• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Một lần đến với Đắk Seang

Năm 1965, anh tôi đi bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi. Những năm 1966 - 1967, đơn vị vừa hành quân rèn luyện vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình rồi tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968) ở Quảng Trị. Đang bao vây Khe Sanh thì Bộ điều cả đơn vị (Sư đoàn 325C) vào Tây Nguyên rồi trong một trận đánh anh tôi hy sinh. Năm 1974, gia đình nhận được giấy bảo tử, biết được ngày mất, còn nơi hy sinh và phần mộ cũng chỉ ghi chung chung như bao liệt sỹ khác: “An táng ở Mặt trận phía Nam”. Những năm sau này, từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và một số đồng đội, gia đình mới biết được nơi anh tôi hy sinh là căn cứ Đăk Seang (nay thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Trong một lần trò chuyện với đại tá Nguyễn Văn Biều, bạn đồng nghiệp - nguyên Trưởng phòng biên tâp sách lịch sử hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (trước đó là Phó Trưởng phòng khoa học quân sự Quân đoàn 3) tôi gửi những thông tin về người anh trai và đề nghị: “Chú có tư liệu gì liên quan đến đợt 2 Mậu Thân (1968) nói chung và trận đánh Đắk Seang nói riêng của các đơn vị thuộc mặt trận Tây Nguyên, nơi anh trai mình chiến đấu và hy sinh thì gửi cho mình nhé”.

Trước Tết Thanh minh chừng hai tuần, anh e.mail cho tôi một số thông tin mới tra cứu. Biều nói thêm: Từng tham gia viết lịch sử của một số đơn vị thuộc mặt trận B3, sau này thuộc Quân đoàn 3, trực tiếp đi địa hình một số trận đánh, tôi nhận thấy cuộc chiến đấu của bộ đội ta ở đây là cực kỳ ác liệt, đặc biệt trong những năm 1965 - 1972. Hy sinh, thương vong là rất lớn. Trong khi đó, công tác thu dung trong điều kiện khó khăn (do bom đạn, địa hình, thời tiết…) nên khó có thể chu tất…Ông anh bác cũng không phải là ngoại lệ. Rồi Biều khuyên tôi: Việc tìm được hài cốt thực sự là rất khó và mong manh nhưng nếu có điều kiện thì gia đình nên vào trong đó một lần; nhược bằng không thấy mộ (hài cốt) thì cũng thỏa tâm nguyện của những người còn sống cũng như vong linh, hương hồn người đã khuất! Tôi nói với Biều sẽ cố gắng thực hiện tâm nguyện này vào dịp lễ 30/4 năm nay!

Sau khi kết nối và hoàn tất các thủ tục cần thiết theo qui định với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum - địa phương có trận đánh diễn ra và cũng là nơi quản lí hướng dẫn gia đình, thân nhân đi tìm hoặc thăm viếng mộ liệt sỹ, đúng vào ngày “Chiến thắng 30/4”, vợ chồng tôi cùng vợ chồng cậu con trai út và đứa cháu nội lên đường về với mảnh đất Tây Nguyên.

Máy bay đáp xuống sân bay Pleicu (Gia Lai) khi phía chân trời đang rực đỏ hoàng hôn. Nhưng khi về đến Kon Tum thì cũng là lúc thành phố lên đèn. Do là ngày lễ lớn của dân tộc, mọi ngả đường vào thành phố, nơi nào cũng rực rỡ cờ, hoa, các tấm pano điện tử lộng lẫy, bắt mắt. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy xuyên tâm, lên xuống theo địa hình làm cho các dãy phố có vẻ sinh động hơn. Cảm giác đầu tiên nhận thấy ở thành phố cao nguyên là khá sạch sẽ, yên tĩnh và thanh bình. Đêm đó mọi người ngủ khá ngon sau một chuyến bay tuy không dài nhưng hơi mệt vì máy bay delay mất hơn một giờ. Riêng tôi thì hơi khó ngủ vì hình ảnh về người anh trai hồi chưa đi bộ đội cứ hiện về…. Trong giấc mơ, tôi dường như thấy anh trong bộ quần áo nâu đang đứng dưới bóng cây đa đầu làng, cạnh đường Bên Đông, gọi to: “Mẹ ơi, con đây. Con Phúc đây!”. Tôi choàng tỉnh và sực nhớ lại lời mẹ nói trong một lần tôi về thăm nhà: “Số thằng Phúc nó khổ. Đi là đi biệt, chẳng có một ngày về thăm mẹ…”

 Sớm hôm sau, măc dù vẫn là ngày nghỉ lễ, song khi chúng tôi bước vào phòng đón tiếp của nhà khách Tỉnh đội Kon Tum thì đã thấy đồng chí Biên, thiếu tá - cán bộ chính sách Tỉnh chờ sẵn. Vẻ mặt thân thiện, anh ân cần mời chúng tôi uống nước và sau khi tự giới thiệu vắn tắt, anh thông báo: “Nhận được yêu cầu của gia đình, chúng tôi đã báo cáo các cơ quan chức năng và có kế hoạch tổ chức chuyến đi trở lại chiến trường xưa trong điều kiện có thể. Ngay sáng nay, chúng ta sẽ bắt đầu cuộc hành trình. Cùng đi với đoàn đến Đắk Seang, có đồng chí Huynh - cán bộ thuộc Ban Chính sách tỉnh. Đi qua huyện Ngọc Hồi, nơi có khu di tích, sẽ đón thêm một đồng chí nữa”. Tôi thật sự bất ngờ và cảm động về sự chu đáo này. Chúng tôi, những người ở nơi xa đến đều thấy trong lòng một cảm giác gần gũi, chân tình và mến khách.

Sau khoảng một tiếng rưỡi chạy xe trên Quốc lộ 14, chúng tôi dừng trước cổng làng văn hóa Đắk Răng (xã Đắk Dục). Ngay kế bên là nhà bia tưởng niệm chiến thắng Đắk Seang, có lẽ được xây dựng cách đây không lâu. Chúng tôi sắp lễ và kính cẩn thắp hương trước hương hồn của các liệt sỹ. Khi tôi cất giọng đọc bài khấn: “Thưa bác Phạm Văn Phúc cùng các đồng đội…”, thì bỗng như có một luồng điện chạy dọc thân người làm tôi nghẹn lại. Vợ tôi và các cháu đều thầm khóc. Một tình cảm linh thiêng không thể diễn tả nổi!

Trong khi chờ tàn hương, tôi hỏi đại úy Hùng, cán bộ chính sách huyện đội Ngọc Hồi: Tại sao trên bia mới ghi danh được hơn năm mươi liệt sỹ? Hùng đáp: Trong khoảng 6 năm tồn tại (1966 - 1972), căn cứ Đắk Seang đã nhiều lần bị quân ta tiến công. Tuy chưa có số liệu tổng hợp của các đơn vị, song số cán bộ chiến sỹ hy sinh tại đây ước tính có thể lên tới vài trăm đồng chí (chưa kể lực lượng địa phương và dân quân du kích). Số liệu ghi trên bia chỉ là con số do một đơn vị tham gia đánh căn cứ thống kê. Tỉnh Kon Tum đã công nhận Đắk Seang là khu di tích lịch sử. Chắc chắn khi hoàn thành xây dựng, khu di tích sẽ lưu giữ được nhiều hơn tên tuổi của các liệt sỹ. Rồi Hùng khoát tay chỉ ra vùng đất phía sau, nói: “Đăk Seang nằm ở vị trí quan trọng, án ngữ khu vực phía Bắc Kon Tum và vùng ngã ba biên giới, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua (cách biên giới Lào 10 km; cách Đắk Tô 23 km). Vì thế Mỹ - ngụy đã chọn và xây dựng Đắc Seang thành căn cứ lớn, khá kiên cố nhằm ngăn chặn và đánh phá các cuộc hành quân và vận chuyển cơ sở vật chất của ta”.

Trong số tư liệu Nguyễn Văn Biều gửi cho tôi có một số trang của cuốn hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Ông viết về căn cứ này như sau: “Đắk Seang là một trong những cứ điểm quan trọng của Mỹ ở vùng Tây Nguyên. Do nằm sâu trong vùng căn cứ của ta, (lại bị đánh hai lần trong năm 1968) nên địch xây dựng Đắk Seang thành căn cứ kiên cố với hệ thống lô cốt hầm ngầm, tháp canh; vòng quanh có 7 lớp hàng rào dây thép gai, ở giữa các lớp rào đều có gài mìn dày đặc. Giữa khu chỉ huy và các trận địa phòng thủ cũng có các lớp rào ngăn cách. Ở phía bắc căn cứ có sân bay, máy bay C.130 có thể lên xuống được…”

Ở một tài liệu khác cũng do Biều gửi (lấy từ thư viện đối phương) còn nói rõ: Ban đầu (1964), trại Đắk Seang (Đăk Seang Camp) do lực lượng đặc biệt Mỹ phụ trách nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự xâm nhập theo đường mòn Hồ Chí Minh của bộ đội Bắc Việt. Từ năm 1966 đến 1971, căn cứ được mở rộng, có cả sân bay dã chiến, khu gia binh cho vợ con binh lính đồn trú, thậm chí mở cả lớp dạy học cho con trẻ… (Đến cuối năm 1970 Mỹ chuyển giao căn cứ cho lực lượng biệt động quân ngụy đảm nhiệm nhưng vẫn có cố vấn Mỹ chỉ huy).

Chúng tôi theo đường mòn đi lên để quan sát căn cứ. Đó là một quả đồi không cao lắm nhưng rộng và khá bằng phẳng, xung quanh thấp dần. Hầu như không còn dấu vết hàng rào dây thép gai, không còn hầm hào, hố bom đạn… Nhưng nhìn thực địa, không khó để tôi hình dung ra những khó khăn, ác liệt mà anh tôi và các đồng đội đã phải vượt qua để tiếp cận căn cứ khi mà các khu vực xung quanh đã bị phát quang lại nằm trong tầm hỏa lực dày đặc của địch … Trận đánh ấy diễn ra vào rạng sáng ngày 18 tháng 8 năm 1968. Lực lượng Trung đoàn 101C của Mặt trận (B3 - Tây Nguyên) được pháo binh yểm trợ đã tổ chức tiến công căn cứ nhưng không thành. Cuốn “Lịch sử Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên” mà Nguyễn Văn Biều là Chủ biên cũng chỉ có hai dòng viết về trận này. Từng tham gia viết lịch sử và trận đánh của đơn vị (thuộc Quân đoàn 1) nên tôi hiểu đây là thực sự một trận đánh khó khăn. Tiến công vào một căn cứ được bố phòng kiên cố lại có sự yểm trợ lớn của các loại hỏa lực Mỹ không bao giờ là dễ dàng. Tôi nhớ lại lời của một số đồng đội tham gia trận đánh này, sau năm 1975 ra quân về địa phương mà tôi tìm gặp, kể lại: “… Bộ đội đang trên đường tiếp cận căn cứ thì bị lộ. Bom từ máy bay, đạn pháo từ các nơi trút như mưa xuống đội hình. Do không thể tiến lên được, đơn vị được lệnh rút về phía sau. Khi tập hợp lại lực lượng, nhiều phân đội chỉ còn non nửa. Đến đêm đơn vị mới vào được để làm công tác thương binh liệt sỹ trong khi cả ngày hôm đó bom đạn không ngớt cày xới…”. Nhớ lại câu chuyện xưa, bây giờ được đứng ngay tại nơi từng là chiến hào nơi các anh chiến đấu, lặng nhìn những hàng cây cao su xanh mơn mởn đang vươn cao, trong tôi đau đáu một điều mà ai đó đã từng viết: “Có màu xanh nào mà không qua mùa giông bão, có ngọt ngào nào mà không trải nỗi gian lao!” Tôi vừa đi dọc theo hàng cây cao su vừa thầm hỏi không biết chỗ nào là nơi anh hy sinh? Tôi luôn tin vào sự thành tâm và sự giao cảm từ “giác quan thứ sáu”: “Anh Phúc ơi, chúng em đã đến nơi anh chiến đấu, thắp hương cho anh và các đồng đội. Năm lăm năm rồi, anh ra đi và nằm lại ở đâu đó trên mảnh đất Đắk Seang này. Máu xương của anh đã hòa quyện vào đất đai sông núi nơi đây, góp phần làm nên mảnh đất Đắk Seang lịch sử và xanh ngút ngàn cây trái hôm nay!”

Chúng tôi quay trở lại làng Đắk Răng. Giữa mênh mông bạt ngàn rừng cao su xanh ngát là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng. Tuy không lớn lắm nhưng khá khang trang và sạch sẽ, nằm sát bên nhau không cần tường rào ngăn cách. Chú Hùng chỉ cho chúng tôi ngôi nhà rông quen thuộc của đồng bào Tây Nguyên sừng sững tọa lạc giữa trung tâm và nói: Nếu đến đây đúng vào dịp lễ hội, mọi người sẽ được xem bà con biểu diễn những điệu cồng chiêng, sáo Đinh Tút hoặc điệu múa Xoang… Đắk Răng nay đã trở thành làng văn hóa - một điểm du lịch của huyện Ngọc Hồi. Ngay cạnh bìa rừng cao su, bên con đường đã được trải bê tông có đặt một tấm biển lớn với dòng chữ: “Khu di tích lịch sử chiến thắng Đắk Seang”. Chỉ vào tấm biển, anh Võ Huynh giải thích cho chúng tôi hiểu thêm: “Đắk Seang được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2011. Đây cũng là di tích lịch sử đầu tiên của huyện Ngọc Hồi. Theo qui hoạch, khu di tích có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 41.437 m2 (gồm nhà bia tưởng niệm, một phần sân bay Đắk Seang, đường vào cứ điểm và Trại Đăk Seang)”. Tôi thắc mắc: Nếu không có người hướng dẫn, du khách hoặc thân nhân liệt sỹ khó có thể nhận biết đây là khu di tích lịch sử? Huynh mỉm cười rồi đáp: Đúng nhưng mà không hẳn như vậy. Tuy có chậm về tiến độ nhưng đến thời điểm này, Tỉnh đã cắm biển, xác định mốc giới khu di tích. Thời gian tới sẽ làm tiếp các hạng mục khác. Cần phải nói thêm là trong quyết định 1074 ngày 19/11/2021 về việc phê duyệt đề án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh Kon Tum đã nhận thấy thực trạng này và cảnh báo: “Một số di tích trong đó có Đắk Seang có nguy cơ trở thành phế tích nếu không được quan tâm và đầu tư đúng mức”. Tỉnh cũng đã đề ra một số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về vốn, về giải phóng mặt bằng v.v.. Hy vọng trong giai đoạn tới, công việc này sẽ được các cấp các ngành quan tâm, tiến độ được đẩy nhanh hơn, kịp hoàn thành các mục tiêu mà UBND tỉnh đã xác định trong đề án. Tôi nói thêm: Nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Ngọc Hồi nếu như kết hợp chặt chẽ giữa du lịch trải nghiệm các loại hình văn hóa riêng có của cộng đồng các dân tộc Đắk Răng với du lịch thăm quan các địa điểm di tích lịch sử (có thể phải phục hồi, phục chế một số hạng mục) của Chiến thắng Đắk Seang!

Trong bữa cơm chia tay đầy lưu luyến và tình nghĩa, tôi thay mặt gia đình nói lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí ở huyện Ngọc Hồi và tỉnh Kon Tum. Đáp lại, đồng chí Văn, Phó Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội, thay mặt anh em nói những lời rất chân tình: “Thân nhân của các bác đã vì Kon Tum mà chiến đấu. Gia đình cũng đã vượt hàng ngàn cây số đến Kon Tum thắp hương và thăm viếng. Tri ân và đền đáp lại sự hy sinh của các liệt sỹ dù có làm bao nhiêu cũng không đủ. Nhà nước đã có các chính sách, chế độ đãi ngộ với những người có công. Trách nhiệm và tình cảm của chúng cháu là thực hiện cho tốt!” Tôi rất cảm kích song cũng không quên dặn lại: Khi nào công trình “Khu di tích lịch sử chiến thắng Đắk Seang” hoàn thành, nhớ báo cho tôi biết nhé. Lúc đó, nếu sức khỏe còn cho phép, chúng tôi sẽ trở lại Đắk Seang. Vì Ngọc Hồi - Kon Tum nói chung, Đắk Seang nói riêng không chỉ là mảnh đất kỳ vĩ - một địa chỉ du lịch hấp dẫn mà còn là một vùng đất thiêng liêng, thấm đẫm máu đào của bao liệt sỹ, trong đó có một phần xương thịt của anh tôi!./.

                                            Ghi chép của Phạm Đức Hoàn

Đại tá - nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân đoàn I

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...