• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

CÁC BỆNH TẬT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TIẾP XÚC VỚI CHẤT DA CAM /DIOXIN TẠI VIỆT NAM Ở CÁC CỰU CHIẾN BINH MỸ

Những người lính cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Việt Nam ngày 30/4/1975. Các cựu chiến binh về nước đã nhiều năm tiến hành khiếu kiện về tình trạng sức khỏe của họ và con cái họ.

Từ năm 1961-1971, Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch khai quang lớn để thực hiện mục đích chiến tranh ở Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch này là phá hủy hàng triệu ha rừng từ trên không một cách có hệ thống. Chất độc hóa học đã được rải xuống mặt đất làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam và quân đội Mỹ của chính họ bị phơi nhiễm. Ở các khu vực xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ thì việc phun rải được lính Mỹ tiến hành bằng các thùng thuốc đeo trên lưng. Những người lính cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Việt Nam ngày 30/4/1975. Các cựu chiến binh về nước đã nhiều năm tiến hành khiếu kiện về tình trạng sức khỏe của họ và con cái họ. Các nghiên cứu ban đầu trên các loại chuột lớn và nhỏ từ năm 1964 của Phòng thí nghiệm Sinh học đã xác định rằng 2,4,5, T với liều lượng nhỏ, chất diệt cỏ cũng đã có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho các con chuột con mới sinh. Cuối cùng, năm 1991, lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của chất diệt cỏ đối với sức khỏe, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Công luật 102-4, Đạo luật Chất độc da cam 1991. Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia bắt đầu đánh giá toàn diện các thông tin khoa học và y tế liên quan với việc phơi nhiễm chất độc da cam cũng như các chất diệt cỏ khác được sử dụng ở Việt Nam và các thành phần của các chất diệt cỏ đó.

Theo kết quả của những nghiên cứu và khuyến nghị từ Viện Y học, Bộ Các vấn đề về cựu chiến binh Hoa Kỳ đã công nhận một số bệnh ung thư và một số bệnh khác là những bệnh được cho là có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam. Đó là: AL Amyloidosis, Bệnh bạch cầu tế bào B mãn tính, Chloracne, Bệnh tiểu đường típ 2, Bệnh Hodgkin, Bệnh tim thiếu máu cục bộ, Đa u tủy, Ung thư không Hodgkin, Bệnh Parkinson, Bệnh thần kinh ngoại biên, Bệnh Porphyria Cutanea Tarda, Ung thư tuyến tiền liệt, Hô hấp Sarcoma mô mềm, Ung thư bàng quang, Suy giáp và bệnh có triệu chứng như Parkinson (Parkinsonism). Bộ Các vấn đề về cựu chiến binh còn thừa nhận một loạt các trường hợp dị tật bẩm sinh, dẫn đến khuyết tật vĩnh viễn về thể chất hoặc tinh thần liên quan đến quá trình phục vụ của các nữ cựu chiến binh ở Việt Nam.

Ngày 10 tháng 8 năm 1961, cuộc thử nghiệm chất diệt cỏ đầu tiên đã được tiến hành tại tỉnh Kon Tum. Hai tuần sau, cuộc thử nghiện thứ hai diễn ra dọc theo Quốc lộ 13 phía Bắc Sài Gòn. Ngày 30 tháng 11 năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy ký Bản Ghi nhớ Hành động An ninh Quốc gia (NSAM) “Chiến dịch khai quang ở miền Nam Việt Nam”, kêu gọi: “một chương trình chung có chọn lọc và được kiểm soát cẩn thận đối với các hoạt động khai quang ở Việt Nam bắt đầu bằng việc khai quang các tuyến đường then chốt và sau đó có thể loại bỏ các cơ sở tiếp tế nếu ở đó thường xuyên là nơi tập kết lực lượng và nguồn cung cấp lương thực. Tiếp đó, ngày 13 tháng 1 năm 1962, phi vụ chính thức đầu tiên của Chiến dịch Ranch Hand được thực hiện dọc theo Quốc lộ 15, sử dụng máy bay C-123.

Việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong hành động quân sự ở Việt Nam kéo dài đến năm 1971. Thuốc diệt cỏ được sử dụng để làm rụng lá các khu rừng gỗ cứng trong đất liền, rừng ngập mặn ven biển, đất canh tác và các khu vực xung quanh các căn cứ quân sự. Nghiên cứu mới ước tính rằng khoảng 77 triệu lít đã được sử dụng, nhiều hơn khoảng 9 triệu lít so với ước tính trước đây (Stellman và cộng sự, 2003a). Các nhà điều tra của Viện Y học đã xem xét lại dữ liệu ban đầu của họ từ những năm 1970 và xác định được sự khác biệt so với phân tích của Tiến sĩ Stellman. Phân tích của Tiến sĩ Stellman đã dẫn đến việc chỉnh sửa đáng kể các số liệu ước tính trước đó, nó cho thấy khối lượng thuốc diệt cỏ có chứa TCDD được sử dụng ở Việt Nam nhiều hơn so với ước tính trước đây. Các nhà nghiên cứu của IOM kết luận rằng ước tính trước đó về nồng độ TCDD trung bình trong chất độc da cam là xấp xỉ 13 ppm thì đúng hơn là 3 ppm, dẫn đến ước tính khoảng 366 kg TCDD đã được sử dụng ở Việt Nam trong giai đoạn 1961-1971.

Đã có nhiều tranh cãi về số lượng chính xác quân nhân Hoa Kỳ thực sự phục vụ tại Việt Nam, với ước tính dao động từ 2,6 đến 4,3 triệu. Con số chính xác không được biết vì việc triển khai đến chiến trường không được ghi cụ thể trong hồ sơ quân sự. Khoảng 5.000 đến 8.000 phụ nữ được cho là đã từng tham gia quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Không có danh sách chính thức hoặc toàn diện các cựu chiến binh Mỹ Việt Nam (IOM, 2014). Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam có thể đã bị phơi nhiễm trực tiếp (Stellman, 2003) tính đến năm 1971.

VIỆN NGHIÊN CỨU Y HỌC

Đạo luật Da cam năm 1991 đã chỉ đạo Bộ trưởng Các vấn đề về cựu chiến binh yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) tiến hành một cuộc xem xét và đánh giá toàn diện, độc lập về thông tin khoa học và y tế liên quan đến ảnh hưởng đối với sức khỏe của việc phơi nhiễm thuốc diệt cỏ được sử dụng ở Việt Nam. Theo yêu cầu của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, IOM của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (như tên gọi hiện nay) đã thành lập Ủy ban Xem xét Ảnh hưởng đối với Sức khỏe của các cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam có tiếp xúc với thuốc diệt cỏ. Ban đầu, Luật yêu cầu trong vòng 10 năm, cứ hai năm một lần lại phải có đánh giá thông tin mới có, nhưng sau đó thời gian xem xét được gia hạn đến năm 2014, rồi đến 2016, rồi đến 2018.

Kết quả ban đầu của Ủy ban trên được công bố vào năm 1994 với tên gọi Cựu chiến binh và Chất độc da cam. Báo cáo này bao gồm việc xem xét và đánh giá một cách có hệ thống các bằng chứng khoa học hiện có liên quan giữa việc phơi nhiễm thuốc diệt cỏ và bệnh tật.

Dựa trên việc xem xét tất cả các tài liệu khoa học hiện có và phân tích của họ về mối quan hệ của bệnh tật với việc tiếp xúc với chất diệt cỏ, Ủy ban VAO (Chất độc da cam Việt Nam) đã đề ra 4 cấp độ bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh tật và việc tiếp xúc với chất diệt cỏ như sau: đủ bằng chứng về mối liên quan; bằng chứng hạn chế hoặc bằng chứng có tính gợi ý cho thấy mối liên quan; không đầy đủ hoặc không đủ bằng chứng để xác định có mối liên quan; và bằng chứng hạn chế hoặc gợi ý cho thấy không có liên quan.

Theo tài liệu mới nhất của IOM được cập nhật năm 2018, hồ sơ hoạt động của Mỹ có thể được sử dụng để đánh giá mức độ phơi nhiễm cho từng cựu binh Mỹ Việt Nam vẫn chưa được xác lập. Do đó, nhiều kết luận liên quan đến mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất diệt cỏ và bệnh tật là dựa trên các nghiên cứu về những người bị phơi nhiễm trong các môi trường và nghề nghiệp khác nhau. Các nhóm người này bao gồm cả những công nhân sản xuất hóa chất và công nhân nông nghiệp, cư dân Việt Nam, những người có thể bị phơi nhiễm nặng với chất diệt cỏ hoặc dioxin do sống gần nơi xảy ra tai nạn hoặc gần các khu vực được sử dụng để xử lý chất thải độc hại. Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các mẫu động vật cho thấy TCDD có thể gây ra các thay đổi biểu sinh, một cơ chế góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe ở cả cựu chiến binh và con cái của họ.

Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ giả định rằng một số bệnh nhất định có thể liên quan với quá trình phục vụ trong quân ngũ của một cựu chiến binh. Đây được gọi là các bệnh giả định. VA thừa nhận một số bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác có liên quan với việc tiếp xúc với chất độc da cam hoặc các chất diệt cỏ khác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có một số trùng khớp - nhưng không hoàn toàn - giữa các khuyến nghị của IOM và việc xác định của VA về các bệnh giả định này.

Nạn nhân Đào thị Hoàn ở Vĩnh Phúc

2. BÁO CÁO VÀ NGHIÊN CỨU CỦA IOM

Ngày 27/7/1993, cùng ngày NAS công bố Báo cáo đầu tiên của IOM, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề về cựu chiến binh khi đó là Jesse Brown đã thông báo rằng VA sẽ công nhận bệnh Hodgkin và porphyria cutanea là những bệnh có liên quan với hoạt của các cựu chiến binh tiếp xúc với chất diệt cỏ ở Việt Nam. Vì không có tài liệu rõ ràng về những người đã tiếp xúc với chất diệt cỏ ở Việt Nam, Bộ Cựu chiến binh cho rằng tất cả các cựu chiến binh đã ở Việt Nam từ ngày 6/1/1962 đến ngày 7/5/1975 đều đã bị phơi nhiễm. Dựa trên các nghiên cứu trước đây được thực hiện trên các công nhân công nghiệp, VA đã công nhận sarcoma mô mềm, chloracne và ung thư hạch không Hodgkin là những bệnh có liên quan với hoạt động khi tiếp xúc với chất diệt cỏ ở Việt Nam.

Sau đó, ngày 27/9/1993, Tổng thống Clinton đã thông qua quyết định bồi thường thương tật cho các cựu chiến binh Việt Nam mắc các bệnh ung thư đường hô hấp (bao gồm ung thư phổi, thanh quản, khí quản, phế quản) và đa u tủy trên cơ sở được cho là đã phơi nhiễm với chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác. Quyết định này dựa trên kết luận của một nhóm nghiên cứu đặc nhiệm của VA do Trợ lý Giám đốc Y tế về Y tế Môi trường và Y tế Công cộng đứng đầu.

Năm 1995, một phân tích về dị tật bẩm sinh ở con cái của các cựu chiến binh liên quan đến chiến dịch Ranch Hand, kết hợp với các nghiên cứu trước đó về dị tật ống thần kinh ở trẻ em của các cựu chiến binh Việt Nam do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh công bố đã dẫn đến việc cập nhật vào năm 1996 theo đó tật nứt đốt sống được xếp vào loại có “bằng chứng gợi ý ”. Báo cáo NAS năm 1996 cũng bao gồm bằng chứng gợi ý về liên quan giữa phơi nhiễm chất diệt cỏ và ung thư tuyến tiền liệt, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, và tật nứt đốt sống ở con cái của các cựu chiến binh. Năm 2000, VA đã thêm bệnh tiểu đường típ 2 vào danh sách các bệnh có liên quan đến giả định dựa trên đánh giá của IOM cho thấy có thể có mối liên quan với Chất độc da cam. Báo cáo của IOM năm 2000 đã gộp cả đánh giá trong các nỗ lực nghiên cứu của Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, Nghiên cứu về Chiến dịch Ranch Hand và bảy nghiên cứu mới khác về chủ đề này. Khi Ủy ban Cập nhật năm 2002 bắt đầu xem xét các tài liệu khoa học hiện có, VA đã yêu cầu đánh giá liệu bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL) có nên được xem xét tách biệt với các bệnh bạch cầu khác hay không. Trên cơ sở tài liệu dịch tễ học và căn nguyên của bệnh, IOM đã xếp CLL vào loại “Đủ bằng chứng”. Sự thay đổi đáng kể nhất so với các bản cập nhật trước đó của IOM bao gồm bản chất của mối liên quan giữa chất diệt cỏ và phơi nhiễm dioxin và tăng huyết áp và bệnh amyloidosis AL - cả hai tình trạng đều được đưa vào loại “bằng chứng gợi ý”. Sau đó AL amyloidosis đã được bổ sung vào danh sách của VA về các bệnh giả định đủ điều kiện để được bồi thường và VA đã bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về các cựu chiến binh Binh chủng Hóa học tham chiến ở Việt Nam và bệnh tăng huyết áp và bệnh phổi mãn tính. Năm 2010, VA đã thêm Bệnh Parkinson và bệnh tim thiếu máu cục bộ vào danh sách "giả định" và mở rộng giả định cho bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính để bao gồm tất cả các bệnh bạch cầu tế bào B mãn tính. Báo cáo IOM năm 2012 đã thay đổi loại đột quỵ thành “bằng chứng gợi ý về mối liên quan”. Cựu chiến binh và chất độc da cam Cập nhật 2014 đã bổ sung ung thư bàng quang với “bằng chứng gợi ý” theo kết quả nghiên cứu ở các cựu chiến binh Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam, và nghiên cứu năm 1997 của IARC về công nhân sản xuất thuốc diệt cỏ phenyoxy nhiễm dioxin. Các nghiên cứu về cựu chiến binh Hàn Quốc ở Việt Nam, minh họa các bằng chứng trong các công bố trong đó có cả các nghiên cứu về y tế trong nông nghiệp liên quan đến những người sử dụng thuốc trừ sâu, và một báo cáo trong Nghiên cứu sức khỏe của phụ nữ Seveso về việc giảm hoạt động của tuyến giáp đã dẫn đến việc IOM xếp suy giáp vào danh mục “bằng chứng gợi ý”. Ủy ban VAO lấy cả bệnh có các triệu chứng giống Parkinson, vì "không có cơ sở hợp lý để loại trừ chúng."

3. NHỮNG NGHIÊN CỨU Ở CỰU CHIẾN BINH THAM CHIẾN TẠI VIỆT NAM

Số lượng nhân viên Hoa Kỳ xử lý chất diệt cỏ không được thống kê đầy đủ chính xác. Hai nhóm đã được xác định có nguy cơ phơi nhiễm chất độc da cam cao là: Nhân viên Không quân tham gia Chiến dịch Ranch Hand, và nhân viên Binh chủng Hóa học sử dụng thiết bị vận hành bằng tay và máy bay trực thăng để khai quang xung quanh các nơi đóng quân của các đơn vị đặc nhiệm, dọn dẹp sân bay, kho và phá hủy mùa màng quy mô nhỏ (NRC, 1980; Thomas và Kang, 1990; Warren, 1968). Do việc sử dụng thuốc diệt cỏ tương đối rộng rãi ở Việt Nam, nên người ta có lý khi cho rằng nhiều nhân viên phục vụ người Mỹ ngoài các nhóm này cũng đã tiếp xúc với thuốc diệt cỏ hóa học.

Tháng 12/1979, Không quân Hoa Kỳ bắt đầu điều tra về ảnh hưởng đối với sức khỏe của việc phơi nhiễm thuốc diệt cỏ ở những người tham gia chiến dịch Ranch Hand. Người ta thu thập được các thông tin về công việc và quá trình làm việc, các dấu ấn sinh học và kết quả sức khỏe. Nhóm được khảo sát bao gồm cả các nhân viên Không quân đã phục vụ ở những nơi khác ở Đông Nam Á. Sự gia tăng tổng thể TCDD huyết thanh được tìm thấy ở những người có công việc liên quan đến việc xử lý thuốc diệt cỏ thường xuyên. Nghiên cứu Sức khỏe của Lực lượng Không quân là một nghiên cứu dịch tễ học tiềm năng, theo chiều dọc của hơn 2.700 nam giới đã được theo dõi trong hơn 27 năm và tham gia vào các cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện. Người ta đã thu được huyết thanh và các mẫu sinh học khác. Các bảng câu hỏi toàn diện được thực hiện về tình trạng sức khỏe, lối sống và kinh tế xã hội, bao gồm thông tin về việc làm, gia đình và con cái và các phơi nhiễm môi trường tiềm ẩn khác. Sự gia tăng TCDD huyết thanh đã được phát hiện ở những người này. Sau khi tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về tác động lâu dài của chất độc da cam và các chất diệt cỏ phenoxy khác theo yêu cầu của Bộ Y tế và Các dịch vụ xã hội Ủy ban Tư vấn Ranch Hand và Trung tâm Nghiên cứu độc học quốc gia đã họp lần cuối vào ngày 7/9/2006, và nhận thấy: 1) có mối liên hệ đáng kể giữa bệnh ung thư và những năm phục vụ của cựu chiến binh; 2) tỷ lệ mắc bệnh thần kinh ngoại biên tăng; 3) tăng nguy cơ mắc bệnh tuần hoàn; và 4) tăng không dung nạp glucose và bệnh tiểu đường.

Đến cuối những năm 1980 người ta vẫn chưa có nghiên cứu về việc phơi nhiễm chất diệt cỏ của các nhân viên của Binh chủng Hóa học (Thomas và Kang, 1990), cho đến tận khi các mẫu máu thu thập từ năm mươi cựu chiến binh Việt Nam cho thấy mối liên quan giữa các báo cáo về việc phơi nhiễm thuốc diệt cỏ và nồng độ TCDD trong huyết thanh cao hơn (Kang và cộng sự, 2001). Phải mất gần ba thập kỷ sau khi phục vụ, các cựu binh Hoa Kỳ tiếp xúc nghề nghiệp với chất diệt cỏ ở Việt Nam mới được xác định là có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, tăng huyết áp và các bệnh phổi không ác tính cao hơn đáng kể so với các cựu chiến binh khác không tiếp xúc với thuốc diệt cỏ (Kang và cộng sự, 2006). Nghiên cứu này dựa trên khảo sát về sức khỏe của gần 1.500 cựu chiến đã tham chiến ở Việt Nam và 1.500 cựu chiến binh không tham chiến ở Việt Nam. Những phát hiện này phù hợp với những nghiên cứu trước đây, bao gồm cả Nghiên cứu của Không quân về Ranch Hand năm 1997 (Henriksen et al., 1997).

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU SỨC KHOẺ SINH SẢN CỦA NỮ CỰU CHIẾN BINH THAM CHIẾN Ở VIỆT NAM

Năm 1999, Cơ quan Dịch tễ môi trường của VA đã hoàn thành một cuộc điều tra về sinh sản của các phụ nữ là cựu chiến binh ở Việt Nam. 4.140 nữ cựu chiến binh và một số lượng tương đương phụ nữ không phục vụ tại Việt Nam đã tham gia một cuộc khảo sát qua điện thoại và thực hiện một cuộc phỏng vấn về sức khỏe. Theo cuộc điều tra, nữ cựu chiến binh ở Việt Nam có số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh nhiều hơn đáng kể. Tiến sĩ Han K. Kang, Giám đốc Cơ quan Dịch tễ môi trường của VA là người chịu trách nhiệm chính về của điều tra.

5. NGHIÊN CỨU SỨC KHOẺ CỰU CHIẾN BINH HÀN QUỐC

Trong giai đoạn cuối cập nhật loạt bài về Chất độc da cam Việt Nam, một bộ tài liệu (Yi, 2013; Yi và Ohr, 2014; Yi và cộng sự, 2013a, 2013b, 2014a, 2014b) đã báo cáo kết quả áp dụng mô hình Chỉ số Cơ hội tiếp xúc do Stellman phát triển được sử dụng cho một nhóm lớn các cựu chiến binh Hàn Quốc đã từng phục vụ tại Việt Nam trong giai đoạn 1964-1973. Mô hình Chỉ số Cơ hội tiếp xúc nghiên cứu về các khu vực bị phun rải ở Việt Nam tương ứng với vị trí đóng quân. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã có thể lấy được các vị trí của quân đội từ hồ sơ nghĩa vụ quân sự. Do bằng chứng “thuyết phục” của các nghiên cứu này, Uỷ ban Cập nhật năm 2014 đã đưa cả bệnh ung thư bàng quang và bệnh suy giáp vào danh mục “bằng chứng gợi ý về mối liên quan”.

6. BỘ PHẬN CỰU CHIẾN BINH HOA KỲ LIÊN QUAN

Tính đến ngày 01/7 /2021, VA đã công nhận các bệnh sau đây có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam / dioxin: AL Amyloidosis, Bệnh bạch cầu tế bào B mãn tính, Chloracne, Bệnh tiểu đường loại 2, Bệnh Hodgkin, Bệnh tim thiếu máu cục bộ, Đa u tủy, Không Hodgkin's Lymphoma, Bệnh Parkinson, Bệnh thần kinh ngoại biên (khởi phát sớm), Porphyria Cutanea Tarda, Ung thư tuyến tiền liệt, Ung thư đường hô hấp, Sarcoma mô mềm, ung thư bàng quang, suy giáp và Parkinson. VA cũng giả định có sự tồn tại của mối liên hệ với một số dị tật bẩm sinh ở trẻ em của phụ nữ cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 15/11/2018, nghiên cứu hai năm một lần về các vấn đề sức khỏe ở cựu chiến binh có thể liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đã tìm thấy bằng chứng đầy đủ về mối liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh gammathopy đơn lớp (tiền thân của ung thư đa u tủy). Tăng huyết áp vẫn chưa được thêm vào Danh sách Các bệnh được cho là có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam của VA. Trước đây, VA được yêu cầu phải có quyết định trong vòng 60 ngày kể từ ngày IOM công bố phát hiện của mình. Điều khoản nằm trong Đạo luật Chất độc da cam năm 1991 này đã được Ủy ban Các vấn đề Cựu chiến binh Hạ viện và Thượng viện cho phép hết hiệu lực vào tháng 10/2015. VA tiếp tục "xem xét" và nghiên cứu các báo cáo của IOM khuyến nghị tăng thêm bệnh huyết áp vào danh sách các bệnh được giả định là có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam.

Các cuộc rà soát gần đây nhất theo yêu cầu của Quốc hội về bằng chứng các vấn đề sức khỏe có liên quan với việc phơi nhiễm chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác được sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đã chứng minh được đầy đủ mối liên quan đối với bệnh tăng huyết áp. Ủy ban nghiên cứu đã viết báo cáo Cựu chiến binh và Chất độc da cam cập nhật lần thứ 11 dựa vào các tài liệu khoa học được xuất bản từ ngày 30/9/2014 đến ngày 31/12/2017. Tăng huyết áp được chuyển sang loại “đủ bằng chứng”, cho thấy mối liên quan giữa tiếp xúc với hóa chất và bệnh tật. Kết luận này được đưa ra từ một nghiên cứu về các cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam do Bộ Cựu chiến binh thực hiện. Nghiên cứu này cho thấy những người từng phục vụ trong Binh chủng Hóa học và tiếp xúc nhiều nhất với chất diệt cỏ có tỷ lệ tăng huyết áp cao nhất. Bất chấp những phát hiện này, tăng huyết áp vẫn không phải là một trong những căn bệnh được VA cho là có liên quan với phơi nhiễm chất độc da cam. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cho phép bổ sung bệnh suy giáp, ung thư bàng quang và bệnh có các triệu chứng giống Parkinson vào danh sách các bệnh mà các cựu chiến binh được hưởng bồi thường, nhưng vẫn không phải cho bổ sung bệnh tăng huyết áp.

Mặc dù Bộ Cựu chiến đã bồi thường cho những trẻ em bị dị tật bẩm sinh nặng của các nữ quân nhân Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam, nhưng đối với con của các cựu chiến binh nam thì mới chỉ có các trường hợp con sinh ra bị tật nứt đốt sống mới được bồi thường. Chúng tôi tin rằng cần có sự bình đẳng cho con cái của các quân nhân Hoa Kỳ nam cũng như nữ.

Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm về Chất độc da cam Việt Nam đang làm việc với Dân biểu Barbara Lee về pháp lý để yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ (1) để giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chất độc da cam, (2) cho các cơ sở tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những cá nhân đó, (3) để cải thiện nhà ở và giảm nghèo cho các cá nhân cụ thể và gia đình của họ, và (4) cho các khu vực ở Việt Nam có mức độ tồn lưu chất độc da cam cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Abt Associates (2014), Initial Findings: National Vietnam Veteran Study Reveals Long-Term Course of PTSD and Link to Chronic Health Conditions. Available at: http://www.prnewswire.com/news-releases/initial-findings-vietnam-veteran-study-reveals-long-term-course-of-ptsd-and-link-to-chronic-health-conditions-270499501.html (Accessed: 1 September 2015).

American Legion (1982), Veterans Affairs and Rehabilitation, the American Legion Policy on Agent Orange: Resolution 410. 64th Annual National Convention of the American Legion.

Australia Department of Veterans’ Affairs [ADVA] (1983), Case-Control Study of Congenital Anomalies and Vietnam Service. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2005a), Cancer Incidence in Australian Vietnam Veteran Study. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2005b), The Third Australian Vietnam Veterans Mortality Study 2005. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2005c), Australian National Service Vietnam Veterans: Mortality and Cancer Incidence 2005. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2014a), Vietnam Veterans Family Study: Volume 1. Introduction and Summary of the Studies of Vietnam Veteran Families. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2014b), Vietnam Veterans Family Study: Volume 2. A Study of Health and Social Issues in Vietnam Veteran Sons and Daughters. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2014c), Vietnam Veterans Family Study: Volume 3. A Study of Mortality Patterns of Vietnam Veteran Families. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

ADVA (2014d), Vietnam Veterans Family Study: Volume 4. Supplementary Studies of Vietnam Veteran Families’ Experiences. Canberra, Australia: Department of Veterans’ Affairs.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    MÙA XUÂN NGUYÊN VẸN…

    Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 và App thiện nguyện MBBank tổ chức phát động Chiến dịch Tết vì nạn nhân chất độc da cam với chủ đề “Những mùa xuân nguyên vẹn”. Với ...
    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc mục tiêu nhà kiên cố cho nạn nhân

    Ngày 24/12, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029. Dự và chỉ đạo Đại hội có: Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban TC-CS Trung ương Hội; bà Nguyễn Thị Kim Nhàn, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ...