• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau của ông Sáu Mừng

Nỗi đau của ông Sáu Mừng

Tôi đến ruộng đậu (bắp nhớt) của ông Sáu Mừng vào một buổi sáng khi tiết trời phương Nam se se lạnh. Qua một vài lời xã giao, ông Sáu Mừng chất phác thông tin về bản thân và gia đình mình.

Ông Sáu Mừng thu hoạch đậu bắp nhớt

Ông tên là Nguyễn Văn Mừng (bà con xóm giềng thường gọi bằng cái tên thân mật là Sáu Mừng), năm nay 60 tuổi, xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Thắm, hai vợ chồng sinh được 4 người con gái. Gia đình ông hiện sinh sống tại khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ông tham gia bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1985, đến đầu năm 1988 được biên chế vào Trung đoàn 250, Sư 309, đơn vị đóng quân dã chiến ở tỉnh Batttambang (giáp biên giới Thái Lan). Ở đây, ngoài “rừng thiêng nước độc” còn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng do tàn quân Khmer đỏ gài mìn cóc, mìn lá và rải chất độc xuống dòng suối để sát hại quân tình nguyện Việt Nam. Mùa khô không tìm đâu có nước, nước khan hiếm đến nỗi anh em bộ đội coi nước quý hơn vàng. Có những lúc hành quân, nước dự trữ hết, bộ đội ta phải uống nước ở những hốc cây hay tìm những thân cây để tìm nguồn nước uống. Dù uống nước hay rửa mặt đều có thể mắc sốt rét ác tính. Có nhiều người hy sinh vì dịch sốt rét nguy hiểm này. Một khắc nghiệt nữa là không biết mắc chứng bệnh gì mà có thời điểm nhiều người bị sưng hai hòn nan to như quả banh đánh quần vợt, đi lại rất khó khăn. Ông Sáu Mừng bị sốt rét ác tính, tưởng đã hy sinh.

Cuối năm 1987, nhờ đơn vị kịp thời chuyển về Bệnh viện 7A điều trị, sau hơn 4 tháng ông mới qua khỏi cơn bạo bệnh sốt rét ác tính. Khi trở về gia đình, thân xác gầy guộc, màu da tái mét, người chỉ còn “da bọc xương”. Gia cảnh khi đó quá nghèo khổ, lại bị sốt ác tính hành hạ, nên ông bỏ mặc, không liên hệ với đơn vị cũ để lấy giấy tờ chứng minh để được hưởng chế độ, chính sách. Đến năm 2020, ông vẫn chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nỗi khổ mà bản thân ông Sáu Mừng luôn dằn vặt trong lòng, vì không có đầy đủ giấy tờ minh chứng để được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Ông Sáu Mừng còn cho biết: Bốn người cùng chung đơn vị khi trở về địa phương thì có đến 3 người cuộc sống không hạnh phúc. Vào thời điểm những năm 1988, 1989, 1990, hai người khác có vợ sinh con đều bị chết sớm. Riêng vợ chồng Sáu Mừng có một đứa con tên Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, sinh năm 1988 bị dị dạng dị tật từ lúc mới lọt lòng mẹ; lúc sinh được trên 3kg nhưng cơ thể không phát triển bình thường, cháu phải sống đời sống thực vật suốt 32 năm qua, hiện tại cân nặng khoảng 15 - 16 kg, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người thân trong gia đình làm giúp (nghi bị di chứng chất độc da cam). Hiện tại, Tuyết Hạnh được lĩnh bảo trợ xã hội tại phường 540.000 đồng/tháng và người trực tiếp chăm sóc là bà Thắm được trợ cấp 270.000,00 đồng/tháng. Riêng cô chị lớn nhất trong nhà là Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) bị thảm sát ở Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (vụ án Hồ Duy Hải, xảy ra năm 2008). Ánh Hồng là con gái lớn, được cho ăn học đến lớp 12, sau đó được làm việc trong ngành bưu điện Long An (Bưu điện Cầu Voi) được khoảng 2 năm đến khi xảy ra vụ án thương tâm. Khi Hồng còn sống, đồng lương của Hồng là thu nhập chính trong gia đình. Hồng mất đi, nhiều gánh nặng cũng theo đó ập xuống khiến hoàn cảnh gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn!

Cháu Tuyết Hạnh bị dị dạng dị tật thân hình co quắp

Điều rất đáng quan tâm là, ông Sáu Mừng không hoạt động kháng chiến trong thời gian từ 1961 đến 1971 và cũng không phải ở chiến trường miền Nam Việt Nam, mà đơn vị chiến đấu của ông đóng quân dã chiến nơi “rừng thiêng nước độc”, có cả bom mìn và chất độc hóa học do tàn quân Khmer đỏ rải xuống các dòng suối để sát hại quân tình nguyện Việt Nam. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng làm chính sách Quân đội cần nghiên cứu những trường hợp giống như ông Sáu Mừng: bộ đội Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Cần phối hợp với nước bạn, nắm lại tình hình thực tế trong thời gian quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế; đề cao trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách phù hợp, không để những người trực tiếp tham gia giúp nước bạn bị thiệt thòi - như ông Sáu Mừng.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau vì bản thân ông Sáu Mừng còn mang trong người cơn sốt siêu vi dai dẳng, Tuyết Hạnh bị dị dạng dị tật do ảnh hưởng chất độc hóa học, đứa con gái đầu lòng Ánh Hồng lại bị thảm sát. Có lẽ đây là gia đình đau khổ nhất trong những gia đình đau khổ…

Tạm biệt ông Sáu Mừng, tôi nhìn trong sâu thẳm ánh mắt của ông, thấy toát lên nỗi u buồn, vô vọng. Có lẽ đó là nỗi đau chồng chất nỗi đau trong lòng ông và cả những người thân trong gia đình. Ôi! Nỗi đau quặn mãi!

Quang Rại

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác