• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Khảo sát tình hình bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp trong vùng phơi nhiễm Dioxin thuộc huyện Tân Uyên, Bình Dương

Mục tiêu: Phân tích tình hình bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và tăng huyết áp (THA) tại xã BM (nhóm nghiên cứu) và phường CM (nhóm chứng) của huyện Tân Uyên Tỉnh Bình Dương. Phương pháp nghiên cứu: Thuần tập hồi cứu. Kết quả: Với số lượng nhóm bệnh và nhóm chứng lần lượt là: 628người và 677 người.

 

TÓM TẮT

Kết quả nghiên cứu cho thấy đối tượng nghiên cứu có độ tuổi từ 40-60 chiếm tỷ lệ cao nhất, nữ chiếm đa số, thời gian sống trên 15 năm là chủ yếu ở cả xã BM và phường CM. Tỷ lệ bệnh ĐTĐ tại xã BM trước và sau loại trừ yếu tố nguy cơ lần lượt là: 7.0% và 9.6% cao hơn so với phường CM. Tỷ lệ bệnh THA tại xã BM trước và sau loại trừ yếu tố nguy cơ lần lượt là: 25.3% và 32.9% cao hơn so với phường CM. Kết luận: Tỷ lệ bệnh ĐTĐ có xu hướng cao hơn ở xã BM so với phường CM khi loại trừ yếu tố nguy cơ. Điều này gợi ý rằng phơi nhiễm Dioxin là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chất độc da cam/dioxin là tên gọi chung của các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường tự nhiên và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người tại Việt Nam. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng Chất độc da cam/dioxin có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng trên cơ thể con người có tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với Chất độc da cam/dioxin như ung thư [1]. Đặc biệt, gần đây một số báo cáo cũng cho thấy có sự liên quan giữa một số bệnh lý với sự phơi nhiễm với Chất độc da cam/dioxin như: đái tháo đường (ĐTĐ) tăng huyết áp (THA)… [2, 3]. Tân Uyên, Bình Chánh, đặc biệt là xã BM là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Trong các nghiên cứu trước đã chỉ ra dioxin tồn tại trong: các mẫu máu, thịt và sữa mẹ. Đặc biệt, nghiên cứu còn chỉ ra rằng nồng độ dioxin trong máu ở những người sống ở vùng BM cao hơn so với những vùng không bị phơi nhiễm Dioxin như CM [4]. Đây có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ rối loạn trầm cảm lo âu ở xã BM, Tân Uyên trong một nghiên cứu trước đây [5]. Kết quả của nghiên cứu này cũng gợi ý rằng sự tồn dư chất độc da cam/dioxin ở xã BM, Tân Uyên có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý khác như THA và ĐTĐ trên cộng đồng dân cư bị phơi nhiễm. Xuất phát từ vần đề nêu trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Phân tích tình hình bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở xã BM với nhóm chứng là phường CM, từ đó đánh giá ảnh hưởng của phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin lên tình trạng của các bệnh lý nói trên.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Nhóm nghiên cứu: 628 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên, ở cả hai giới), sống tại xã BM trên 5 năm.

- Nhóm chứng: 677 người trưởng thành có độ tuổi tương đồng với nhóm nghiên cứu, có thời gian sống trên 5 năm tại phường CM.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu: thuần tập hồi cứu, thống kê số liệu.

- Phương pháp thu thập số liệu: Sử dụng Bộ câu hỏi để khảo sát về các đặc điểm chung, các yếu tố nguy cơ cũng như có hay không mắc cũng như các yếu tố nguy cơ của các bệnh THA, ĐTĐ. Bộ câu hỏi được đánh giá bằng phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu bởi cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm nghiên cứu cũng như kinh nghiệm lâm sàng liên quan đến bệnh THA và ĐTĐ. Những người được coi là mắc bệnh THA, ĐTĐ là những người đang uống thuốc và điệu trị ngoại trú tại địa phương.

- Xử lý số liệu: Số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm Excel 2013. Số liệu về tỷ lệ nhóm tuổi, giới tính, nghề nghiệp và tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp được phân tích bằng phương pháp so sánh khi bình phương trên phần mềm stata 14.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê được xác định khi p<0,05.

- Đạo đức trong nghiên cứu: Trước khi tham gia nghiên cứu các đối tượng sẽ được phổ biến về thông tin của nghiên cứu, lợi ích, rủi ro khi tham gia, nếu đồng ý sẽ ký nhận vào giấy Đồng ý tham gia nghiên cứu. Sự tham gia là hoàn toàn tự nguyện và có thể rút lui khỏi nghiên cứu bất cứ khi nào. Toàn bộ các thông tin của đối tượng nghiên cứu đều được bảo mật tuyệt đối. Chỉ có nghiên cứu viên mới biết được mã số cá nhân của đối tượng nghiên cứu, báo cáo tổng kết chỉ tổng hợp kết quả số liệu chung, không nêu đích danh đối tượng.

- Thời gian và địa điểm nghiên cứu: số liệu nghiên cứu được thu thập trong hai năm 2018 và 2019 tại xã BM và phường CM, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Phân bố về tuổi ở các nhóm.

\"\"
 

Ở cả 2 nhóm, đối tượng nghiên cứu có độ tuổi từ 40-60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (nhóm nghiên cứu: 42.7%, nhóm chứng: 50.7%), sau đó đến nhóm tuổi trên 60 tuổi (nhóm nghiên cứu: 38.2%, nhóm chứng: 25.6%), thấp nhất là nhóm tuổi dưới 40 tuổi (nhóm nghiên cứu: 19.1%, nhóm chứng: 23.8%). Thống kê cho thấy tỷ lệ người trên 60 tuổi tại xã BM cao hơn có ý nghĩa thống kê (P= 0.0000) so với phường CM. Ngược lại, Nhóm tuổi 40-60 tuổi và dưới 40 tuổi thì phường CM chiếm tỷ lệ cao hơn có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy dân số tại phường CM có tỷ lệ dân số trẻ cao hơn so với xã BM.

Bảng 2. Thời gian sống của người dân tại xã BM và phường CM.

\"\"
 

Phần lớn đối tượng nghiên cứu có thời gian sống tại khu vực nghiên cứu trên 15 năm (nhóm nghiên cứu: 94.4%, nhóm chứng: 95.6%). Thống kê cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về thời gian sống tại khu vực nghiên cứu giữa hai nhóm nghiên cứu (p= 0.3434). Kết quả này gợi ý rằng thời gian sống ở khu vực nghiên cứu là tương tự nhau giữa hai nhóm nghiên cứu.

Bảng 3. Giới tính ở hai nhóm nghiên cứu.

\"\"

Ở cả hai nhóm, giới tính nữ chiếm đa số (nhóm nghiên cứu: 63.2%, nhóm chứng: 68.4%). Thống kê cho thấy tại xã BM có tỷ lệ nam cao hơn tại phường CM với ý nghĩa thống kê là: P= 0.0489. Mặc dù tỷ lệ nữ chiếm đa số tại 2 xã, nhưng xã BM có tỷ lệ nữ ít hơn tại phường CM với ý nghĩa thống kê là: P= 0.0489.

Bảng 4. Tiếp xúc với yếu tố độc hại.

\"\"
\"\"

Thống kê cho thấy tỷ lệ người tiếp xúc với các yếu tố độc hại tại xã BM là cao hơn tại phường CM ở tất cả các yếu tố nguy cơ gây bệnh với ý nghĩa thống kê lần lượt là: P= 0.0000, RR= 4.2, 95% CI= 3.2-5.5; P =0.0000, RR= 4.1, 95% CI=3.1-5.4; P= 0.0000, RR= 181.1, 95% CI= 45.3-724.1; P= 0.0000, RR= 60.4, 95% CI= 15.0-243.3; P= 0.0337, RR= 1.4, 95% CI= 1.0-2.0; P= 0.0017, RR= 1.4, 95% CI= 1.1-1.8. Điều này có thể được giải thích như sau, do xã BM là một xã nông nghiệp đặc biệt ngành nghề trồng cây cao su nên họ phải tiếp xúc với yếu tố độc hại là không thể tránh khỏi.

3.2. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp giữa 2 nhóm nghiên cứu

Bảng 5. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

\"\"

Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ bệnh ĐTĐ tại hai xã BM và phường CM lần lượt là: 7.0% và 9.0%, và tỷ lệ bệnh THA tại hai xã lần lượt là: 25.3% và 19.4%. Kết quả thống kê cho thấy, không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê (P= 0.1836, RR= 0.8, 95% CI= 0.53-1.1) về tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ tại xã Bình Mỹ và phường CM. Đối với tỷ lệ bệnh THA, tại xã BM chiếm tỷ lệ cao hơn tại phường CM với ý nghĩa thống kê là: P = 0.0096, RR= 1.3, 95% CI= 1.1-1.6.

Bảng 6. Tỷ lệ bệnh THA và ĐTĐ theo nhóm tuổi

\"\"

Để làm rõ hơn về sự anh hưởng của yếu tố tuổi, chúng tôi đã phân tích cơ cấu bệnh tật theo các nhóm tuổi như bảng trên. Kết quả phân tích cho thấy mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tại phường CM là cao hơn nhưng không có sự khác biệt thống kê so với xã BM đối với bệnh lý ĐTĐ (p= 0.7997, P= 0.4001, P= 0.3676) ở tất cả các nhóm tuổi. Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh THA tại xã BM là cao hơn tại phường CM ở tất cả các nhóm tuôi, tuy nhiên với nhóm tuổi dưới hoặc bằng 40 tuổi (P= 0.2778) và nhóm tuổi 40 – 60 tuổi (P= 0.1453) là không đạt được ý nghĩa thống kê, còn nhóm tuổi trên 60 tuổi là đạt được ý nghĩa thống kê (P= 0.0267). Kết quả trên cho thấy, nhóm tuổi trên 60 tuổi là nhóm có nguy cơ phơi nhiễm dioxin cao nhất vì vậy tỷ lệ mắc bệnh THA tại xã BM là cao hơn có ý nghĩa thống kê so với phường CM.

Bảng 7. Tỷ lệ bệnh THA và ĐTĐ loại trừ yếu tố nguy cơ.

\"\"

Như kết quả từ bảng 7 thấy tỷ lệ người tiếp xúc với yếu tố độc hại tại xã BM là cao hơn tại phường CM, vì vậy chúng tôi đã loại nhóm đối tượng này ra khỏi số liệu nghiên cứu để mục tiêu nhằm phân tích rõ hơn vai trò của yếu tố có phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin. Kết quả thống kê cho thấy, mặc dù không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê về tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ tại xã BM và phường CM. Nhưng so sánh với kết quả bảng 5 ta thấy, tỷ lệ người ĐTĐ tại xã BM có xu hướng tăng lên còn phường CM lại có xu hướng giảm đi. Đối với tỷ lệ bệnh THA, tại xã BM có xu hướng tăng lên và chiếm tỷ lệ cao hơn tại phường CM với ý nghĩa thống kê là: P= 0.0000, RR= 2.1, 95% CI= 1.5-2.8.

Bảng 8. Tỷ lệ bệnh THA và ĐTĐ loại trừ yếu tố nguy cơ theo nhóm tuổi

\"\"

Kết quả phân tích cho thấy, đối với bệnh ĐTĐ nhóm tuổi dưới 40 tuổi và trên 60 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh tại xã BM là cao hơn phường CM nhưng nhóm 40 - 60 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ tại xã BM là thấp hơn phường CM nhưng không có khác biệt ý nghĩa thống kê tại tất cả các nhóm tuổi. Đối với bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ mắc bệnh tại xã BM là cao hơn có ý nghĩa thống kê (P = 0.0783, P = 0.0052, P= 0.0024) so với phường CM ở tất cả các nhóm tuổi. Điều này cho thấy, sau khi loại trừ các yếu tố ảnh hưởng khác thì yếu tố phơi nhiễm dioxin tại xã BM là một yếu tố quan trọng trong nguy cơ mắc bệnh THA tại xã BM.

4. BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân tích tình hình bệnh ĐTĐ và THA ở xã BM và phường CM. Kết quả đã chỉ ra rằng, tỷ lệ THA tại nhóm đối chứng (phường CM) là 19.4% thấp hơn tỷ lệ THA tại nhóm nghiên cứu (xã BM). Ngô Thanh Nguyên và cs, (2012) [6] đã chỉ ra rằng tỷ lệ ĐTĐ ở thành phố Biên Hòa là 8,1% tỷ lệ này xấp xỉ với tỷ lệ ĐTĐ ở cả nhóm nghiên cứu (7%) và nhóm chứng (9%) trong nghiên cứu của chúng tôi.

Trong 2 xã nói trên, những người sống ở xã BM được xác định là một trong những khu vực có nguy cao trong phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin và những người sống ở CM không có phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin được đưa vào làm nhóm chứng [5]. Theo nghiên cứu gần đây của Sycheva và cộng sự (2016), nồng độ dioxin trong máu của những người sống ở xã BM là cao hơn có ý nghĩa thống kê so với những người sống ở xã CM [4]. Vì vậy, tình hình bệnh ĐTĐ và THA có thể bị ảnh hưởng bởi sự phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi chưa loại trừ các yếu tố nguy cơ như hút: thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc chất độc hóa học, … Tỷ lệ ĐTĐ ở xã BM thấp hơn so với phường CM, mặc dù sự khác biệt này là chưa đạt được ý nghĩa thống kê. Đặc biệt, khi loại bỏ các yếu tố nguy cơ nói trên, tỷ lệ ĐTĐ ở nhóm BM lại cao hơn. Với bệnh THA, khi chưa loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng như khi đã loại bỏ yếu tố nguy cơ, tỷ lệ THA ở xã BM đều cao hơn có ý nghĩa thống kê so với xã CM. Như vậy, phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ THA và ĐTĐ ở xã BM.

Các nghiên cứu trước đây đã xác định, THA và ĐTĐ bị ảnh hưởng nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính [7, 8] … Vì vậy, chúng tôi tiến hành so sánh các đặc điểm nói trên giữa 2 xã để có bằng chứng về liên quan giữa phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với bệnh THA và ĐTĐ. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù có sự khác biệt về tỷ lệ các nhóm lứa tuổi giữa xã BM và phường CM nhưng sơ đồ phân bố nhóm tuổi là tương đối giống nhau. Đó là nhóm tuổi từ 40-60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến nhóm tuổi trên 60 tuổi, thấp nhất là nhóm tuổi dưới 40 tuổi. Phân bố nhóm tuổi này phù hợp với kết quả về thời gian sống của đối tượng nghiên cứu ở xã BM và phường CM. Kết quả của chúng tôi cho thấy trên 90% đối tượng nghiên cứu có thời gian cư trú tại 2 xã nói trên với thời gian trên 15 năm. Với thời gian như trên chúng tôi cho rằng sự tồn lưu của chất độc da cam/dioxin trong môi trường sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của các đối tượng nghiên cứu. Mặc dù, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở từng giới giữa xã BM và phường CM, nhưng giới nữ vẫn chiếm đa số ở cả hai nhóm nghiên cứu, trong đó tỷ lệ nữ ở xã BM thấp hơn so với phường CM. Các báo cáo gần đây đều cho thấy tỷ lệ THA có tỷ lệ cao hơn ở giới tính nữ [7] và ĐTĐ có tỷ lệ cao hơn ở nam [8]. Vì vậy, khó có thể khẳng định tỷ lệ THA cao (có thể cả ĐTĐ) ở xã BM so với phường CM là do sự khác nhau về giới tính.

 
 

5. KẾT LUẬN

- Về đặc điểm chung: Tỷ lệ bệnh ĐTĐ có xu hướng cao hơn ở xã BM so với phường CM khi loại trừ yếu tố nguy cơ. Nhưng khi chưa loại trừ yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ ĐTĐ tại phường CM lại cao hơn tại xã BM ở mọi lứa tuổi. Còn đối với bệnh THA thì tỷ lệ mắc bệnh tại xã BM là cao hơn và có ý nghĩa thống kê so với phường CM ở mọi độ tuổi nghiên cứu trong cả hai trường hợp trước và sau khi loại trừ các yếu tố nguy cơ.

- Yếu tố phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin tại xã BM có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ ĐTĐ và THA của người dân tại đây so với phường CM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Jinming Xu, Yao Ye, Fang Huang et al (2016), Association between dioxin and cancer incidence and mortality: a meta-analysis. Sci Rep. 6: 38012.

Chien-Yuan Huang, Cheng-Long Wu, Yi-Ching Yang et al (2015), Association between Dioxin and Diabetes Mellitus in an Endemic Area of Exposure in Taiwan. Medicine (Baltimore). 94(42): e1730.

Surbhi Trivedi and Rohit R. Arora (2018), Association of Dioxin and Dioxin-like Congeners with Hypertension. Fed Pract. 35(5): 20–6.

Sycheva LP, Umnova NV, Kovalenko MA et al (2016), Dioxins and Cytogenetic Status of Villagers After 40 Years of Agent Orange Application in Vietnam. Chemosphere. 144:1415-20

Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Văn Hiệp, Lương Thị Mơ (2013), Khảo sát đặc điểm tâm lý của dân vùng bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tạp chí khoa học và công nghệ nhiệt đới, số 04, 92-95.

Ngô Thanh Nguyên, Phan Huy Anh Vũ (2012), Nghiên cứu tình hình đái tháo đường ở đối tượng từ 30 tuổi trở lên tại thành phố Biên Hòa năm 2011. Tạp trí nội tiết đái tháo đường, Huế. Q 1. Số 6: 195-199.

Choi HM, Kim HC, Kang DR (2017), Sex differences in hypertension prevalence and control: Analysis of the 2010-2014 Korea National Health and Nutrition Examination Survey. PLoS ONE 12(5): e0178334.

Anna Nordström, Jenny Hadrévi, Tommy Olsson et al (2016), Higher Prevalence of Type 2 Diabetes in Men Than in Women Is Associated with Differences in Visceral Fat Mass. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism

Lê Văn Quang1, Đặng Thị Việt Hương 1, Bùi Thanh Nga1,

Nguyễn Ngọc Tân1, Lê Văn Quân2, Võ Viết Cường1

1) Viện Y sinh nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

2) Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...