• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi buồn hậu chiến!

Nỗi buồn hậu chiến!

Tôi có may mắn được đi nhiều nơi, từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, được tiếp xúc nhiều người, nghe nhiều tâm tư, suy nghĩ của những cựu chiến binh từng một thời vào sinh ra tử, xông pha dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Rời tay súng, họ trở lại quê hương với mong ước thật giản dị là được sống cuộc sống bình an, hạnh phúc với gia đình, làng bản.

Hình ảnh ông Lương Chân Chính

Nhưng cuộc sống đâu có chiều lòng người. Có người thì thành đạt, cuộc sống khấm khá, hạnh phúc. Song không ít người gian nan vất vả, đau ốm, bệnh tật, sinh con dị dạng, dị tật, người chẳng ra người; nhìn con mà lòng mẹ cha đau thắt, sống không bằng chết. Ông Lương Văn Xuân, NNCĐDC (xã Động Quan, huyện Lục Yên) có ba con, hai trai, một gái, cả ba đều bị nhiễm chất độc da cam, suốt ngày la hét, trần truồng bò lê khắp nhà. Một mình vợ ông phải vừa trông con, trông chồng, vừa phải làm ruộng, làm nương, rẫy để lấy lương thực nuôi cả nhà. Ông, vì ảnh hưởng nặng của chất độc da cam, nên đã qua đời. Các con của ông bà vừa được Sở Lao động - TBXH Yên Bái đưa đi nuôi dưỡng tập trung. Ông Vũ Đức Dụ, NNCĐDC (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình) nguyên là trinh sát đặc công Sư 308, nhiều năm chiến đấu ở Quảng Trị, sinh hai con đều bị dị dạng, dị tật, thân hình teo tóp, di chuyển phải nhờ vào đôi tay gầy guộc…

Ông Nguyễn Văn Mừng, huyện Yên Bình băn khoăn: “Nhà nước nghiên cứu xem có biện pháp, xem có cách nào giúp đỡ, động viên, an ủi những người vợ, người mẹ, đang phải oằn mình cực khổ chăm sóc chồng, con như hiện nay không?”. Ông Ngự (thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trăn trở: “Cũng là lính chiến đấu ở chiến trường trở về, người bị sốt rét rừng, bị đau dạ dày, khám giám định cho hưởng bệnh binh, được hưởng mức trợ cấp cao hơn người bị nhiễm chất độc da cam. Mà tiêu chí để xét giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam sao khắt khe đến thế? Trong danh mục có 17 bệnh, thì có tới 9 mục là bị ung thư, hai mục thần kinh ngoại biên và tật gai sống chẻ đôi coi như loại bỏ không áp dụng… Hiện nay vẫn còn nhiều người chưa được xét giải quyết chế độ nhiễm chất độc da cam, bởi còn nhiều bất cập, rào cản trong công tác giải quyết chính sách. Trớ trêu hơn, còn có trường hợp bị công chức làm công tác Văn hóa- TBXH ở xã đòi phải nộp bản sao bệnh án điều trị vô sinh khi đối tượng đã ngoài 70 tuổi…

Lãnh đạo cấp trên có người sống rất tình người, xử lý, giải quyết thấu tình đạt lý, nhưng cũng có người thì vô cảm, thờ ơ, lạnh nhạt, xử lý theo lập trình sẵn từ trước. Ông Lương Chân Chính, CCB (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái) trên người và tay chân nổi từng mảng cháy sần sùi như kê, đi các bệnh viện, các tuyến cũng không chữa khỏi, họ nghi bệnh phát tác do nhiễm chất độc da cam. Nhưng trong danh mục bệnh tật lại không có loại bệnh oái oăm này. Vì vậy mà ông không được công nhận để được hưởng chế độ NNCĐDC…

Còn nữa, tiêu chí xét giải quyết cho con nạn nhân đều ở tuổi sơ sinh và còn bé, nhưng hiện giờ con của nạn nhân ở tuổi 20 đến 45 bị mắc bệnh, mù mắt, ung thư… thì có được xét không? Ông Vũ Văn Khoát (huyện Văn Chấn) phàn nàn: “Ở chỗ tôi có gia đình CCB vợ ba lần đẻ con đều bị chết non, đẻ ra quái thái, rõ ràng là bị nhiễm chất độc da cam, nhưng đề nghị giải quyết chế độ không được vì không có trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học”. Khổ thế! Nhiều trường hợp bị mất hết giấy tờ, đi tìm đến nơi trước đây đã giải quyết cho họ phục viên, nhưng đơn vị giải thể, tìm đến nơi lưu giữ hồ sơ thì được trả lời: “Do thời gian đã lâu, ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, các đơn vị điều chuyển, giải thể, sáp nhập, công tác bàn giao, quản lý hồ sơ trước đây còn đơn giản và nhiều hạn chế dẫn đến hư hỏng, thất lạc, mất mát …”. Ông Nông Đức Dần, huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) tâm sự: “Xã tôi có ông Công và ông Huân cùng đi bộ đội năm 1944, được kết nạp Đảng trong quân đội năm 1947, cùng phục viên năm 1950. Tháng 12/2012, con ông Công làm hồ sơ đề nghị xét giải quyết chế độ, ông Công được xét công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (theo hướng dẫn số 30-HD/BTCTW), còn gia đình ông Huân làm hồ sơ tháng 1/2013 thì không được xét”. Ông Trần Hồng Lĩnh (tỉnh Bắc Kạn) băn khoăn: “Thương binh hàng năm được đi khám lại thương tật để nâng bậc, còn nạn nhân da cam thì cứ mãi mức cũ. Trong khi đó, có nạn nhân trước đây còn đi lại được, nay phải nằm liệt một chỗ, rất thiệt thòi”…

Trong thực tế còn rất nhiều hoàn cảnh éo le, khổ hạnh. Bao nhiêu gánh nặng gia đình, bao nhiêu thảm họa của chiến tranh, kéo dài mãi, đổ hết lên đầu, lên thân những người vợ cựu chiến binh - mẹ của những đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Bao giờ mới hết nỗi buồn hậu chiến?

Nguyễn Xuân Đoán

Huyện hội Lục Yên, Yên Bái

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác