Trong những gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam thì niềm vui đâu có trọn vẹn, dù đó là độ Tết đến, Xuân về. Có ai không nhói lòng khi mà sắc xuân rực rỡ của vạn vật ngập tràn không gian, tiếng cười, tiếng nói vui vẻ trong mỗi gia đình lúc đoàn viên, thì đâu đó, gần ta thôi, vẫn là những tiếng khóc, tiếng kêu, tiếng la hét vô cớ, thậm chí là tiếng đập phá của những con người bất hạnh, như vô tri, vô giác bởi loại chất độc quái ác - “chất độc da cam”.
Nhìn những đứa con do mình sinh ra bị dị tật, dị dạng, không lành lặn như bao đứa trẻ khác, ngày cũng như đêm quằn quại trong đau khổ, vật vã trong đau đớn, ngây ngây, dại dại, một số còn phải xích, phải nhốt trong cũi như một con vật, hỏi rằng có ai không xót thương, có ai cầm được nước mắt, nhất là khi Tết đến, Xuân về. Nhiều bà mẹ đã hàng chục năm nước mắt chan cơm, xúc cho con từng thìa cơm, một đêm mấy lần thức giấc để đắp lại chăn cho con, tắm cho con hằng ngày, dù con đã lớn; hàng chục năm khóc thầm lặng lẽ, họ khóc mà không còn nước mắt để khóc, nỗi đau quặn xé trong lòng mà chẳng biết kêu ai. Bà Hoàng Thị Gấm (ở Thanh Hóa) đã 30 năm nay, trong nhà không có tiếng cười mà chỉ có tiếng khóc, tiếng la hét của hai cô con gái là NNCĐDC với những cơn sốt li bì, kéo dài triền miên, mắt trợn ngược, chân tay co rúm; chồng bà là cựu chiến binh, là NNCĐDC nằm liệt giường nhiều năm nay. Một mình bà phải chăm sóc 3 người nằm liệt giường. Bà than thở: trên thế giới này còn ai khổ hơn tôi không? Vợ chồng ông Đỗ Đức Địu (ở Quảng Bình) 15 lần sinh con thì 12 lần phải đem con đi chôn vì bị chết yểu, 3 đứa sống được thì tật nguyền; hằng ngày bà lầm lũi như một cái bóng, thơ thẩn với 12 ngôi mộ đánh số thứ tự từ 1 đến 12, chôn trong vườn sau nhà. Bà Trương Thị Đình vợ của NNCĐDC Nguyễn Văn Báu (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), dáng người tiều tụy, khắc khổ; bà nghẹn ngào khóc, mặc cảm mình là người có tội khi kể về 6 lần mang thai sinh nở, những đứa con bị dị dạng, dị tật, đứa thì đẻ non, đứa thì chết yểu sau 1 đến 2 tháng ra đời. Nhà nghèo, lại sợ mang tiếng với xóm làng, giấu giếm chôn con không hòm ván, không áo vải, cũng không hương khói! tội nghiệp lắm – Bà nghẹn ngào than thở. Bà Nguyễn Thị Thân ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chồng là NNCĐDC bị ung thư đã mất. Bà bị tai biến mạch máu não, tay bị yếu, vậy mà vẫn phải gắng sức chăm 4 người con bị dị tật, thiểu năng trí tuệ nặng, bệnh thần kinh, người con lớn 48 tuổi, con út 38 tuổi, nhưng chỉ cao 1,2-1,4 m, nặng chưa đến 30 kg, cả 4 người con đều là NNCĐDC, không vợ, không chồng. Cả nhà chỉ sống bằng số tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước cho qua ngày.
Các bà mẹ đó chẳng khi nào lo cho mình và không kịp nghĩ đến chăm sóc bản thân mình. Tất cả đều chung một suy nghĩ như bà Gấm: “không biết khi tôi mất đi thì những đứa con tật nguyền của tôi sống thế nào đây, ai chăm sóc cho chúng ?”.
Tôi cứ mông lung suy nghĩ, các gia đình này “những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ” sẽ đón Tết ra sao? liệu có vui hơn, có được ăn ngon hơn, các cháu có tấm áo mới để được mặc đẹp hơn không? Đành rằng Đảng và Nhà nước đã có chính sách, chế độ, các đoàn thể, nhất là Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã quan tâm chăm lo, nhưng “lực bất, tòng tâm”, sự quan tâm đó chỉ xoa dịu được phần nào sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Những mảnh đời bất hạnh đó rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân và của cộng đồng xã hội cả trong và ngoài nước.
Chương trình “Tết vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” đã và đang được phát động với ý nghĩa nhân văn cao cả, nhằm kết nối và lan tỏa những tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương, sự chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân. Đây cũng là dịp để mỗi người thể hiện ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng. Nhà Phật đã dạy: “Hương thơm của hoa thì bay theo chiều gió, hương thơm của người thì tỏa ngát muôn phương”. Những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp là hương thơm của mỗi người cũng sẽ tỏa ngát trong xã hội. Với truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, mỗi chúng ta hãy thể hiện lòng nhân ái bằng những hành động cụ thể, thiết thực, để Tết đến, Xuân về với mọi nhà, để những nốt trầm sẽ sáng hơn trong bản hòa ca của sắc xuân 2020./.
Mạnh Dũng
Bình luận