Trần Đình –Mạnh Dũng- Chu Út
Kỳ IV - Tiếp tục đấu tranh bằng phương thức, hình thức và biện pháp phù hợp
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta thực hiện đường lối: đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, quan điểm của chúng ta là: “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tiếp cận quá khứ theo hướng hòa giải. Tuy nhiên, hậu quả của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh còn hết sức nặng nề và lâu dài. Điều đó đòi hỏi Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì, tiếp tục đấu tranh bằng những phương thức, hình thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và luật pháp quốc tế.
Về phương thức, cần củng cố, mở rộng nhiều hướng, kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh bằng đạo lý thông qua đối thoại nhân đạo. Để đạt hiệu quả cao, cần giữ vững nguyên tắc, mục tiêu, nhưng về sách lược phải mềm mỏng, linh hoạt, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc trong đối ngoại. Kết hợp giữa đối thoại nhân đạo với đấu tranh pháp lý, lấy đối thoại nhân đạo là phương thức cơ bản, nhưng không xem nhẹ đấu tranh pháp lý. Bằng cơ sở khoa học về bệnh lý của nạn nhân liên quan đến dioxin để thuyết phục, làm cho đối thoại nhân đạo đạt hiệu quả cao hơn. Quá trình đấu tranh cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, cả trong nước và quốc tế; bằng cả ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Về hình thức, biện pháp, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quốc tế bằng nhiều hình thức, như: tổ chức diễn đàn, hội thảo khoa học, hội nghị trao đổi giữa các bên liên quan; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, v.v.. Qua đó, tạo sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, chuẩn bị đầy đủ về chứng cứ pháp lý, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất độc da cam/dioxin do Quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam, về thực trạng tình hình nạn nhân chất độc da cam… Tập trung thực hiện hiệu quả các văn bản hợp tác quốc tế đã ký trong lĩnh vực này để hỗ trợ, bảo đảm cho đấu tranh đạt hiệu quả cao, vững chắc.
Mặt khác, cần tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Mỹ tại Tòa Đại hình ở Evry. Chúng ta có niềm tin chiến thắng và chờ đợi một sự phán quyết công tâm, thể hiện rõ trách nhiệm, công lý của Tòa.
Một nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam
Bằng chứng về hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã rõ ràng; chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc hóa học cho Quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam không thể chối bỏ. Đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam dù còn khó khăn, gian khổ, lâu dài, dù kết quả phán quyết của Tòa án tới đây như thế nào đi nữa thì đó vẫn là thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc. Bởi, điều đó không chỉ làm cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về hậu quả nặng nề, lâu dài của chất độc da cam/dioxin. Qua đó, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chiến tranh hóa học trong tương lai; đồng thời nhắc nhở con người về trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý các sự cố hóa chất trong sản xuất, đời sống hiện nay./.
Bình luận