 1981, chồng bà (ông Mai Văn Tưởng) từ chiến trường Campuchia về phục viên, người gầy, đen, lưng còng do vết thương ở cột sống. Hai người cùng xã, biết nhau từ ngày học cấp 2. Lần đầu tiên gặp lại, ông nhà tôi chỉ nói: Tam vẫn đẹp như thời ấy, đã có “gì” chưa? Lần thứ hai gặp nhau trong ngày khai hội “sên bản, sên Mường”, ông ấy bạo dạn hơn. Tối, bản tôi khao hội, ông đến nhà tôi uống rượu cùng bạn. Sau đêm đó, chúng tôi nên vợ thành chồng. Ông ấy sức khỏe yếu, không làm được việc nặng. Ông bị thương ở đầu, cổ tay phải, lưng. Ăn ở với nhau được hai mặt con, ông ấy mới kể lại những ngày quân ngũ của ông cho tôi nghe.

Ông sinh năm 1956. Tròn 18 tuổi (4/1974) ông nhập ngũ, chiến đấu ở Đắc Tô, Tân Cảnh và tham gia chiến dịch Kon Tum. Tháng 7/1977, ông tham gia quân tình nguyện ở nước bạn Campuchia. Trong một trận tập kích địch đầu tháng 3/1981, ông bị thương ở đầu, ảnh hưởng đến sọ não, được đưa vào Viện Quân y tiền phương 21 điều trị. Tháng 8/1981, ông phục viên với thương tật hạng 4/4. Sau này ông Tam được xét hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, hạng 2. Cuối năm 2000, ông Tam phát bệnh, vết thương ở sống lưng tái phát, không đi lại bình thường như trước, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi, vết thương ở đầu hành hạ ông đến khốn khổ. Nhiều đêm bà Tam phải thức trắng để nâng đỡ, đắp thuốc cho ông. Ban ngày, bà không dám đi ra khỏi nhà vì sợ ông lên cơn đau, vật lộn, sẽ ngã xuống cầu thang. Cuối năm 2013, ông Tưởng bị liệt hẳn, mọi sinh hoạt đều đến tay bà Tam. Lúc đó, mắt còn sáng nên ông Tưởng còn tự ăn, uống, tự mặc quần áo. Từ sau tết năm 2015, ông bị mù cả hai mắt. Thân bị liệt, mắt bị mù, những ngày đầu tâm trạng ông bi quan, hay cáu gắt vô cớ với vợ con. Biết vậy, bà Tam luôn dịu dàng, ân cần, chu đáo từng bữa ăn, cốc nước đến tắm, giặt cho chồng.

Bà Tam tâm sự: Ngày bố mẹ ốm đau rồi qua đời, tôi chẳng mấy khi chăm sóc được như chăm chồng bây giờ. Biết làm sao được, các cụ xưa có câu: “Mẹ cha bú mớm nâng niu/Tội trời đành chịu, không yêu bằng chồng”. Ông nhà tôi, bản thân tôi không muốn cảnh ngộ này, nhưng nghĩ cho cùng, còn nhiều người khổ hơn, hoàn cảnh hơn. Thỉnh thoảng anh em đồng ngũ, rồi Hội NNCĐDC/dioxin, Hội CCB của bản, của xã lại đến thăm hỏi, lần tấm bánh, khi cân hoa quả, quý lắm. Các ông ấy ngồi ôn lại thời trận mạc với nhau, thuở chui hầm, tắm “mưa” chất độc hóa học của giặc Mỹ, đêm phục kích, đánh đồn. Người mất, người còn, người thành đạt, người gian khó…

Ông Tưởng nói giọng chậm rãi, ngắt quãng: “Thứ quý giá sống mãi với người lính mù, liệt này là nghĩa tình đồng chí, đồng đội”. Mấy năm trước, hai vợ chồng sống trong ngôi nhà sàn lâu năm ọp ẹp, rất khó khăn trong việc sinh hoạt, vệ sinh cho ông Tưởng. Mới đây, được Hội NNCĐDC/dioxin huyện giúp đỡ và vận động các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của chính quyền xã, bản, anh em họ hàng, các con đã làm được ngôi nhà sàn bằng bê tông vững chắc, có công trình phụ, bếp trong nhà khép kín. Mọi sinh hoạt của hai vợ chồng thuận lợi hơn nhiều, mưa bão không còn lo lắng nữa…

Đến thăm gia đình NNCĐDC Mai Văn Tưởng, chúng tôi thật sự cảm phục, chia sẻ với bà Tam, người vợ nghĩa tình, hết lòng vì người chồng tật nguyền, một NNCĐDC.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác