• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Xin chữ gì để cầu may mắn, tài lộc trong ngày đầu năm?

Xin chữ đầu năm đã trở thành thói quen của nhiều người mỗi dịp Tết đến xuân về. Gửi gắm trong những nét chữ mềm mại, uyển chuyển đó là những ước vọng trong năm mới.

Xếp hàng chờ gần 15 phút mới đến lượt xin chữ, Nguyễn Ngọc Sơn (sinh viên năm 2, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) háo hức nhìn những đường bút dứt khoát của ông đồ. Từng nét chữ vuông vắn nhưng không thiếu sự mềm mại hiện ra trên trang giấy biểu.

“Ba chữ mình xin được không đơn giản là viết bằng mực, đó còn là tâm huyết của người viết, đồng thời chứa đựng những mong ước của mình cho một năm sắp tới", Ngọc Sơn chia sẻ với Zing.

Ngọc Sơn xin 3 chữ “An", “Báo ân” và “Thọ” từ 2 ông đồ. Ảnh: Ngọc Bích.

Đầu năm xin chữ

Sơn cho biết hàng năm, gia đình cậu có truyền thống đi du xuân, đi lễ chùa, đồng thời xin chữ đầu năm ngay tại địa điểm đó. Theo Sơn, hình ảnh ông đồ cho chữ trên giấy đỏ mang tính hoài niệm, truyền thống, đồng thời tượng trưng cho một năm mới may mắn, thuận lợi, suôn sẻ.

Năm nay, Sơn có trải nghiệm mới hơn khi xin chữ ngay trước Tết. Để xin được 3 chữ “An", “Báo ân” và “Thọ” từ 2 ông đồ, Sơn phải mua giấy từ khu vực khác, xếp hàng 15 phút để chờ tới lượt.

Cả 3 chữ Sơn đều chọn viết bằng thư pháp Hán Nôm, từng chữ đều được cậu gửi gắm những ý nguyện cho năm mới. Chữ “An" nhằm hy vọng một năm mới bình an, chữ “Thọ" cậu gửi tặng ông nội, mong ông luôn nhiều sức khỏe. Cuối cùng, “Báo ân" là chữ Sơn được ông đồ tư vấn, nhằm bày tỏ lòng biết ơn và sự hiếu thuận của cậu với ông bà, cha mẹ.

“Mọi năm, khi mình đi xin chữ cùng gia đình, mỗi chữ mình đều nhận sự tham vấn từ bố mẹ. Nhưng năm nay, trải nghiệm này khá mới mẻ khi lần đầu mình chủ động trình bày ý tưởng với ông đồ và đưa ra quyết định xin chữ gì", Sơn nói.

Cũng tham gia chương trình Tết tại trường học, chị Mai Hương (27 tuổi) xin 3 chữ thư pháp Hán Nôm.

Chị Hương vốn là giáo viên trường THCS Ngoại ngữ (ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), vì vậy, qua sự tư vấn của ông đồ, chị lựa chọn xin chữ “Minh trí”, tượng trưng cho người thầy thông minh, giỏi giang, học trò trí tuệ, hiểu biết. Bức thư pháp này chị Hương sẽ treo trong phòng làm việc.

Ngoài ra, chị cũng xin thêm cho bản thân chữ “Duyên" để cầu mong năm mới các mối quan hệ đều thuận lợi, hanh thông, chữ “Trường phát" treo tại phòng khách nhằm hy vọng sự thịnh vượng, phát triển lâu dài cho gia đình.

“Mình từng học tiếng Trung, vì vậy, mình hiểu và thích thư pháp Hán Nôm. Năm nay, mình ưng ý cả 3 chữ bởi hiểu rõ ý nghĩa 3 chữ này”, chị Hương chia sẻ và cho biết thêm hàng năm, gia đình chị cũng có truyền thống xin chữ đầu năm tại Văn Miếu vào mùng 2 Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, những ngày đó, Văn Miếu thường rất đông người đến xin chữ. Vì vậy, với 3 chữ đã xin được, năm nay, chị Hương chỉ đến Văn Miếu để thắp hương.

“Mình nghĩ tục xin chữ đầu năm giúp con người trân trọng chữ viết cũng như tìm hiểu các nét văn hóa cội nguồn. Mỗi lần xin chữ, mình luôn háo hức như ngày nhỏ, chỉ khác hiện tại, mình luôn tìm hiểu về ý nghĩa các chữ trước khi xin”, chị Hương nói.

Qua sự tư vấn của ông đồ Vũ Hà, chị Hương lựa chọn xin chữ “Minh Trí”, tượng trưng cho người thầy thông minh, giỏi giang, học trò trí tuệ, hiểu biết. Ảnh: Ngọc Bích.

Theo ông đồ Vũ Hà, thành viên câu lạc bộ Thư họa UNESCO Hà Nội, xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu của người Việt, xuất phát từ truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng thầy, cũng như thể hiện mong muốn, ước vọng tốt đẹp trong năm mới.

Thực tế, việc xin chữ có thể diễn ra quanh năm, nhưng phổ biến nhất vẫn là vào dịp Tết bởi theo quan niệm xưa, “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng” - mùa xuân là thời điểm bắt đầu một năm, cũng là dịp người dân có thời gian nghỉ ngơi, nhìn lại một năm cũ và chuẩn bị cho năm mới.

"Lúc này, thay vì thể hiện bằng lời nói, nhiều người chọn gửi gắm mong ước một năm mới qua chữ viết trên giấy đỏ, nhằm treo trong nhà để mọi ngày trong năm đều nhìn thấy", ông đồ Vũ Hà nói.

Ngoài ra, người cho chữ thường là những người có học, vì vậy, người xin chữ đem về cũng mong ước con cháu trong nhà trọng chữ nghĩa, trọng tri thức, chịu khó học hành. Từ đó mà tục xin chữ đầu năm ra đời

Học cho chữ không hề dễ

Trân trọng những nét đẹp truyền thống, Minh Anh (24 tuổi) bắt đầu tìm hiểu và học thư pháp từ năm lớp 12. Từ cậu học trò ham học tự chế bút viết bằng tóc và lông gà, sử dụng giấy báo cũ và mực dùng cho bút máy để luyện tập, giờ đây, Minh Anh đã tự tin trong từng đường bút.

5 năm nay, cứ vào dịp cuối năm, Minh Anh lại nhận được nhiều lời mời tham gia hoạt động cho chữ - xin chữ tại các sự kiện như tất niên, tri ân, khai xuân…

Tại các sự kiện này, người dân chủ yếu xin các chữ “Tâm”, “Phúc”, “Trí”, “Tài”, “Lộc”, “Bình an”... Mỗi chữ đều thể hiện mong ước của người xin trong năm mới. Ví dụ, chữ "Lộc" diễn tả cho may mắn, tốt lành trong cuộc sống, chữ "Phúc" tượng trưng cho hạnh phúc, sung sướng.

“Các chữ được viết ra dựa trên nhu cầu của người xin chữ, tuy nhiên, mình cũng cần phải tư vấn sao cho phù hợp, không phải chữ nào người ta yêu cầu mình cũng viết", Minh Anh nói.

Minh Anh cho rằng người học viết thư pháp không được hấp tấp, nóng vội, cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, vừa luyện chữ, vừa luyện tâm. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Zing, Minh Anh cho biết phải mất 2 năm theo đuổi, anh mới bắt đầu đi tặng chữ, việc học viết chữ thư pháp với anh là cả một quá trình học hỏi và rèn luyện mỗi ngày.

Theo Minh Anh, thời gian đầu luyện tập là giai đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi người học sự kiên trì, quyết tâm cao độ. Chưa kể thời gian đó, anh đang là sinh viên năm nhất, không có điều kiện sắm sửa giấy bút tốt, cũng không thể theo học thầy. Đã có lần, Minh Anh bỏ cuộc giữa chừng, bất lực vì tập viết mãi không được.

“Phải mất khoảng 2 tháng, nhìn bút lông ở góc bàn, mình không kiềm được mà cầm lên viết thử. Ngay lúc đó, mình lại viết được, thậm chí tốt hơn trước đó một chút. Mình quay lại, kiên nhẫn tập luyện từng ngày, rảnh lúc nào mình lại cầm bút, giấy lúc đó", Minh Anh chia sẻ.

Sau này, được thầy dạy thư pháp hỗ trợ học phí, Minh Anh mới có cơ hội theo học thầy khoảng 3 tháng. Được thầy “cầm tay, chỉ việc", nắn sửa từng nét, giải thích từng chữ, Minh Anh dần tiến bộ, làm chủ được cây bút, đồng thời có cơ hội gặp nhiều nhà thư pháp nổi tiếng để học hỏi.

Đến hiện tại, anh vẫn luyện tập và học mỗi ngày để nâng cao kỹ thuật cũng như hiểu sâu ý nghĩa mỗi chữ bản thân viết ra.

“Mình nghĩ điều cần nhất ở người học viết thư pháp là không được hấp tấp, nóng vội, cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, vừa luyện chữ, vừa luyện tâm. Ngoài ra, bạn cần học bài bản, có thầy dạy, có sách vở để hiểu được lời hay ý đẹp trong từng câu chữ. Lúc đó, bạn mới truyền tải được thông điệp qua nét bút của mình", Minh Anh nói.

Theo ông đồ Vũ Hà, hiện nay, 2 dòng thư pháp thông dụng là Hán Nôm và chữ Quốc ngữ. Trong đó, thư pháp Hán Nôm có phần phức tạp, khó hiểu, khó học, người viết phải nắm quy chuẩn như bố cục, chương pháp… tạo độ sâu của ngữ nghĩa.

Thư pháp Việt xuất hiện sau nhưng nhờ dễ đọc, dễ hiểu nên ngày càng được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, hai dòng thư pháp này song song phát triển, không loại trừ nhau.

Ông Vũ Hà nhận định bất kỳ ai muốn viết thư pháp, muốn cho chữ đều phải học bài bản, thành thạo bút pháp, nắm bộ chữ, hiểu rõ ngữ nghĩa của chữ mình viết ra.

“Không phải cứ dùng bút ‘vung vẩy' vài nét là ra chữ, ra thư pháp. Người học thư pháp, nhất là thư pháp Hán Nôm phải mất thời gian rất dài mới có thể thành thạo, hiểu ý tứ để cho chữ”, ông đồ Vũ Hà nói và nhấn mạnh việc hiểu nội dung, ý nghĩa chữ rất quan trọng.

Người cho chữ có hiểu thì mới tư vấn, giảng giải cho người xin chữ bởi không phải chữ nào cũng dễ dàng cho được, mỗi người sẽ phù hợp với một chữ riêng.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Ngày 27/3, Hội NNCĐDC/dioxin 26 tỉnh, thành phía Bắc đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác hội tại tỉnh Hải Dương. Dự hội nghị có: Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch TWH; ông Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ...