Trong cuộc đời con người, ai cũng muốn có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, với những người khuyết tật, họ thường tự ti, khó kiếm việc làm phù hợp. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, chàng trai Phạm Đình Duy Phương, sinh năm 1997, ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã vượt lên chính mình, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Ngay từ khi sinh ra, Phương đã không may mắn như bao đứa trẻ khác, đầu to, mắt trái thị lực kém, hai chân teo và cong, đi lại rất khó khăn. Đến tuổi đi học thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng chạy nhảy vui chơi, trong khi mình phải nhọc nhằn lê từng bước, Phương tủi thân ứa nước mắt, nhưng ở Phương không lúc nào từ bỏ ước mơ được đi học. Được sự động viên của ba, mẹ và người thân, Phương tạm quên đi nỗi buồn của mình để chăm chỉ học hành. Do trường THPT xa nhà, ba, mẹ nghèo khó không có người đưa, đón nên học hết chương trình THCS, Phương quyết định tạm gác lại chuyện học văn hóa chuyển sang học nghề.
Với Phương, học nghề gì cũng là một bài toán khó, bởi đôi mắt, đôi chân không lành lặn như bao người khác, Phương nghĩ, còn khối óc và đôi tay là còn khả năng lao động, Phương quyết tâm tìm cho mình một cái nghề. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cuối cùng Phương học nghề sửa chữa điện thoại di động, vì đây là nghề Phương đam mê lại phù hợp với hoàn cảnh của mình. Học nghề với một người bình thường vốn đã khó, huống chi với người khuyết tật như Phương thật chẳng dễ chút nào. Thế nhưng với sự giúp đỡ của gia đình, thầy dạy, bạn học, sự chăm chỉ học hành, sau hai năm học nghề sửa chữa điện thoại di động, Phương đã thành thạo sửa chữa, lắp ráp các loại điện thoại di động. Không dừng lại, để nâng cao thêm tay nghề, Phương đi phụ việc cho một tiệm mua bán, sửa chữa điện thoại di động tại địa phương. Lúc rảnh, Phương chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức trên trên mạng. Khi tự tin với tay nghề của mình, được ba, mẹ giúp vốn, tháng 12 năm 2017, Phương mở cửa hàng tại nhà. Nói là cửa hàng nhưng không hề có một tấm biển hiệu, nhưng với tay nghề vững nên có rất nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn đến để sửa chữa. Bà Trần Thị Mỹ, năm nay 63 tuổi, mẹ của Phương vui vẻ khoe với chúng tôi: hai năm học nghề, một năm đi phụ việc nâng cao tay nghề, gia đình phải đưa đi đón về cực khổ lắm, nhưng bù lại, cháu có chí lại quyết tâm theo đuổi nghề mà cháu thích; đến nay hàng tháng thu nhập kể cả bán thêm Card điện thoại đã đem lại cho cháu thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Phương chia sẻ, có được như ngày hôm nay với người khác là hết sức bình thường, nhưng với tôi ngoài sự cố gắng của bản thân còn phải nói đến sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương và Hội NNCĐDC/dioxin của xã.
Anh Trương Công Anh Hoàng, nguyên Bí thư xã đoàn, xã Long Thành Nam cho hay: “Không chỉ có nghị lực vượt qua khó khăn, quyết tâm vươn lên hòa nhập với cộng đồng, Duy Phương còn tích cực tham gia công tác đoàn, hội và các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Đoàn, mới đây, Duy Phương được Chủ tịch UBND xã khen tặng có thành tích trong phong trào thi đua “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2019”.
Bà Lưu Thị Phú Thuận, Chủ tịch hội NNCĐDC/dioxin xã Long Thành Nam đánh giá: “Thành công của Duy Phương, một NNCĐDC của địa phương đã khẳng định: người khuyết tật dù trong mọi hoàn cảnh, nếu có quyết tâm và ý chí vươn lên đều có thể làm được những việc tưởng chừng khó khăn nhất để tự khẳng định mình trong xã hội”. Với tinh thần, nghị lực vượt lên chính mình, Phạm Đình Duy Phương vinh dự được báo cáo điển hình tại lễ kỷ niệm 58 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10.8.1961-10.8.2019) của xã và của thị xã Hòa Thành tỉnh Tây Ninh./.
Quang Hà – CTV Vava Tây Ninh
Bình luận